Nhà nhập ô tô kiến nghị lùi thời gian áp thuế TTĐB mới

21/11/2015 17:19

Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng vừa gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng đề nghị lùi thời hạn áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mới thêm 6 tháng thay vì bắt đầu từ 1-1-2016 theo Nghị định số 108/2015/NĐ-CP vừa được ban hành cuối tháng 10-2015.

Đề xuất này vừa nhằm tránh gây thiệt hại cho các nhà nhập khẩu vì "trở tay không kịp" do việc ban hành và áp dụng nghị định quá nhanh, vừa để hài hòa luật pháp vì Quốc hội cũng đang xem xét chỉnh sửa luật thuế TTĐB dự kiến cũng có hiệu lực ngay từ ngày 1-1-2016.

1
Ô tô nhập khẩu sẽ bị đẩy giá lên cao do thay đổi cách tính thuế TTĐB mới. Trong ảnh là Euro Auto ra mắt xe nhập khẩu BMW Series 7, phiên bản 740Li. Giá xe không được tiết lộ cụ thể. Mẫu xe 740Li vừa tung ra sẽ là mẫu xe có giá bán cao nhất trong danh mục xe BMW do Euro Auto phân phối tính.

Trong đơn kiến nghị, 8 nhà nhập khẩu ô tô lưu ý rằng Nghị định số 108/2015/NĐ-CP vừa được ban hành cuối tháng 10-2015 hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 có thể sắp bị thay thế.

Theo các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô này, Quốc hội đang thảo luận nhằm tiến hành sửa đổi bổ sung Luật này, dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Tuy nhiên, theo dự thảo thì cách tính thuế TTĐB lại khác so với hướng dẫn của Nghị định 108/2015/NĐ-CP vừa ban hành cuối tháng 10 rồi.

Các nhà nhập khẩu cho rằng, việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian quá ngắn gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp nói chung trong việc theo sát các thay đổi trong chính sách thuế và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu ô tô cũng cho rằng việc thay đổi liên tục chính sách thuế sẽ tạo nên tiếng xấu cho môi trường kinh doanh nói chung.

Thiệt hại cho doanh nghiệp

Một số nhà nhập khẩu cho biết họ đang gặp khó và có nguy cơ phải chịu thiệt hoặc bị đền bù hợp đồng vì lượng đơn hàng xếp hàng chờ của khách đã bước qua năm 2016 thậm chí đến giữa năm tới, vì thông thường phải mất từ 3-4 tháng để thực hiện một đơn hàng nhập khẩu một mẫu xe do phải chờ đặt hàng ở công ty mẹ và thời gian vận chuyển mất nhiều thời gian.

Đơn cử như trường hợp của Euro Auto, nhà nhập khẩu ủy quyền chính thức xe BMW ở Việt Nam đang phải đối diện với việc đền hợp đồng cho nhiều khách hàng đã đặt cọc mua xe trước đó.

Trao đổi với TBKTSG Online tại buổi ra mắt xe BMW Series 7 phiên bản 740Li vào ngày 20-11, ông Nguyễn Đăng Thảo, Tổng giám đốc Euro Auto cho biết đơn hàng tính đến nay của khách mua xe BMW phải chờ đến tháng 5-2016 mới có thể giao hàng. Trong khi đó, nếu áp theo cách tính thuế TTĐB mới thì công ty sẽ bị thiệt hại lớn.

Theo ông Thảo, với Nghị 108 thì thuế TTĐB sẽ được căn cứ trên giá ô tô nhập khẩu về, bao gồm cả thuế nhập khẩu, và tối thiểu là phải tăng thêm 5%; trong khi dự thảo luật đang được Quốc hội thảo luận thì thuế TTĐB lại đánh trên giá bán ra của nhà bán lẻ cuối cùng, và mức tăng không được thấp hơn 7%. Như vậy hai cơ sở tính thuế TTĐB này đối với ô tô nhập khẩu là hoàn toàn khác nhau.

Theo tính toán của ông Thảo, với quy định của Nghị định 108 về cách tính thuế thì khả năng giá bán của ô tô nhập khẩu sẽ bị đẩy lên khoảng 10% trở lên và nếu áp theo cách tính của dự thảo Luật đang được Quốc hội thảo luận thì giá xe ô tô sẽ bị đẩy lên từ 20% trở lên, so với cách tính hiện tại.

Ông Thảo cũng như một số nhà nhập khẩu tô chính hãng đều bị "sốc" về việc ban hành chính sách tính thuế TTĐB mới với việc vừa ra đời được hai tháng nhưng phải áp dụng ngay. Điều này làm họ không kịp trở tay trong kế hoạch kinh doanh.

Do đó theo kiến nghị trên của các nhà nhập khẩu, trong trường hợp phải chỉnh sửa chính sách thuế theo dự luật thuế TTĐB mới thì nên lùi thời gian áp dụng Nghị định 108 sang ngày 1-7-2016 thay vì từ 1-1-2016.

Ngoài ra, các đơn vị này đề nghị Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các nhà nhập khẩu được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp, sản xuất trong nước trước khi phê duyệt cách tính thuế TTĐB và ban hành áp dụng.

Do bảo hộ xe trong nước?

Việc Chính phủ điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt này được cho là xuất phát từ đề xuất của các nhà lắp ráp sản xuất ô tô trong nước bởi hai cách tính loại thuế này lâu nay giữa xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc là khác nhau và phần thiệt được cho là nghiêng về phía lắp ráp ô tô trong nước.

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã kiến nghị với cơ quan quản lý yêu cầu thay đổi cách tính thuế TTĐB với xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc để không bất lợi cho xe lắp ráp trong nước. VAMA đã đề nghị Bộ Tài chính cách tính thuế TTĐB với ô tô là nên áp dụng trị giá tính thuế chung cho xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước theo giá nhập khẩu có bao gồm cước vận chuyển và bảo hiểm (nếu có).

Theo các thành viên VAMA, quy định hiện tại, xe sản xuất trong nước được tính thuế trên cơ sở giá bán buôn, bao gồm cả chi phí bán hàng; trong khi đó xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tính trên cơ sở giá CIF không bao gồm chi phí bán hàng; từ đó dẫn đến giá xe lắp ráp trong nước kém cạnh tranh hơn xe nhập khẩu.

Đại diện VAMA cho rằng xe trong nước ngoài chi phí sản xuất ra, còn nhiều chi phí khác: chi phí đầu tư vào hệ thống phân phối, dịch vụ sau bán hàng,... Các chi phí này tạo nên giá thành của chiếc xe. Thuế TTĐB đánh vào giá thành tổng thể của chiếc xe, bao gồm những chi phí vừa kể, trong khi xe nhập khẩu chỉ bị tính tại thời điểm nhập khẩu, không tính các chi phí dịch vụ bán hàng và hậu mãi; điều đó tạo ra sự không hài hòa về mặt thuế, và gây thiệt thòi cho các nhà sản xuất xe trong nước.

Ngoài ra, mức giá để tính thuế TTĐB với ô tô lắp ráp trong nước đã cộng thêm cả lợi nhuận của doanh nghiệp, cước vận chuyển từ nơi sản xuất đến đại lý và một số chi phí khác.

Phản ứng trước đề nghị của VAMA khi đó, ngay lập tức các doanh nghiệp nhập khẩu xe nguyên chiếc "phản pháo" lại rằng, cách tính thuế TTĐB như hiện nay là công bằng và đã cân nhắc chi phí liên quan cho việc tính thuế TTĐB với doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước, cũng như nhà nhập khẩu xe chính hãng nguyên chiếc.

Các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc cho hay, các đơn vị sản xuất và nhập khẩu xe nguyên chiếc tại Việt Nam là hai đơn vị khác nhau hoạt động theo điều khoản hợp đồng. Theo các nhà nhập khẩu, giá CIF được sử dụng trong cách tính thuế TTĐB đã bao gồm các chi phí sản xuất và marketing, cũng như lợi nhuận khi bán cho nhà nhập khẩu.

Trong trường hợp các đơn vị lắp ráp trong nước, các đơn vị sản xuất tính phí bảo hiểm và vận chuyển các bộ phụ tùng cho các đơn vị lắp ráp ở Việt Nam. Các đơn vị sản xuất nắm giữ quyền kiểm soát của các đại lý lắp ráp qua việc trở thành cổ đông. Bởi vậy, chi phí của các bộ phụ tùng, chi phí lắp ráp trong nước và chi phí marketing là nền tảng cấu thành nên giá trị của sản phẩm cuối cùng và chính giá trị này được sử dụng để tính thuế TTĐB. Cũng giống như trường hợp các đơn vị nhập khẩu nguyên chiếc, giá trị này bao gồm chi phí của các nhà sản xuất (chi phí phụ tùng + chi phí lắp ráp) và chi phí marketing cũng như lợi nhuận khi bán cho nhà phân phối.

Trên thực tế, các thành viên của VAMA - hầu hết vừa là nhà sản xuất lắp ráp, vừa là nhà nhập khẩu và phân phối - cho rằng nếu giữ cách tính thuế hiện nay thì họ cũng có lợi đối với dòng xe nhập khẩu. Tuy nhiên về lâu dài thì xe sản xuất trong nước khó cạnh tranh.

Trước sự tranh cãi giữa hai bên, rốt cuộc chính sách thuế TTĐB ô tô nhập khẩu đã được thay đổi bằng Nghị định số 108/2015/NĐ-CP vào ngày 28-10 rồi và sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2016. Tuy nhiên, dù Nghị định này chưa được áp dụng thì Quốc hội đang thảo luận nhằm tiến hành sửa đổi bổ sung Luật này, nhưng cũng dự kiến có hiệu lực vào ngày 1-1 tới.

Theo TBKTG

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhà nhập ô tô kiến nghị lùi thời gian áp thuế TTĐB mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO