Nhà tầng Quang Trung, dấu ấn một thời
(Baonghean.vn) - LTS: Nhà tầng Quang Trung là khu đô thị đầu tiên được xây dựng sau ngày miền Bắc hòa bình. Một thời nó là biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Đức, niềm tự hào của xứ Nghệ. Trước khi khu đô thị được phá bỏ để xây mới theo hướng hiện đại, tiện nghi, chúng tôi sẽ đăng tải loạt bài và hình ảnh ghi lại những sự kiện, con người liên quan đến khu nhà tầng này.
Tháng 2 năm 1966, nhà thơ Thạch Quỳ đã viết bài thơ “Gạch vụn thành Vinh” trong đó có đoạn:
Có thành phố nào như thành phố này không
Chưa thấy nhà cao đã chói lọi sắc hồng
Đã thấy sắc hồng cười trong gạch vụn?
Cho đến nay, theo nhiều người đây vẫn là một trong những bài thơ hay nhất viết về thành Vinh. Ước nguyện của người dân thật đơn giản:
Tây còn đây, thì ở Vinh còn gạch vụn
Hết Tây rồi, gạch vụn hóa nhà cao
Lòng núi Quyết khoanh ôm nhà máy điện
Đường đi vào thư viện vút phi lao
Tầng 5 nhà A6 khu tập thể Quang Trung. |
Nhưng rồi cũng mãi đến tận, ngày 01/5/1974, chúng ta mới có thể bắt tay tái thiết lại thành phố. Tôi còn nhớ, ngày đó tại rạp 12/9, UBHC Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ khởi công xây dựng lại thành phố. Địa điểm tổ chức lễ đặt viên gạch đầu tiên xây dựng thành phố được bố trí tại góc Đông Nam nhà A1 khu nhà tầng Quang Trung. Người đặt viên gạch đầu tiên chính là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Mười, ngài Đại sứ đặc lệnh toàn quyền CHDC Đức Dieter Doring và đồng chí Nguyễn Sỹ Quế, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, cùng hàng ngàn người dân hân hoan chào đón sự kiện khởi công một khu đô thị mới đầu tiên của miền Bắc thời bấy giờ.
Nhớ lại, ngay sau tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được kí kết, các nước trong hệ thống XHCN phân chia nhau giúp đỡ Việt Nam xây dựng lại đất nước như: Liên Xô giúp xây dựng Hà Nội, Trung Quốc giúp đỡ xây dựng Thái Nguyên và Việt Trì, Rumania giúp xây dựng Nam Định, Triều Tiên giúp xây dựng Hà Bắc, Ba Lan giúp xây dựng Hải Phòng, Tiệp Khắc giúp xây dựng Thanh Hóa.
Ngày 5/5/1973, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa gửi công hàm cho Chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức chính thức đề nghị giúp đỡ xây dựng lại thành phố Vinh. Ngày 22/5/1973, Hội đồng Bộ trưởng CHDC Đức quyết định gửi một đoàn cán bộ Bộ Xây dựng sang Việt Nam khảo sát tình hình.
Ngày 22/10/1973, hiệp định CHDC Đức giúp đỡ xây dựng lại thành phố Vinh được kí kết tại Berlin giữa Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng CHDC Đức.
Nói về những ngày đầu bắt tay vào công cuộc tái thiết lại thành phố, mọi người đều nhớ đến những người bạn chuyên gia Đức đầu tiên sang Việt Nam công tác. Phía Cộng hòa Dân chủ Đức đã cử những cán bộ quy hoạch giỏi nhất đến thành phố Vinh để khảo sát và bắt tay vào công việc. Đoàn do Tiến sĩ Karlheinz Schlesier và kiến trúc sư Hans Grotewohl có nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể thành phố, trong đó khu nhà cao tầng Quang Trung được coi là điểm nhấn khép kín công năng của một khu đô thị kiểu mẫu có vườn hoa, trường học, nhà trẻ mẫu giáo.
Phía Việt Nam, Viện Thiết kế Quy hoạch Nghệ An được bổ sung thêm một số kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, chuyên gia quy hoạch của Bộ Xây dựng tăng cường để cùng phối hợp thực hiện dự án. Phần quy hoạch tổng thể được 2 bên thống nhất khá nhanh, khu đô thị Quang Trung sẽ gồm 36 tòa nhà cao tầng, hai trường học, 4 nhà mẫu giáo, và 4 nhà trẻ.
Thời đó, do không có thang máy nên 2 bên thống nhất chỉ làm cao 5 tầng, dùng thang bộ. “Đơn vị ở" trong khu chung cư là những căn hộ khép kín với diện tích ở từ 20 đến 40m2 cùng khu phụ gồm bếp, xí, tắm giặt, ban công. Các ngôi nhà được sắp xếp từ đơn nguyên, mỗi đơn nguyên cao 5 tầng, mỗi tầng gồm 4 căn hộ. Diện tích ở quy định cho mỗi người lúc bấy giờ rất hạn hẹp 4m2/ người.
Thiết kế khu tập thể Quang Trung đã gây ra nhiều tranh cãi giữa các nhà quy hoạch Đức và Việt Nam thời bấy giờ. Kết quả của những trăn trở, tâm huyết đó là một kiến trúc, quy hoạch được đánh giá là khoa học, đáp ứng những nhu cầu đời sống của cư dân nơi đây. |
Theo quy hoạch khu chung cư cao tầng Quang Trung gồm cả khu đất phía Đông và phía Tây đường Quang Trung. Toàn bộ khu quy hoạch nằm trên diện tích khoảng 30 ha, được chia làm 5 nhóm nhà. Phía Đông gồm 3 nhóm, nhóm A gồm 6 nhà, nhóm B gồm 5 nhà, nhóm C gồm 9 nhà, trung tâm thương mại, một trường tiểu học, hai nhà mẫu giáo, hai nhà trẻ. Phía Tây gồm hai nhóm, nhóm D gồm 9 nhà; nhóm E gồm 6 nhà, một trường tiểu học, một khu vực xây dựng khách sạn(3), hai nhà mẫu giáo, hai nhà trẻ với tổng số 2.480 căn hộ, tạo chỗ ở cho 15.600 người.
Việc bắt tay thiết kế chi tiết căn hộ thời đó đã có những tranh cãi kịch liệt giữa chuyên gia Đức và các kiến trúc sư, kỹ sư của Việt Nam. Phía Đức, muốn khu công trình phụ wc, bếp bố trí ngay cửa ra vào, phía Việt Nam cho rằng như thế không phù hợp với tập quán sống của người dân. Phía Đức đề nghị xây tầng hầm chống ấm, nồm làm kho, để xe máy, xe đạp phía Việt Nam cho rằng tình hình an ninh không cho phép. Cuối cùng, để kịp khởi công đúng ngày 1/5/1974 chuyên gia Đức và phía Việt Nam đã thống nhất xây dựng nhà A1 đến A4 trong khu quy hoạch là mẫu nhà của Viện Thiết kế Dân dụng, Bộ Xây dựng, các nhà còn lại theo thiết kế của Đức.
Thời gian thực hiện hiệp định là 5 năm nhưng do không đủ nguồn vốn đối ứng lẫn vật liệu xây dựng nên cuối năm 1978, hai nhà nước đã thỏa thuận kí hiệp định bổ sung, kéo dài thời hạn thực hiện hiệp định thêm hai năm đến 31/12/1980. Kết thúc hiệp định, khu chung cư Quang Trung mới xây dựng xong toàn bộ phía Đông và một nhà ở phía Tây nhóm D.
Những cư dân vẫn còn 'chung thuỷ' với khu tập thể Quang Trung không khỏi tiếc nuối khi biết công trình này sắp bị dỡ bỏ. Nhưng trong thâm tâm mỗi người đều hiểu đó là quy luật phát triển tất yếu của xã hội. |
Toàn bộ phía Đông Quang Trung là một khu nhà hoàn chỉnh gồm 21 ngôi nhà 5 tầng với cơ sở hạ tầng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, hệ thống cây xanh, sân chơi cùng trường tiểu học, nhà trẻ, mẫu giáo, các trung tâm thương mại…Nhà tầng Quang Trung một thời là niềm tự hào của nhân dân xứ Nghệ, với tư cách là khu đô thị đầu tiên của miền Bắc xây dựng sau thời hòa bình lập lại.
Đến nay, sau 40 năm tồn tại, đã đến lúc khu nhà tầng Quang Trung cũ kỹ, xuống cấp sẽ được phá bỏ để thay bằng một quy hoạch hiện đại hơn. Các nhà quy hoạch và dân cư khu nhà tầng Quang Trung đều cho rằng cơ cấu không gian kiến trúc xây dựng và phát triển khu đô thị Quang Trung vẫn là một hình mẫu lý tưởng, còn nguyên giá trị và là cơ sở khoa học để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung và phát triển quy hoạch thành phố sau này.
N@T
Ảnh: Hazone
TIN LIÊN QUAN