Nhà thơ Thạch Quỳ: Chuyện thơ, chuyện đời

Thuỳ Vinh 11/04/2018 16:31

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên, nhà thơ Thạch Quỳ cởi mở với báo Nghệ An về chuyện thơ và sự số với thơ của ông.

Với thơ và sự cố “Với con”

- Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, tôi từng nghe nói những ngày đầu làm thơ ông tự đề ra cho mình một bảng cấm: Cấm viết chữ người khác đã viết, cấm viết ý nghĩ người khác đã nghĩ, cấm viết mông lung không dính líu đến sự thật, cấm viết sự thật trần trụi không cảm xúc, thiếu thẩm mĩ, Có đúng như thế và ông đã thực hiện điều đó như thế nào?

Nhà thơ Quang Huy bảo tôi là nhà thơ của chổi cùn, rế rách, cái gì các nhà thơ khác không ngó ngàng tới thì vào thơ tôi cả. Cũng có phần đúng. Thơ tôi không có hoa hồng, hoa huệ nhưng có hoa chổi rành, hoa chổi đót.

Hoa chổi rụng dưới cánh ong bò vẽ

Đá trắng phơi đầy trời nắng trưa

Hoặc là

Rừng hoa chổi lại trắng rừng hoa đót

Tiếng chim len trong lá hé mắt nhìn…

Bởi tôi cấm mình viết hoa hồng, hoa huệ, hoa ti gôn… nên buộc tôi phải viết về những loài hoa không ai viết. Không chỉ hoa, mà mọi sự, mọi vật tôi đều làm như thế cả. Chẳng thế mà thơ tôi có “gạch vụn”, bởi vì gạch lành bị tôi cấm viết nên tôi phải viết gạch vụn thôi.

Nói cho cùng, cái bảng cấm tôi tự đề ra cho mình khi sáng tác chính là những yêu cầu nghiêm ngặt của nghệ thuật mà tôi buộc mình phải thực hiện. Bạn cứ đọc bất cứ bài nào, câu nào trong thơ tôi rồi so với cái bảng cấm tôi tự đề ra cho mình ở trên, bạn sẽ thấy rõ tôi đã thực hiện hoàn toàn nghiêm túc, nghiêm ngặt, nghiêm chỉnh cái bảng tự cấm ấy.

Nước trong veo, con cá quả no mồi

Lượn đủng đỉnh chào thăm từng gốc lúa

Con cá ngửi vết chân bùn bỡ ngỡ

Nổi mắt tròn ngơ ngác nhận ra tôi…

Hoặc là

Núi nghiêng vai vác con đường lên

Hoặc là

Hòn than tro bếp rụng thành lửa hoa…

Tất cả đều là những chi tiết thật. Rất thật. Nhưng tôi nghĩ rằng cái đấy không phải là sự thật trần trụi, sự thật thiếu thẩm mĩ. Đúng không? Nếu lấy ví dụ để nói tôi đã thực hiện bảng cấm mà tôi tự đề ra cho mình như thế nào thì tôi có thể nói là hầu hết các bài thơ, câu thơ của tôi đều tuân thủ nghiêm ngặt cái bảng cấm nói trên. Tôi nghĩ rằng, cái “bảng cấm” tôi tự đề ra cho mình khi cầm bút, với các bạn trẻ trong buổi đầu đến với nghề bút mực cũng có thể có đôi điều để nghĩ suy, tham khảo.

- “Không nhỏ bé tầm thường, không vĩ đại / Có thể bị vứt đi trong xó tối u buồn / Có thể đứng trên hai chân vững chãi / Tôi một mình, tôi lớp lớp triều dâng… Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã / Tôi áo cơm no đói với ngày thường… Từng đối mặt với bạo tàn, chết chóc / Máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn / Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết / Nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn! (Tôi). Ông có thể nói gì về cái tôi ấy ở trong thơ mình? Có khi nào ông thấy“cái tôi xù xì, không vừa vặn với khuôn thước” như một nhà thơ từng nhận xét đã làm khó cho ông cả trong đời sống lẫn trong thơ?

Bài thơ ấy viết về Cái Tôi, không có nghĩa là viết về cái tôi riêng của Thạch Quỳ. Nó là Cái Tôi ở trong tôi, trong bạn, trong tất cả mọi người. Tại sao lại phải rèn đúc cái tôi, viết về cái tôi? Bạn xây ngôi nhà trăm tầng, muốn nó vững chắc thì mỗi viên gạch cần phải vững chắc. Muốn một tập thể hùng mạnh thì mọi con người trong tập thể ấy phải hùng mạnh. Suy ra cả dân tộc, cả đất nước cũng thế!

“Tôi” là bài thơ tập trung ca ngợi cái phẩm chất cốt lõi, cái năng lực trời ban, cái bản lĩnh vững chắc trong mỗi con người với tư cách là một cá thể sáng tạo. Ca ngợi cái tôi bản lĩnh cũng là ca ngợi phẩm chất, năng lực của mỗi con người, nhắm tới mục đích hoàn thiện con người, cũng ví như chúng ta lo toan cho sự cứng rắn, chu toàn, vững chắc của từng viên gạch để có thể xây được ngôi nhà hiện đại, văn minh và to đẹp vậy thôi, không có gì phải phàn nàn nếu nghệ thuật, thơ ca ca tụng cái tôi tốt đẹp ẩn chứa trong trái tim, trong khối óc, trong trí tuệ của mỗi con người. Đúng vậy không?

Bạn muốn tôi nói đôi lời đề cập đến cái cảm giác về cái tôi mang tính cô đơn phải không? Tôi nghĩ rằng cảm giác cô đơn không ngăn trở năng lực sáng tạo mà ngược lại, nó là một động lực thúc đẩy sự sáng tạo. Có thể nói cảm giác cô đơn xui khiến người ta phải làm việc, đặc biệt là những công việc thuộc về lao động trí óc. Trên đời này, có những công việc không thể chia sẻ cùng ai, không có ai có thể cùng chung vai gánh vác. Ai có thể viết thay Secxpia, Ban-zac, Tônxtôi, nghĩ thay Niuton, Anhxtanh, Menđeleep? Muốn rèn cái tôi bản lĩnh, rắn chắc, có khi người ta cũng phải rèn luyện cả sức chịu đựng sự cô đơn, cô độc nữa...

- Trở lại với sự cố văn chương đình đám một thời, cụ thể là ở bài “Với con”, ông có thể kể lại chuyện này? Bây giờ nhìn lại chuyện ấy, cảm giác của ông ra sao?

Chuyện cũ, thật tình tôi không muốn nhắc lại. Tôi nghĩ, chuyện phê phán lình xình bài thơ ấy là chuyện ngoài văn học. Nếu phải kể lại thì tôi sẽ kể những chuyện nằm ngoài bài thơ đó để các bạn biết sự thật. Sự thật về thế thái nhân tình, về chuyện bè phái và sự ghen tuông đố kỵ trong mỗi con người ở một thời chưa xa. Kể để làm gì? Mọi vấp váp đều là những bài học. Vấp váp của thế hệ nhà văn đi trước cũng có thể nên biết để rút kinh nghiệm cho các thế hệ tiếp theo. Sự việc cũng để lại bài học cho những người được phân công trách nhiệm cầm quyền, quản lý văn học nghệ thuật: Hãy thận trọng với các sự việc nằm ngoài văn học! Xưa nay, các tác phẩm văn học bị lùm xùm, bị phê phán, kết cục đều ngược lại, các tác phẩm đó về sau hầu hết đều được giải thưởng Nhà nước, thậm chí tên tuổi các tác giả bị phê phán một thời ngày nay lại được đem ra đặt tên cho các đường phố như các trường hợp Phùng Quán, Văn Cao, Vũ Trọng Phụng… chẳng hạn. Hãy rất nên thận trong!

Hạnh phúc cũng chỉ là một quan niệm

- Thưa nhà thơ Thạch Quỳ, ông nghĩ thế nào về sự đổi thay của các giá trị? Ông có lời khuyên nào không với những người đang đương đầu với cuộc sống mà dường như ai cũng cảm thấy mình như “một chấm nhỏ giữa bốn bề hư vô”? Bạn đọc cũng muốn ông giải thích thêm về câu thơ “Hạnh phúc trang nghiêm trong thất vọng kiếm tìm”?

Thú thực tôi không dám nhận là người có hiểu biết nhiều và có tư tưởng tiến bộ hơn ai. Nhưng tôi nghĩ, mọi vật, mọi việc đều đang thay đổi với thời gian thì tất yếu các quan niệm về giá trị cũng phải thay đổi theo. Chẳng hạn, trước đây người ta nhìn nhận, suy nghĩ và đánh giá giá trị của một người giàu có có thể rất khác với hôm nay chúng ta nhìn nhận và đánh giá về họ. Có thể trước đây có những việc làm, những ý nghĩ ta cho là hay, là đúng thì trước thực tế hôm nay buộc ta phải nhìn nhận lại. Tôi nghĩ điều đó là bình thường, là tốt, là nhạy bén, là thức thời và tiến bộ. Điều bạn hỏi phải chăng là bạn đang muốn nói đến những sự đổi thay của các giá trị theo chiều hướng không như ý đang gây nên những tâm trạng có phần tiêu cực, u trầm với cảm giác mỗi người chỉ là “một chấm nhỏ giữa bốn bề hư vô”, cô đơn và bất lực trước những đổi thay đủ cả hai chiều hướng thuận nghịch ở trong xã hội?.

Tôi cho rằng sự tiến triển của lịch sử thường vẫn chậm chạp hơn những mong muốn đổi thay tuy tha thiết nhưng luôn có phần nóng vội ở trong lòng người. Với lịch sử, một trăm năm chỉ là một khoảnh khắc nhưng với con người một trăm năm thì đã kết thúc cả một đời người. Con người, tuy hiểu quy luật của lịch sử “cái gì đến sẽ đến”, nhưng không mấy ai đủ kiên nhẫn để chờ cái “phải đến” của lịch sử. Chính sự thiếu kiên nhẫn đó đã gây ra các cung bậc tâm trạng ở trong lòng người. Người ta biết những sự việc tiêu cực, nhàm chán, buồn nản mà họ đang phải đương đầu, theo quy luật, trước sau gì rồi cũng sẽ đi qua. Nhưng người ta muốn những sự tiêu cực, nhàm chán, buồn nản đó phải đi qua ngay từ ngày hôm nay. Không làm được việc đó ngay tắp lự theo ý muốn nên người ta cảm thấy mình bất lực. Thiếu người đồng cảm với mình trong hiện tại, không đủ kiên nhẫn để chờ đợi cái tốt đẹp sẽ đến trong tương lai nên người ta cảm thấy cô đơn. Cô đơn, bất lực cũng chỉ là trạng thái tâm lý, tâm trạng bình thường ở thời điểm mà xã hội còn nhiều tiêu cực, nhiều điều chưa như ý. Chúng ta hy vọng tâm trạng, tâm lý đó cũng là một động lực của khát vọng để hướng đến sự biến đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Còn câu thơ: “Hạnh phúc trang nghiêm trong thất vọng kiếm tìm” thì tôi nghĩ đó là một câu thơ dễ hiểu. Dân gian bảo “con cá mất là con cá to”. Ai cảm thấy chưa thỏa mãn với cái hiện có thì trong mơ ước, trong khát vọng của họ, cái họ đang tìm kiếm hẳn sẽ trang nghiêm hơn, thiêng liêng hơn và cũng sẽ tốt đẹp hơn. Càng nhiều mơ ước, càng nhiều tưởng tượng thì cái “mô hình” hạnh phúc càng tốt đẹp. Hạnh phúc cũng chỉ là một sự quan niệm thôi mà.

- Cảm ơn nhà thơ Thạch Quỳ về cuộc trò chuyện thú vị này!

Nhà thơ Thạch Quỳ: Chuyện thơ, chuyện đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO