Nhà nước nắm 100% vốn và cổ phần chi phối ở những lĩnh vực then chốt

06/12/2016 16:38

(Baonghean.vn) - Chiều nay 6/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020.

Đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó chủ tịch UBND chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh 2 nội dung cần tập trung làm rõ vì sao thoái hoá vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá đạt thấp; giải pháp nào để thoái vốn nhà nước và cổ phần hoá tốt nhất (đảm bảo huy động xã hội, lợi ích sau khi CPH tốt nhất).

Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước cho thấy, giai đoạn 2011-2015, thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch.

Đến nay, sau 15 năm sắp xếp lại, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, doanh nghiệp kém hiệu quả, doanh nghiệp ở các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Năm 2001 cả nước có khoảng 6.000 DNNN, dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực, đến năm 2011 có 1.369 DNNN thì đến hết tháng 10 năm 2016 chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.

Đại bộ phận DNNN có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô tăng lên. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài nhà nước 11,8%, FDI 17,9%).

Đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) kiến nghị v
Đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho rằng cần tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) kiến nghị về tạo lập môi trường để DNNN hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; cho phép DNNN được làm những việc mà pháp luật không cấm.

Đặc biệt, khi xem xét, đánh giá tính hiệu quả của DNNN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần đánh giá tổng thể các hoạt động của DNNN (có hoạt động hiệu quả, có rủi ro) để bảo đảm cho người đứng đầu DNNN tăng tính năng động, quyết đoán, nắm bắt kịp thời các cơ hội trong sản xuất kinh doanh.

Còn ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May, cho rằng khi tiến hành cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nếu cổ phần hóa từ công ty mẹ trước, công ty con sau tiến độ sẽ nhanh hơn... Tuy nhiên, khi bán phải xác định rõ các nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết với ngành, phải đầu tư bằng cả khối óc và trái tim, không đầu tư lướt sóng,... có vậy doanh nghiệp sau cổ phần hóa mới phát triển bền vững và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Tại điểm cầu Nghệ An.
Tại điểm cầu Nghệ An.

Tại Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 321/TTg – ĐMDN (2016) về phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh hiện nay. Theo đó, sẽ duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu công ty TNHH một thành viên Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với các công ty: Công ty TNHH một thành viên Lâm công nghiệp Sông Hiếu; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Tương Dương; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Con Cuông; Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đô Lương. Cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển chè Nghệ An; Công ty TNHH một thành viên Cao su cà phê Nghệ An; Công ty TNHH một thành viên Nông công nghiệp 3/2.

Thực hiện góp nguyên trạng tài sản, tài chính, lao động, đất đai để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đối với Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp 1/5; Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Xuân Thành; Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp An Ngãi. Chuyển thành ban quản lý rừng phòng hộ hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập có thu và sáp nhập với Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu đối với Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Quỳnh Lưu.

Vườn cao su của Công ty Nông nghiệp An Ngãi - Tân Kỳ
Vườn cao su của Công ty Nông nghiệp An Ngãi - Tân Kỳ. Ảnh tư liệu

Hiện tại Nghệ An có 10 công ty cổ phần có vốn nhà nước được Chính phủ cho phép để lại làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nghệ An có 6 doanh nghiệp còn lại thuộc diện nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, đến nay đã tổ chức thoái vốn xong tại 4 doanh nghiệp.

Để triển khai thực hiện phương án cổ phần hoá giai đoạn 2011-2015 theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thực hiện cổ phần hoá tại 6 Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo hình thức nhà nước nắm giữ trên 51% vốn điều lệ. Đến nay đã có 5 đơn vị đã thực hiện CPH xong, tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu.

Tỉnh sẽ thực hiện CPH 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Chè Nghệ An; Công ty TNHH MTV Cà phê cao su Nghệ An và Công ty TNHH MTV Nông công nghiệp 3/2. Hiện doanh nghiệp đang rà soát lại các hợp đồng giao khoán đất, xác định số diện tích đất không sử dụng để chuyển về địa phương quản lý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị. Ảnh: Baochinhphu.vn

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước đã triển khai quyết liệt tái cơ cấu DNNN và đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch đề ra.

Về mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, Thủ tướng nhấn mạnh công tác sắp xếp đổi mới DNNN là hết sức quan trọng; đồng thời yêu cầu để DNNN hoạt động hiệu quả, cần tạo môi trường minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ, có động lực để hoạt động.

Chính phủ xác định, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Các doanh nghiệp này cần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh; công khai, minh bạch về hoạt động sản xuất, kinh doanh; bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nhà nước nắm 100% vốn và cổ phần chi phối ở những lĩnh vực then chốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO