Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đột ngột qua đời

Thông tin nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời khiến nhiều nhà văn, nhà thơ bàng hoàng, thương tiếc.

Tối ngày 20/4, trên trang cá nhân nhà thơ Hữu Việt đau buồn gửi lời tiễn biệt nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: "Đây có lẽ là bức ảnh cuối cùng của người anh yêu quý! Bất ngờ và đột ngột quá! Thêm một nhà thơ lớn về tài năng và tuyệt vời về nhân cách đã nằm xuống".

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm qua đời.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm mất tại nhà riêng vào khoảng 15-17h do không có ai ở bên cạnh nên không biết chính xác. Nhà thơ Trần Hữu Việt cho biết, trước khi mất 2 tiếng, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn nhắn tin cho con trai nói không thể đi dự sự kiện Ngày sách ở Ninh Bình. Sau đó không ai có thể liên lạc được với ông. Khi con trai tới nhà mở khóa đưa nhà thơ đến bệnh viện thì đã không thể làm được gì. Ông mất do một cơn suy hô hấp.

Bên dưới dòng chia sẻ của nhà thơ Hữu Việt, PGS.TS Ngô Văn Giá bàng hoàng: "Ôi, sao lại thế được. Thương quá!". Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ để lại bình luận: "Buồn quá, mới chiều qua còn họp cùng và nghe anh phát biểu. Xin được vĩnh biệt người anh tài hoa!". 

Sự ra đi của tác giả "Viên xúc xắc mùa thu" khiến nhà thơ Trần Đăng Khoa nghẹn ngào: "Đúng là đột ngột quá!". Ông viết: "Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã đột ngột ra đi. Theo nguồn tin đáng tin cậy, chiều nay, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng đến giờ lên sóng không thấy anh. Phóng viên điện về nhà anh cũng không thấy hồi âm. Người thân phá cửa thì anh đã mất. Thời gian mất ước đoán từ 2 đến 3 giờ chiều. Anh Cầm bị bệnh phổi. Có lẽ do tắc nghẽn đột ngột và anh đã ra đi. Đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Xin chia buồn với gia đình nhà thơ và những bạn đọc yêu mến Hoàng Nhuận Cầm". 

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh năm 1952 tại Hà Nội, là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác. Đang học dở khoa Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội), năm 1971, ông nhập ngũ, từng chiến đấu trong Sư đoàn 325B ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1975, ông trở lại học nốt chương trình đại học và đến năm 1981 làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Sau đó, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi quay trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam năm 2005. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng với nhân vật “Bác sĩ Hoa Súng” trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và từ đó nhiều người hâm mộ gọi ông bằng tên này. 

Ngoài các sáng tác thơ, Hoàng Nhuận Cầm còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia viết kịch bản nhiều bộ phim điện ảnh lớn. Năm ngoái ông còn tham gia cố vấn cho cuộc thi tìm kiếm kịch bản điện ảnh do Cục Điện ảnh tổ chức nhưng sức khỏe đã yếu đi nhiều. 

Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi như: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu... Ngoài thơ, ông còn sáng tác kịch bản phim và đã từng tham gia đóng phim.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ "Xúc xắc mùa thu". Ông còn nổi tiếng với nhân vật "Bác sĩ Hoa Súng" trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần" và vai nhà thơ trong phim "Số đỏ". 

tin mới

diễn viên Huỳnh Uyển Ân

Em gái Trấn Thành nói gì khi bị chê 'một màu'!

Nữ diễn viên Huỳnh Uyển Ân, em gái của Trấn Thành, thổ lộ rằng cô còn trẻ, còn thời gian để phát huy ở nhiều dạng vai khác nhau. Hiện tại, cô có duyên với vai diễn trong phim các phim gia đình, xã hội thì nỗ lực nắm bắt, thể hiện tốt nhất vai diễn để tạo đặc trưng, điểm nhấn trong khán giả trước.

NSND Thu Hà gây bão

NSND Thu Hà gây bão

Phân đoạn bà Lan dạy dỗ An Nhiên với lời thoại đã tai cùng diễn xuất ấn tượng của NSND Thu Hà nhận lời khen của khán giả.