Nhà Giáo Ưu Tú Nguyễn Thúc Chuyên

26/11/2012 19:52

(Baonghean) - "Thế là ông Chuyên không còn được dự cuộc vui này rồi!". Tôi đã thốt kêu lên vậy khi nhà giáo lão thành Bạch Văn Quế đưa cho tôi xem giấy mời dự cuộc gặp mặt nhân ngày 20 tháng 11 năm nay. Còn nhớ, năm ngoái, sau khi đi dự cuộc gặp mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), ông Chuyên với vóc dáng nhỏ nhắn, với chiếc xe đạp mi-ni, đã lên nhà tôi trò chuyện say sưa về cụ Phan Bội Châu và danh sách những người xuất dương tìm đường cứu nước thời đó ông vừa sưu tầm được...

NGƯT Nguyễn Thúc Chuyên, quê làng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Thân phụ ông là cụ Phó bảng Nguyễn Thúc Dinh, từng giữ chức Phủ Doãn Thừa Thiên, Thị lang Bộ Lại, Tuần Vũ Quảng Trị... Thời kỳ Xô-Viết (1930-1931), thực dân Pháp muốn đưa ông về làm Tổng đốc Nghệ An, nhưng ông không đồng ý và xin về hưu sớm. Năm 1933, ông đưa vợ con về sống ở làng Hồ Liễu và hăng hái tham gia nhiều hoạt động cứu quốc sau Cách mạng tháng Tám (1945).

Theo gương người cha, trong đại gia đình cụ Nguyễn Thúc Dinh, nhiều con cháu đã nêu cao tinh thần học hỏi, trở thành những cán bộ có uy tín trong chế độ mới; nổi tiếng hơn cả là GS. NGND Nguyễn Thúc Hào, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh. Các em trai của ông như Giáo sư-đại tá-bác sỹ quân y Nguyễn Thúc Tùng; đại tá Cục địch vận Nguyễn Thúc Đại; sĩ quan pháo binh Nguyễn Thúc Ngạn; Chủ nhiệm khoa Vật lý ĐHSP Huế - Nguyễn Thúc Huy...đều là những nhân vật được xã hội kính nể!



NGƯT Nguyễn Thúc Chuyên với vợ

Sinh trưởng trong một gia đình như thế, ông Nguyễn Thúc Chuyên đã vượt qua rất nhiều thử thách, với hơn 40 năm công tác trong ngành Giáo dục, đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Trước khi đến với nghề giáo, do có năng khiếu văn nghệ và thể thao, sau Cách mạng tháng Tám, ông làm cán bộ tuyên truyền Nghệ An, rồi chuyển sang Đoàn Ca kịch Tuyên truyền thuộc Quân khu 4. Trong giai đoạn này, cuộc đời ông có một "sự kiện", đã làm ông gắn bó với Huế. Năm 1946, trước ngày Toàn quốc kháng chiến, ông vào Huế cưới vợ - một nữ sinh Đồng Khánh quê lại ở Hà Nội (thân phụ của cô vào làm việc ở Huế từ lâu); sau đó, ông đưa vợ về quê Nam Đàn, rồi đi bộ đội.

Từ năm 1948, ông chuyển ngành, về dạy học cấp I ở Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An) và huyện Duyên Hà (Thái Bình), hết lòng tận tụy với các em nhỏ trong điều kiện học tập rất nhiều khó khăn thiếu thốn, thời kháng chiến chống Pháp. Không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, ông tiếp tục học Trường ĐHSP Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được Bộ Giáo dục điều về công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục và Vụ Bổ túc văn hoá, từ năm 1960 đến năm 1975. Trong thời gian này, ông đã tham gia Ban tu thư biên soạn và biên tập sách giáo khoa bộ môn Văn các cấp. Các thế hệ học sinh ở miền Bắc từ năm 1963-1975 đều đã học theo sách giáo khoa môn Văn do ông và một số cộng tác viên khác biên soạn, trong đó có cuốn Từ điển học sinh.

Một điều rất đặc biệt, suốt trong thời gian này, ông phải sống một mình! Nguyên do là năm 1954, vợ ông dẫn các con vào Huế thăm bà ngoại, rồi bị kẹt lại trong đó. Mãi hơn 20 năm sau, đất nước thống nhất, ông mới được gặp lại vợ con. Vợ chồng ông đã tin ở nhau, chờ đợi nhau suốt hai thập kỷ, nêu thêm một tấm gương đẹp về nghị lực, về lòng chung thủy của những đôi lứa chồng Bắc, vợ Nam. Nhờ thế, cuộc đoàn tụ của gia đình ông rất vui vẻ... Sau năm 1975, ông trở về Huế, làm trưởng phòng Bổ túc văn hoá, Sở Giáo dục Bình Trị Thiên, cho đến ngày về hưu (1990).

Là người ham thích hoạt động, sau ngày về hưu, ông từng đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà giáo hưu trí và Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế. Với tinh thần ham học hỏi, đọc sách báo từ nhỏ, với kiến thức khá sâu rộng, ông còn tham gia viết hàng trăm bài nghiên cứu có giá trị về lịch sử - văn hoá - giáo dục cho nhiều tờ báo có uy tín ở Trung ương và địa phương. Có thể dẫn một vài bài gần nhất của ông: "Phụ nữ tân văn văn của Phan Bội Châu", do ông sưu tầm và giới thiệu; "Những trường hợp Bác Hồ lẩy Kiều lúc hoạt động ở nước ngoài"...

Cho đến những ngày cuối đời, ông vẫn là người đại diện tại Huế cho Tạp chí Khoa học xã hội & nhân văn Nghệ An, vẫn ấp ủ những đề tài cho các tờ báo Xuân sắp tới. Chính là cuộc đời giáo chức giản dị, trong sạch và niềm vui sống của một lớp người ham hiểu biết, say mê hoạt động, đã tiếp sức cho ông vượt qua bệnh tật, sống thọ đến 86 tuổi.

Bạn bè, đồng nghiệp và con cháu đã tiễn ông đi trong một ngày giữa tháng 11 với rất nhiều vòng hoa tươi thắm. Tất cả đều "vô cùng thương tiếc", nhưng đây cũng là những đóa hoa vinh danh một con người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp Giáo dục của đất nước!


Nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Tp.Huế)

Mới nhất
x
Nhà Giáo Ưu Tú Nguyễn Thúc Chuyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO