Nhà trường “xin” doanh nghiệp cho giáo viên đến học việc để lấy kinh nghiệm dạy sinh viên

Phước Anh 12/10/2018 17:53

(Baonghean.vn) - Đó là chia sẻ của đại diện một cơ sở đào tạo du lịch tại Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng du lịch do Sở Du lịch tổ chức vào chiều 12/10.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phước Anh

Nhận sinh viên ra trường, doanh nghiệp phải đào tạo lại

Hội nghị “nóng” ngay từ khi mở màn với hàng loạt ý kiến thẳng thắn từ phía các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Xoay quanh vấn đề chất lượng nguồn nhân lực du lịch, bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc điều hành Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm nói: “Hiện nay lễ tân, phục vụ nhà hàng, nhà bếp rất ít người được đào tạo đúng chuyên ngành. Chúng tôi muốn tuyển nhưng tuyển không ra. Hầu hết các em khi vào làm doanh nghiệp phải đào tạo lại”.

Nữ giám đốc này cũng nhấn mạnh thêm, cơ sở đào tạo đừng vội chạy theo chỉ tiêu, lợi ích kinh tế mà buông lỏng chất lượng đào tạo.

“Trước và trong khi đào tạo cần xem xét các tố chất của sinh viên để có định hướng ngành nghề phù hợp. Ví dụ, nữ lễ tân hiện nay yêu cầu chiều cao phải từ 1m60 trở lên, nhưng nhiều em đến tuyển có chiều cao rất khiêm tốn. Tại sao ngay từ khi đào tạo, nhà trường không tư vấn cho các em sang các nghiệp vụ buồng phòng, nhà hàng, nhà bếp, mà để cả mấy năm trời học hành tốn kém rồi đến khi ra trường không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng tối thiểu của doanh nghiệp?” - bà Hương chất vấn.

Nhiều lễ tân khách sạn ở Nghệ An không được đào tạo chuyên ngành. Ảnh minh họa.
Nhiều lễ tân khách sạn ở Nghệ An không được đào tạo đúng chuyên ngành. Ảnh tư liệu, minh họa.

Đồng tình với ý kiến này, ông Võ Hồng Sáng - Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành quốc tế Thái Sơn chia sẻ, qua hồ sơ dự tuyển chuyên ngành lữ hành tại doanh nghiệp thời gian qua cho thấy, đa số các em năng lực điều hành tour bằng không, các kỹ năng nghiệp vụ thực tiễn rất hạn chế.

Tương tự như vậy, đại diện Vinpearl Cửa Hội cũng phản ánh thực trạng sinh viên ngành Du lịch ở Nghệ An yếu kém về ngoại ngữ. “Nghiệp vụ thì có thể đào tạo lại nhưng ngoại ngữ thì rất khó vì cần phải có gốc, có bài bản. Hiện tại nhân viên tại Vinpearl Cửa Hội là cựu sinh viên của các cơ sở đào tạo tại Nghệ An đều không thông thạo ngoại ngữ, không giao tiếp được với khách nước ngoài” - người đại diện này nói.

"Xin" doanh nghiệp cho giáo viên đến học nghề

Thừa nhận thực trạng này là có thật và chất lượng đào tạo thời gian qua dẫu đã có nhiều tiến triển nhưng vẫn chưa bắt kịp nhu cầu, yêu cầu của doanh nghiệp, Thạc sỹ Hoàng Văn Hiếu - Phó Trưởng khoa Nghiệp vụ Văn hóa và Du lịch, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật chia sẻ: “Cái khó hiện nay là ngay từ đội ngũ giáo viên cũng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, kiến thức giảng dạy nặng về lý thuyết. Dạy cho các em làm nhưng giáo viên đã làm thực tế bao giờ đâu?”.

Thạc sỹ Hoàng Văn Hiếu thẳng thắn bày tỏ mong muốn và được nhiều doanh nghiệp có mặt tại hội nghị hoan nghênh: “Chúng tôi muốn xin doanh nghiệp hỗ trợ, cho giáo viên nhà trường đến làm việc để lấy kinh nghiệm thực tế. Phải nhận thức lại căn nguyên đào tạo hiện nay rằng phải có tay nghề giỏi thì mới đào tạo nghề được”.

Giờ thực hành chế biến món ăn tại Trường CĐ Du lịch - Thương mại Nghệ An. Ảnh tư liệu

Cũng cùng quan điểm với Thạc sỹ Hiếu, Tiến sỹ Hắc Xuân Cảnh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học, xã hội và nhân văn, Trường Đại học Vinh cho rằng, thời gian tới, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần tăng cường gắn kết. Thậm chí, nên hướng tới việc nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, như vậy sẽ sát với nhu cầu tuyển dụng và đảm bảo “đầu ra” cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Du lịch cũng đã chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng và nhu cầu nhân lực, cũng như các số liệu về tăng trưởng du lịch trên địa bàn tỉnh. Lắng nghe, phân tích các ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo Sở đề nghị các cơ sở đào tạo quan tâm đổi mới chương trình dạy học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, mời các chuyên gia có kinh nghiệm đang làm việc tại các doanh nghiệp du lịch trong hoặc ngoài tỉnh tham gia giảng dạy nhằm giúp sinh viên bám sát thực tế hơn…

Về phía các doanh nghiệp, cần đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hướng về du lịch nội tỉnh; tăng sức cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng dịch vụ. Lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức đón các đoàn famtrip, presstrip trong nước và quốc tế; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên và lưu trú du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch trao giấy khen cho các thí sinh đạt giải tại Hội thi nghiệp vụ buồng khách sạn toàn quốc năm 2018. Ảnh: Phước Anh

Nhân dịp này, Sở Du lịch cũng đã tặng giấy khen cho các thí sinh đạt giải tại Hội thi nghiệp vụ buồng khách sạn toàn quốc năm 2018./.

Tính đến tháng 8/2018, nhân lực làm việc trong ngành du lịch của tỉnh khoảng gần 15.000 người, nhưng chỉ khoảng 60% trong số đó được đào tạo chuyên ngành du lịch.

Theo đánh giá của Sở Du lịch, tuy đã có nhiều tiến triển, nhưng tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên sâu về du lịch còn thấp; thiếu đội ngũ quản lý điều hành khách sạn nhỏ và vừa, quản lý lữ hành, hướng dẫn viên, thuyết minh viên chuyên nghiệp và lao động giỏi ngoại ngữ, nghiệp vụ giỏi, tay nghề cao… Trong khi đó, theo mục tiêu quy hoạch, năm 2020, nhu cầu lao động du lịch trực tiếp sẽ là 16.000 - 17.000 người, đòi hỏi phải có 12.000 - 15.000 lao động khách sạn đã qua đào tạo.

Mới nhất

x
Nhà trường “xin” doanh nghiệp cho giáo viên đến học việc để lấy kinh nghiệm dạy sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO