Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Trung thu, đừng để trăng buồn

(Baonghean.vn) - Bây giờ, người ta vẫn nhớ, vẫn tổ chức cho con trẻ vui Trung thu song thiếu hẳn sự tương tác với thiên nhiên. Cùng với đó là sự tương tác giữa con người với nhau cũng thưa kém; công nghệ hóa khiến con người có phần xa cách nhau. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trao đổi cùng Báo Nghệ An.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: Thành Chung
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Trung thu xưa, con người cảm thấy mình hòa hợp với đất trời, ai cũng nhìn ngắm trăng. Ảnh: Thành Chung
P.V: Thưa ông, trong quan niệm của người dân Việt Nam từ xưa tới nay, Trung thu là gì ? Và nó  có ý nghĩa ra sao đối với cuộc sống con người?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Trung thu về bản thân là một ngày lễ tiết theo lịch của những nền kinh tế nông nghiệp làm lúa nước vận hành theo khí hậu, thời tiết, 4 mùa Xuân - Hạ - Thu – Đông. Làm nông nghiệp luôn có những lúc nông nhàn và Tết Nguyên đán, Rằm Trung thu là những ngày nông nhàn như vậy.
Trung thu như chính tên gọi của nó là thời khắc giữa mùa Thu. Lúc này, thời tiết rất đẹp, trời trong, mát mẻ, trăng Rằm rất đẹp, nông vụ và cấy hái đã xong. Người dân nghỉ ngơi và tổ chức vui hưởng thành quả lao động, ngắm trăng, thưởng nguyệt.
Người Việt vốn ưa các lễ hội, vậy nên thời khắc Trung thu bỗng trở nên đặc biệt, dần dà trở thành một ngày lễ, ngày Tết có mâm cỗ. Không ai rõ, Trung thu chuyển hóa trở thành ngày Tết riêng con trẻ tự bao giờ song rõ ràng bây giờ nó đã mặc định trong tâm thức người Việt. Đến Tết Trung thu, con trẻ được người lớn tặng  đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he... được ăn bánh nướng, bánh dẻo, được vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ, được xem múa lân, sư tử, múa rồng.
P.V: Trung thu ngày xưa ở vùng quê Bắc Trung Bộ của ông diễn ra như thế nào? Trung thu nay có khác gì với Trung thu xưa?
Trung thu ở làng quê xưa. Ảnh Minh họa
Trung thu ở làng quê xưa. Tranh minh họa
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Trung thu ở làng quê mà tôi sinh ra, lớn lên rất đẹp. Trời trong, trăng sáng. Nông thôn ngày xưa, trong đêm, ánh sáng chỉ là ánh đèn dầu nên vào đêm Trung thu ánh trăng lan tỏa, bàng bạc, chiếu rọi lên cả lũy tre, hàng chuối, hàng cau và cánh đồng. Âm thanh của quê cũng vậy, cực kỳ tĩnh  lặng. Từ cuối làng vẫn có thể nghe rõ tiếng trẻ con vui chơi ở sân đình, sân phơi, bãi cỏ...
Các ông bố, bà mẹ nông dân ở vùng quê Bắc Trung Bộ rất đơn sơ, mộc mạc lắm. Đến Trung thu, họ bày biện cỗ cho con trẻ là những hoa, quả vườn nhà, trái hồng, trái bưởi, trái na, trái chuối... Trẻ con có tâm lý thích hội hè, được tập hợp ra phá cỗ thì vui lắm. Con trẻ vui, người lớn cũng vui. Họ lại gọi con nhà hàng xóm sang vui phá cỗ cùng. Các ông bố, bà mẹ lại vui chuyện trò cùng ấm nước chè, như cố nhạc sĩ An Thuyên từng viết “Gọi nhau râm ran chè xanh”.
Trung thu xưa, con người cảm thấy mình hòa hợp với đất trời, ai cũng nhìn ngắm trăng. Khung cảnh làng quê xưa trong đêm Trung thu khiến mình thanh thản lắm. Bây giờ, người ta vẫn nhớ đến Trung thu nhưng người ta quên mất trăng, nhất là ở thành thị. Người ta tổ chức Trung thu cho con trẻ nhưng không ai bảo các cháu hãy ngước nhìn vầng trăng.
Ngẫm sự, tôi vẫn thường đọc một câu ca dao nói nỗi buồn của vầng trăng với ý tứ này “Anh quên không đưa trăng vào nhà/Trăng buồn trăng phải sáng qua vườn người”. Mỗi khi Trung thu đến, tôi lại buồn cho trăng. Trung thu hôm nay đã mất đi cái hài hòa với tự nhiên, đất trời. Trăng buồn, trăng bị bỏ rơi. Ngay ở thôn quê cũng thế.
P.V: Bên cạnh câu chuyện “Trăng bị bỏ rơi”, có những câu chuyện buồn khác như việc nhiều người “mượn” Trung thu để đưa quà biếu tặng nhằm mưu cầu quyền lợi... Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Trung thu ở thị thành vui nhưng không ai bảo con trẻ ngắm nhìn vầng trăng. Ảnh minh họa
Trung thu ở thị thành vui nhưng không ai bảo con trẻ ngắm nhìn vầng trăng. Ảnh minh họa
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Một số người lớn đã “mượn” Tết Trung thu của con trẻ để biếu xén nhau, đặt quan hệ với nhau; biến cái bánh Trung thu trở thành vật trung gian để thực hiện những ý đồ, mục đích... Đây chính là một sự biến tướng. Sự biến tướng này khiến Trung thu mất dần đi những yếu tố hồn nhiên xưa. Rất đáng buồn. Và không chỉ Trung thu mà nhiều ngày lễ, tết khác cũng bị lạm dụng. Họ đang làm bẩn đi Trung thu.
Trung thu giờ nhiều nơi vẫn giữ được nét xưa song cũng nhiều nơi có sự lệch lạc. Tôi nhớ có năm mình đón Trung thu ở Huế. Tôi thấy người ta tổ chức múa lân, sư tử đến từng nhà. Mỗi nhà lại treo những phong bao lì xì lên cao để lân, sư tử vờn, lấy. Múa lân, sư tử thì rất hay nhưng dính đến yếu tố tiền bạc vào lại là không được.
Ở Hà Nội, bây giờ vẫn còn một số nhà nghề làm bánh kẹo Trung thu rất ngon. Họ giữ nghề gia truyền, sản phẩm làm ra rất tinh tế. Tiếc là bây giờ những nhà ấy không phải ai cũng biết. Mà nhiều người biết cũng không dạy cho con trẻ về từng đã có một nghề, sản phẩm như vậy.
P.V: Trong lối sống hiện đại, trẻ con phải học nhồi nhét, sau đó lại vùi đầu vào tivi, máy tính, điện thoại... Ông có lo lắng cho một thế hệ tương lai thiếu hòa hợp với tự nhiên, không biết cách ứng xử với tự nhiên không?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Vấn đề này không chỉ là nỗi lo lắng riêng của Việt Nam mà đây là nỗi lo lắng toàn cầu. Đã có khá nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội cũng lên tiếng, chỉ ra: Việc máy mọc, kỹ thuật phục vụ, mở mang những khả năng của con người thì bây giờ nó đang trở lại “giết chết” con người.
Rước đèn đêm Trung thu là hoạt động tốt để trẻ con thoát khỏi màn hình ti vi, điện thoại, máy tính. Ảnh minh họa
Rước đèn đêm Trung thu là hoạt động tốt để trẻ con thoát khỏi màn hình ti vi, điện thoại, máy tính. Ảnh minh họa
Chúng ta bây giờ gần như suốt ngày cắm mặt vào màn hình, kể cả khi đi ngủ cũng để điện thoại ngay ở đầu giường. Chúng ta đã bị lệ thuộc. Cứ ra quán cà phê mà xem: hai người bạn, đôi tình nhân, cặp vợ chồng ra quán... mỗi người 1 cốc cà phê, rồi cắm mặt vào điện thoại. Họ không nói chuyện với nhau... Bây giờ đi đâu, người ta cũng chăm chăm chụp ảnh chứ không phải nhìn thưởng thức nữa. Họ thưởng thức qua màn hình, chụp xong đưa lên mạng xã hội ngay. 
Việc thế hệ tương lai suốt ngày cắm mặt vào tivi, máy tính, điện thoại rất nguy hiểm. Về mặt sinh học, những tia phóng xạ, xung năng từ trường sẽ xâm nhập cơ thể nhiều hơn làm ảnh hưởng sức khỏe. Về mặt tâm trí, cảm xúc tâm hồn hoàn toàn bị lệ thuộc.
Một ví dụ đơn giản là tác hại trí nhớ bị suy giảm. Trước đây, chúng ta bắt buộc phải nhớ. Bây giờ gặp cái gì thì lại sử dụng ứng dụng tìm kiếm thông tin. Con trẻ không còn cố gắng ghi nhớ và suy nghĩ độc lập nữa, cái gì cũng tra cứu. Cũng từ đó, con trẻ mất dần khả năng liên hệ giữa cá nhân con người với con người với nhau; giữa con người với cộng đồng. Nỗi lo này lớn lắm.
Tôi từng thử nghiệm khi tổ chức cho một nhóm bạn bè cùng đi chơi. Quy định đặt ra là tất cả phải để điện thoại ở nhà. Tuy nhiên, ai nấy cũng đều giãy nảy lên, không đồng ý... Chúng ta cần nhớ, điện thoại mới chỉ có mặt trong cuộc sống chứng 10 - 20 năm thôi. Trước đây, chúng ta cũng có thể đi chơi được mà có cần điện thoại đâu; vẫn liên thông với nhau được, có sao đâu
Hiện nay đang có những tranh luận về việc có cho học sinh sử dụng điện thoại di động không. Ở mặt khoa học, kỹ thuật thì có thể cho vì nó có lợi. Nhưng chúng ta phải quản lý nó. Chứ bây giờ, học sinh nào cũng có một điện thoại thông minh thì xã hội sẽ loạn.
P.V: Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để con trẻ có được sự hòa hợp với tự nhiên, thoát khỏi tác động tiêu cực của cuộc sống hiện đại?
Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái, sự gần gũi với tự nhiên cần bắt đầu từ ý thức giáo dục. Ảnh Minh họa
Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái, sự gần gũi với tự nhiên cần bắt đầu từ ý thức giáo dục. Ảnh minh họa
Để thay đổi điều này, thì chúng ta phải bắt đầu từ gia đình – tế bào của xã hội. Chính bố mẹ phải có ý thức để hướng dẫn con, biết hạn chế con. Tôi có ông bạn không mua tivi, không cho con coi tivi để ngăn chặn từ xa những tác động xấu. Sự cực đoan như ông bạn này, tôi không đồng ý. Với vấn đề này tôi nghĩ, gia đình ông bạn nên có tivi và cần cho con xem theo giờ quy định.
Tôi nhớ: Con gái tôi ở những năm học cuối trường THPT. Tôi muốn mua cho con 1 cái điện thoại nhưng vợ tôi ngăn không cho và bảo “Tuổi con chưa cần dùng”... Ở vấn đề này, tôi thấy lại đúng. Với những tác động không mong muốn từ các điện thoại, chúng ta hoàn toàn có thể “đóng gói” dưới các tiêu đề “15+”, “18+”, tuổi nào thì được dùng, tuổi nào thì chưa.
Một điều hết sức cần thiết nữa, đó là: Cha mẹ mà gương mẫu thì con cái mới có cơ sở để noi theo. Về tới nhà, sau bữa ăn, cha và mẹ mỗi người một điện thoại không nói năng gì với nhau thì sao có thể bảo ban con. Tương tự, ở nhà trường, thầy đang dạy mà chuông điện thoại thầy reo lên và rồi thầy nghe điện thoại. Nó cũng không phù hợp. Nhà trường, thầy cô phải quán triệt việc vào lớp là tắt điện thoại.
Tuy nhiên, ví dụ, cũng với chiếc điện thoại ở trường đó, thầy, cô giáo có thể biến tiêu cực thành tích cực với việc nêu gương “Thầy cũng dùng điện thoại đấy nhưng vào lớp thì phải tắt, để chuyên tâm dạy các em”. Thầy, cô cũng có thể chủ động tạo nên một Group trên mạng xã hội với sự tham gia của cả lớp. Khi có bài học hay, thầy có thể chia sẻ cho các em; tạo chủ đề chung cho tất cả học trò tham gia.
Thiên nhiên luôn có những bài học tốt cho con trẻ. Ảnh Minh họa
Thiên nhiên luôn có những bài học tốt cho con trẻ. Ảnh minh họa
Ở góc độ xã hội, chúng ta hãy cố gắng tạo nên môi trường “trong sạch hơn”. Lối sống hiện nay chắc chắn sẽ đem đến những cuộc khủng hoảng nhân văn. Đơn cử với vấn đề Nước Nhật phát minh ra karaoke. Dần dà, karaoke đã trở thành một vấn nạn khi mà sự giải trí xâm phạm tự do cá nhân. Mâu thuẫn này đã khiến những án mạng xảy ra. Nước Nhật đã phải xin lỗi về phát minh Karaoke và có những địa phương ở Nhật đã cấm rồi.
Quay lại vấn đề để con người nói chung và con trẻ gần gũi với tự nhiên hơn thì chúng ta phải tạo nên xu hướng gần gũi tự nhiên. Và không gì bằng việc giáo dục từ góc độ gia đình. Bố mẹ cần đưa con trẻ tìm về với thiên nhiên, hoang dã. Đưa con trẻ đến khu sinh thái là tốt, song đó là những giá trị tự nhiên nhân tạo, sắp xếp, cải tạo; vậy nên bố mẹ nên đưa con trẻ đến những giá trị hoàn toàn tự nhiên thì hơn.
P.V: Xin cảm ơn ông!

tin mới

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Bộ đội Biên phòng tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh về phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

(Baonghean.vn) - Chiều 14/3, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với các điểm cầu trong toàn lực lượng.

Giải Marathon Về miền Sơn cước được tổ chức tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Kỳ Sơn làm du lịch!

(Baonghean.vn) - Huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn là vùng đất mang đậm giá trị bản sắc, giàu tiềm năng phát triển du lịch. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương đã và đang chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường hoạt động quảng bá.

Trao 180 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa ở huyện Đô Lương, Nghi Lộc và TP. Vinh

Trao 180 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa ở huyện Đô Lương, Nghi Lộc và TP. Vinh

(Baonghean.vn) - Ngày 13/3, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Nghệ An phối hợp với huyện Đô Lương, huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh cùng đại diện nhà tài trợ tổ chức trao tiền hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho thân nhân liệt sĩ trên địa bàn.

Phụ nữ Nghệ An chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Phụ nữ Nghệ An chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

(Baonghean.vn) - Xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn. Hội Phụ nữ các cấp và hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở các địa phương và tạo ra nhiều giá trị sống cho chính hội viên, phụ nữ.

Gia cảnh éo le của cặp vợ chồng sắp cưới tử vong trong vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Gia cảnh éo le của cặp vợ chồng sắp cưới tử vong trong vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

(Baonghean.vn) - Do hoàn cảnh quá khó khăn, nên dù đã về nhà chồng ở và có với nhau đứa con trai 7 tháng tuổi, nhưng cặp đôi trẻ vẫn chưa thể tổ chức đám cưới. Cả 2 dự định sau chuyến vào miền Nam làm thuê này sẽ về làm đám cưới, nhưng không may gặp nạn giữa đường.