Nhà thơ Ngô Thanh Vân: Bình yên trong trẻo đến vô ngần

Lan Khuê 15/11/2022 15:00

(Baonghean.vn) - Tây Nguyên - miền đất hùng vĩ, nồng nàn, chứa đựng trầm tích văn hóa của những sắc tộc bản địa, nơi hôn phối của nhiều vùng văn hóa để từ đó bừng nở những giá trị mới, hiện đại, phóng khoáng nhưng vẫn đầy sự duyên dáng, trữ tình thẳm sâu. Trong số tác giả đang sinh sống, sáng tác ở Tây Nguyên hiện nay, tôi có ấn tượng đẹp với Ngô Thanh Vân - nữ nhà thơ sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, nhưng cả quê cha và quê mẹ cùng ở Nghệ An.

Ấn tượng ấy đi vào tôi từ những ngày đầu gặp thơ chị trên tập san Áo trắng - ấn phẩm văn chương đẹp đẽ, gần gũi với thế hệ học trò cuối 7X, 8X một thời. “Mùa rụng xuống chân cầu đung đưa gió/ Bởi hoàng hôn trông đợi bóng tôi về/ Thổi cho phố nhớ nhung mòn mắt biếc/ Tựa ai chờ như dáng núi thủy chung” (“Gửi Pleiku”), “Trở về đây tha thiết nhớ khôn nguôi/ Bàn tay quen ánh mắt ngày xưa ấy/ Để trong tim được nghe lời thứ lỗi/ Của phố buồn. Và ngày cũ. Mình yêu...” (“Hoài niệm phố”).

Nhà thơ Ngô Thanh Vân. Ảnh: NVCC

Ngày ấy, mới tốt nghiệp đại học, khi trở về Gia Lai công tác, Ngô Thanh Vân được “bổ nhiệm” làm “Trưởng gia đình Áo trắng” (một dạng câu lạc bộ văn học do tập san Áo trắng đề ra), với số lượng trên 20 bạn có năng khiếu và đam mê sáng tác. Những năm tháng đó, là thanh xuân rực rỡ, tươi hồng của Vân với bạn bè, với văn chương.

Hơn 20 năm chung tình với chữ, Ngô Thanh Vân đã trình làng bốn tập thơ: “Qua miền nhớ” (2006), “Mười hai tháng sáu” (2009), “Phác thảo đêm” (2015), “Nằm nghe lá thở” (2018) với hàng loạt các giải thưởng Trung ương và địa phương: Giải thưởng “Tác giả trẻ” của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2009), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Gia Lai lần 2 (2005-2010), lần 3 (2010-2015), các giải thưởng hàng năm của Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai, giải Tư cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn học nghệ thuật Xứ Thanh (2011).

Là con, là vợ, là mẹ, là đàn bà nên thơ Ngô Thanh Vân chan chứa yêu thương, dịu dàng, bao dung, chở che. Thiên tính nữ phơi mở trên những câu chữ đậm chất “mộc” (nhận định của Du Tử Lê) nhưng sáng, hiện đại, dung chứa trong những câu chuyện mang tính tự sự và những ý tình ngầm ẩn càng đọc chậm, soi chiếu vào hành trình thơ ca và cả một phần đời của chị mới thấu tỏ hết được những vẻ đẹp (nhiều khi là vẻ đẹp của những nỗi đau!).

Đọc thơ Vân có lẽ độc giả dễ dàng nhận thấy mảng đậm nhất, mang dấu ấn sáng tạo của nữ sĩ họ Ngô đấy là chất trữ tình của người nữ khát khao yêu với nhiều cung bậc cảm xúc. Khát khao ấy là ước nguyện tan hòa của một trái tim yêu vào một trái tim đồng điệu, trong mối giao cảm với thiên nhiên, đất trời: “Cọng cỏ run run ngậm từng giọt nước mắt đêm thanh khiết/ đêm kể em nghe cổ tích một chuyện tình/ gió quàng khăn lên mái tóc thơm hương ngọc lan dịu mát/ đêm đón em vào thế giới riêng anh” (“Kí ức đêm”); “Dậy đi anh/ đánh thức ngày đầy nắng/ hôn em. Nụ hôn của biển/ mặn nồng vị muối/ mặn nồng giọt mồ hôi...” (“Đánh thức”).

Bìa tác phẩm của nhà thơ Ngô Thanh Vân.

Trong thế giới của tình yêu, nói bao nhiêu, gần bao nhiêu cũng không là đủ. Thế nên, khi xa cách “Dùng dằng đêm/ Nỗi nhớ anh tràn đầy các tế bào cơ thể” (“Ngược ngày”), và nỗi nhớ nảy lên những tưởng tượng: “Tưởng tượng tay ai trong tay anh/ thắt từng đoạn ruột.../ Tưởng tượng môi anh say môi ai/ muối xát lòng người” (“Tưởng tượng”).

Yêu bằng trái tim chân ái, mơ khát về một con thuyền tình vĩnh hằng, nhưng dường như “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, cuộc “hạnh ngộ” gần 20 năm của nữ sĩ họ Ngô một ngày kia như cầu vồng tan biến sau giấc mơ hồng. Vì lẽ đó, nỗi buồn của sự phân ly như lớp lớp cỏ gai sắc nhọn mọc lên cánh đồng chữ của Vân, cứa vào lòng người đọc những vết đau: “Ta hành khất một lần hạnh ngộ/ để mắt môi cạn nghĩa ân tình/ nghe gió thổi vào chiều cô độc/ ngồi thương cay đắng chuỗi ngày nhau!” (“Hành khất”), “Em viết một câu thơ mới/ Mà không xóa được tên người/ Nỗi nhớ trở mình rất lạ/ Buồn này chưa kịp liền da!” (“Em viết một câu thơ mới”).

Vân từng bộc bạch chị là người “tham lam”, muốn trải nghiệm, muốn khám phá chính mình và thế giới chữ. Thơ là hơi thở, máu thịt với chị, khi cảm xúc đến chị mượn thơ để tốc kí, chưng cất kẻo nó trượt trôi đi mất. Còn lúc đằm vào văn xuôi, Vân được nhởn nha, lang thang trên cánh đồng chữ mênh mông. Nhưng dù nữ thi sĩ có khoác áo văn nhân thì vẫn là Ngô Thanh Vân của tự sự đàn bà với khát khao, nồng nàn những giấc yêu say, mất mát, thương tổn mà vẫn bao dung, hướng về ánh sáng, tiêu biểu là các truyện ngắn: “Cung tơ chiều”, “Trăng khuyết”, “Thì thầm với anh”, “Hoa nở cuối chiều”, “Dòng sông trôi qua”, “Đất khách”, “Những đứa con thủy điện”...

Đến nay, gia tài văn xuôi của Ngô Thanh Vân là 02 tập truyện ngắn đã xuất bản “Thì thầm với anh” (2009), “Đất khách” (2018) và chị đang dự định giới thiệu cùng độc giả tập tản văn “Miền sương tản phố” vào mùa đông năm 2022 này.

Sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, nhưng cả quê cha và quê mẹ cùng ở Nghệ An, là người phụ nữ đa cảm, sâu sắc nên trong thơ hay ngoài đời, Ngô Thanh Vân luôn đau đáu nỗi niềm hướng về nguồn cội. Chị chia sẻ dù ông bà nội - ngoại không còn nhưng bà con họ hàng, chòm xóm vẫn còn đó, khuôn sân, mảnh vườn, cây ổi, cây cau, dòng sông, ao chuôm… gắn với bao thế hệ trong họ tộc vẫn còn đó, như một niềm an ủi phần nào trong tâm hồn của đứa con lạc xứ.

Hướng về nơi ấy cũng là một cách âm thầm thương nhớ, tri ân với quê hương bản quán: “Đêm thành Vinh lồng lộng bốn bề/ Dòng Lam xanh nghiêng mình lặng lẽ/ Như ôm trọn ân tình dâu bể/ Mỗi phút giờ khắc khoải gọi tên” (“Đêm thành Vinh”), “Tạ lỗi dòng Lam/ ngày cha đi sóng ngầm đáy mắt/ gió táp mặt cay xè/ dáng bà khuất sau rặng tre già/ tay còn mân mê cán cuốc/ gió làm sao hiểu được/ vạt áo quệt ngang” (“Lời rêu”). Viết về quê cha đất tổ là điều trăn trở trong chị, Vân muốn ngày tháng đi qua chị có thể bồi đắp thêm sâu, dày những trang viết về nguồn cội.

Mấy tháng trước, trong một chiều hè, tôi nhận được tin Vân đã chuyển công tác từ Đại học Lâm nghiệp (phân hiệu tại tỉnh Gia Lai) về Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai với cương vị Phó Chủ tịch hội. Tôi mừng cho bước ngoặt, hành trình mới của Vân. Từ nay, nữ sĩ Ngô Thanh Vân sẽ yêu, sống, làm việc với một - trăm - phần - trăm năng lượng cho văn chương.

Gần 20 năm gắn bó với giảng đường đại học, việc ra đi hẳn là nhiều khó khăn, day dứt trong chị, nhưng chị luôn cho rằng mọi sự tùy duyên nên an nhiên bước tiếp, an nhiên đón nhận mọi những ngã rẽ của cuộc đời, cả những ngã rẽ mà chị không thể ngờ tới được. Trong cuộc sống riêng tư cũng như công việc, Vân giữ tâm thế sống và làm việc thật điềm tĩnh, luôn hết mình.

Viết đến những dòng này, tôi chợt nhớ một câu trong bài “Mưa đêm” của Ngô Thanh Vân. Và tôi muốn nói rằng, mong “bình yên trong trẻo đến vô ngần” mãi mãi bên Vân!

Mới nhất
x
Nhà thơ Ngô Thanh Vân: Bình yên trong trẻo đến vô ngần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO