Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật: Thạch Quỳ - Thơ cao hơn mọi hiểu biết về thơ
(Baonghean.vn) - Hiểu một nhà thơ không dễ. Mỗi nhà thơ mang trong mình một dấu ấn quê hương. Dấu ấn ấy là cá tính, bản ngã và linh hồn cá nhân, không giống người khác. Một Thạch Quỳ tin cậy và khí phách giữa cuộc đời chìm nổi, ba động.
Nhà thơ Thạch Quỳ. Ảnh: Hải Vương |
Tôi biết Thạch Quỳ đầu những năm 80, sau đó tôi thường hay ra Vinh chơi cùng ông, ngủ lại nhà ông. Có lần chi hội nhà văn đang họp, tôi bước vào, ông không ngần ngại giới thiệu tôi và đề nghị đọc thơ. Ông nói, xin các bạn dừng một chút nghe H.V.T, để hiểu thêm một giọng thơ mới lạ. Tôi đọc và tâm sự: “Sao bằng thơ nhà thơ Thạch Quỳ và các anh chị ở đây - đọc cốt để lây truyền cảm hứng cho nhau thôi. Một người xứ Quảng mộc mạc, múa bút trên đất Nghệ hào hoa”…
Ông là thế, hiểu ai là rất nhiệt tình, không hiểu thì không chơi. Ông dắt tôi đến nhà thơ Nguyễn Thị Phước, nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc, đặc biệt nhà thơ Hồ Phi Phục, ra tận quê của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, khi cụ bà qua đời…Trong mắt tôi và người miền Trung, Thạch Quỳ rất được nể trọng. Nói đến Nghệ An là nhắc đến ông. Có lần tôi phát biểu chính kiến với bạn bè văn chương, ông là một hiện tượng quý và hiếm. Có lẽ tính cách thẳng ngay, chân thật và khí khái làm ông cô đơn lại càng cô đơn:
Ta một mình
Loạng choạng giữa khu vườn
Loạng choạng bước giữa thiên đường, âm phủ
(Đêm vườn rừng)
Thạch Quỳ đề tặng tôi Tuyển tập thơ ghi tại “Vinh, tháng 1/2018”, mãi đến sau này tôi mới có trong tay? Lật xem, thì ra theo như Quyết định xuất bản 3/10/2018. Đó là sự đãng trí dễ thương thường có của một tâm hồn cao đẹp, chẳng màng gì những chuyện liên đới đến thời gian.
Ngoài bài giới thiệu “Cốt cách người miền Trung qua thơ Thạch Quỳ” của nhà văn Mai Văn Hoan, “Nhà thơ Thạch Quỳ chuyện thơ, chuyện đời” của nhà báo Phạm Thùy Vinh (Báo Nghệ An) phỏng vấn, “Những ghi chép bên lề” (có lẽ của tác giả) và cuối tập “Thơ - Phương tiện đồng hóa con người với sự sống” (Thạch Quỳ); còn lại là Thơ qua từng giai đoạn và thơ thiếu nhi. Tôi biết Thạch Quỳ viết còn nhiều hơn thế, nhưng Tuyển tập chỉ khiêm tốn trong 415 trang.
Tuyển tập thơ Thạch Quỳ. |
Ông viết: “Thơ cao hơn mọi hiểu biết về thơ”. Có lẽ vì thế nên đã hơn 200 năm qua, bạn đọc và các nhà phê bình nghiên cứu vẫn không khám phá hết cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của Truyện Kiều. Ông lại viết “Nhà văn lớn ở cả phần nổi, nhưng lớn hơn vẫn là ở phần chìm. Họ cao thấp khác nhau ở cảm quan thẩm mỹ, rộng hẹp khác nhau ở bách khoa toàn thư chi tiết sống, tinh nhạy khác nhau ở các cấp độ linh diệu của ngôn từ”. Thật chí lý, bởi từ quan niệm đó mà sáng tác của Thạch Quỳ tạo được bức tranh triết lý, cảm quan cuộc đời rất riêng cho mình. Ông dặn con từ những điều rất thiết thực, gần gũi, không xa xôi ảo mộng:
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!
(Với con)
Trong lúc người ta say sưa ngợi ca vẻ đẹp ở phần nổi, lao vào vấn đề thời sự, bày ra bao thứ bánh vẽ chung chung, thì Thạch Quỳ bản lĩnh đi vào bản chất của sự vật hiện tượng. Đó chính là khí khái của ông - người tai mắt ở trong thiên địa. Bài thơ hồi đó bị đưa ra mổ xẻ, phê phán trên các phương tiện truyền thông và ngay cả diễn đàn văn học tỉnh nhà. Thạch Quỳ im lặng vì anh nghĩ “chuyện ngoài văn học”. Khi người ta mượn chuyện văn học để làm điều gì đó, là thói ghen tuông đố kỵ thường xảy ra. Không ai hiểu Thạch Quỳ như chính ông hiểu mình:
Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khỏe
Tôi cao hơn đất đá mọi công trình
Tôi không phải sơ đồ bản vẽ
Tôi cao hơn người máy, thần linh
(Tôi)
Nhiều lần nghe ông đọc bài “Ông già nghễnh ngãng”, tôi rất hiểu mà đành im lặng. Ôi quê hương, đất nước chẳng khác gì con tàu chạy đi rồi chạy lại, cũng ga ấy, cũng con người ấy. Và “Người bán vé tàu, cứ bán”… mặc người lên tàu cứ lên. Cái vòng luẩn quẩn ấy rồi sẽ đi đâu, về đâu? Bao nhiêu câu hỏi xoáy vào tôi, đến ứa nước mắt. Ngày trước, nhà thơ Cù Huy Cận đã viết: “Một câu hỏi lớn không hề đáp/ Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”.
Tôi không thể nói hết cảm xúc lúc ấy khi cầm trên tay Tuyển tập của ông, dù nó qua tay nhiều người, sau gần 10 tháng.
Hiểu một nhà thơ không dễ. Mỗi nhà thơ mang trong mình một dấu ấn quê hương. Dấu ấn ấy là cá tính, bản ngã và linh hồn cá nhân, không giống người khác. Một Thạch Quỳ tin cậy và khí phách giữa cuộc đời chìm nổi, ba động:
Giữa rừng sách bịp lừa, giả trá
Khó tìm ra một chiếc lá
Của sự thật
Hơn ba tỷ người đọc Kinh Thánh và ngót một tỷ người đọc kinh Phật
Trái đất
Có thể vì thế
Mà chưa nổ tung chăng?
Trong phòng tôi bừa bộn, lằng nhằng
Sách đỏ, sách xanh, sách vàng, sách trắng
Mọt gặm bên trong
Lưới nhện chăng ngoài
Có thể chuột cũng đã về làm tổ
Trong đống sách có một phần không nhỏ
Đang nằm đó như đợi chờ ngọn lửa
Của Tần Thủy Hoàng để hóa kiếp nay mai…
(Sách)
Triết học trong thơ ông tạc lại hình ông, dù khi ông ở trên cõi trần hay đã nhập vào mây trắng. Con gái tôi - nhà văn Hoàng Thụy Anh gọi tôi từ sáng sớm, bác Thạch Quỳ đã ra đi rồi ba ơi. Tôi ngồi thẫn thờ một lúc.
Cách nay không lâu, biết ông bạo bệnh qua nhà thơ Lương Khắc Thanh. Gọi ông khi đang còn nằm viện, vẫn giọng điềm tĩnh và sang sảng làm tôi bớt đi nỗi buồn. “Mình không sao, ít bữa về thôi mà”. Ông về nhà thực, vẫn giọng nói tin và yêu ấy. Thi thoảng tôi lại gọi điện thăm ông. Tôi nghĩ, biết đâu bệnh viện chẩn đoán mơ hồ.
Nhưng tạo hóa đã nhanh chóng lấy đi những thứ mà tôi vẫn còn ngờ ngợ. Ông đi thật rồi sao? “Em ơi em! Anh mệt mỏi rồi/ Mệt mỏi không mệt mỏi hơn được nữa!” (Bài ca mệt mỏi). Thân xác con người đến lúc cũng phải dừng chân. Nhưng sức vóc tâm hồn Thạch Quỳ còn đó, mạnh mẽ và quyết liệt cùng thơ ca đi lên.
Thạch Quỳ để lại di sản thơ dày dặn, song nhớ tới ông, tôi nhớ đến 3 bài thơ tiêu biểu:
VỚI CON
Con ơi con, thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường rải đá
Cha e con đến lớp, chậm giờ
Con ơi con, nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Vì thế nên, nếu khuy áo của con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.
Và con ơi, trên ấy Ngân Hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hoặc đọc một trang thơ
Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to
Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn
Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò
Vì thế nên lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con.
(1979)
ÔNG GIÀ NGHỄNH NGÃNG
Chạy đến ga cuối cùng, con tàu dừng lại
Ông già không xuống tàu
Quay lại ga đầu tiên, con tàu dừng lại
Ông già không xuống tàu
Người lái tàu hỏi ông già về đâu?
Ông già hỏi con tàu về đâu?
Ga cuối, ga đầu
Ga đầu, ga cuối
Ông già nói lảm nhảm
Người bán vé tàu, cứ bán?
Chạy đến ga cuối cùng, con tàu quay lại
Chạy về ga đầu tiên, quay lại con tàu
Người lái tàu không hỏi thêm gì nữa
Rằng ông già nghễnh ngãng
Đi đâu?
Và
Về đâu?...
SÁCH
Tôi đọc “Trăm năm cô đơn” của Mác - két
Thấy ông thật lịch lãm, từng trải
Mác - két đọc và nói về Kinh Thánh:
- Nếu Kinh Thánh có tác giả
Thì tác giả ngang tầm tạo hóa!
Giữa rừng sách bịp lừa, giả trá
Khó tìm ra một chiếc lá
Của sự thật
Hơn ba tỷ người đọc Kinh Thánh và ngót một tỷ người đọc kinh Phật
Trái đất
Có thể vì thế
Mà chưa nổ tung chăng?
Trong phòng tôi bừa bộn, lằng nhằng
Sách đỏ, sách xanh, sách vàng, sách trắng
Mọt gặm bên trong
Lưới nhện chăng ngoài
Có thể chuột cũng đã về làm tổ
Trong đống sách có một phần không nhỏ
Đang nằm đó như đợi chờ ngọn lửa
Của Tần Thủy Hoàng để hóa kiếp nay mai…
Đồng Hới, 10/12/2022