Nhà tưởng niệm Cụ Phan - Công trình xã hội hóa nhiều ý nghĩa

29/10/2016 08:35

(Baonghean) - Công trình là tấm lòng, sự tri ân của các thế hệ thầy cô giáo và học trò Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu hướng đến Nhà yêu nước lớn của dân tộc. Và điều hơn thế là đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ để lớp lớp thế hệ cựu học sinh Trường Phan gắn bó với nhau, đoàn kết hơn tạo nên dòng chảy không ngừng của mạch nguồn tri ân, hướng về cội nguồn của hậu thế nhằm tri ân các bậc tiền nhân.

Khu lưu niệm Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn là di tích lịch sử được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH - TT & DL) xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1992. Tuy nhiên, do nguồn lực của ngành Văn hóa cũng như của tỉnh Nghệ An còn hạn chế, trong khi số lượng di tích lịch sử, văn hóa cần được tu bổ, xây dựng nhiều, nên trong nhiều năm qua, dù đã có những lần tu bổ, xây dựng, di tích vẫn còn rất đơn sơ.

Đầu năm 2015, một nhóm cựu học sinh của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu khi về thắp hương viếng Cụ Phan tại Khu lưu niệm đã rất băn khoăn vì điều này. Từ đó, họ bàn bạc và đi đến thống nhất mở một cuộc vận động trong các anh chị em học sinh các thế hệ Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu cùng đóng góp để xây dựng công trình Nhà tưởng niệm Cụ Phan Bội Châu ngay trong khuôn viên của Khu lưu niệm.

Tại đây, ngoài nếp nhà tranh nơi Cụ Phan Bội Châu sinh ra và lớn lên vẫn còn được bảo tồn và lưu giữ, thì các công trình khác như nhà trưng bày, khu chức năng vẫn chưa được đầu tư xây dựng xong. Đặc biệt, cho đến năm 2015, tại Khu lưu niệm vẫn chưa có nhà tưởng niệm, nơi dành cho du khách thắp hương tưởng nhớ Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu khi đến thăm viếng nơi này. Bởi du khách không thể thắp hương nơi bàn thờ nhỏ của Cụ trong ngôi nhà tranh vì lý do phòng ngừa hỏa hoạn.

Quang cảnh Khu Lưu niệm Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu tại thị trấn Nam Đàn. Ảnh: Đức Anh

Theo tính toán ban đầu của nhóm cựu học sinh Trường Phan ấy, công trình có thể sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 đến 2 tỷ đồng, là một khoản đóng góp không hề nhỏ. Nhưng họ đã tin tưởng rằng, việc làm đúng đắn và ý nghĩa này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của các thế hệ cựu học sinh. Và cuộc vận động đã được mở ra trên rất nhiều kênh liên lạc, đến tất cả các khóa học của trường kể từ hệ chuyên cho đến những em đang là học sinh của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu.

Cuộc vận động nhanh chóng nhận được sự ủng hộ và còn lôi cuốn thêm được nhiều thành phần khác tham gia ngoài học sinh các thế hệ. Đầu tiên là các giáo viên đang giảng dạy tại Trường Phan, sau đó là các phụ huynh có con theo học tại trường. Có những tập thể đóng góp lớn cho công trình như Tổng Công ty XDCT Giao thông 4 với 200 triệu đồng; tập thể, giáo viên Trường Phan đóng góp hơn 100 triệu đồng, cựu học sinh các khóa 6, 9, 11, 12, 14, mỗi khóa đóng từ 50 - 200 triệu đồng...

Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn.
Nhà lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn.

Phan Bội Châu được coi là người đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị Việt - Nhật và là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị này. Chính vì thế, cuộc vận động đã thu hút được sự tham gia của Hội Việt - Nhật Nghệ An. Hội đã đóng góp vào việc xây dựng Nhà tưởng niệm số tiền 100 triệu đồng. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh Nghệ An và cả các bộ, ban, ngành Trung ương người gốc Nghệ An khi được biết về cuộc vận động này cũng đã nhiệt tình ủng hộ, xuất phát từ sự tôn kính đối với Cụ Phan Bội Châu và từ nghĩa cử của các cựu học sinh Trường Phan...

Chỉ trong vòng 6 tháng, đã có hơn 400 lượt ủng hộ với gần 1,5 tỷ đồng được thu. Ông Hồ Đức Phớc, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, còn trực tiếp đứng ra vận động giúp các cựu học sinh, đồng thời, ông cũng trực tiếp tham gia vào các bước từ duyệt bản thiết kế đến tìm vị trí đặt Nhà tưởng niệm. Nhân việc xây dựng Nhà tưởng niệm, ông muốn quy hoạch lại Khu Lưu niệm sao cho phù hợp với địa thế và xứng tầm với công lao và sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với Cụ Phan. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của ông Hồ Đức Phớc, Khu Lưu niệm đã được quy hoạch lại và sắp tới đây, các hạng mục công trình sẽ được xây dựng, sắp xếp theo quy hoạch mới này. Nhà tưởng niệm là hạng mục đầu tiên được xây dựng theo quy hoạch mới, có vị trí nhìn ra sông Lam.

Quá trình xây dựng Nhà tưởng niệm cũng đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Mặc dù phải sửa chữa khá nhiều lần về thiết kế, về quy hoạch và phải thông qua nhiều khâu thủ tục quản lý nhà nước, nhưng cuối cùng, một thiết kế ưng ý nhất do Cục Di sản Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thiết kế cũng đã được nhất trí thông qua, đáp ứng được các yêu cầu về tính thẩm mỹ và sự phù hợp với kiến trúc của cả khuôn viên Khu Lưu niệm.

Nhà tưởng niệm gồm một tòa ba gian hai hồi, khung nhà bằng gỗ căm xe vừa đẹp vừa chịu lực rất tốt, tường nhà bằng gạch chỉ, mái ngói mũi hài, bậc cấp lát đá xanh, nền lát gạch đất nung Bát Tràng. Kết cấu nhà theo kiểu 4 mái truyền thống của Việt Nam thời Nguyễn. Đơn vị thi công công trình là Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Trường Xuân - Nghệ An mà Giám đốc là anh Hoàng Đức Hùng, cựu học sinh khóa 26 của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu. Anh Hùng cho biết, việc thi công công trình này không phải vì lợi nhuận, mà xuất phát từ cái tâm của anh đối với Cụ Phan và cũng là sự hưởng ứng những tấm lòng của các anh chị em đồng môn; và anh đã chăm chút tỉ mẩn đến từng chi tiết. Có những khi phải thay đến mấy tốp thợ cho một hạng mục. Vì thế, dự kiến ban đầu công trình sẽ được hoàn tất trong vòng 3 tháng, nhưng đã phải mất đến gần 1 năm mới hoàn tất được.

Anh Bành Hồng Hiển - Phó Giám đốc Điện lực Nghệ An, là Trưởng Ban vận động tâm sự, cho đến bây giờ anh mới thực sự thở phào nhẹ nhõm khi thấy công trình đã hoàn chỉnh và đẹp "hơn cả mong đợi". Công trình vừa mang tính tâm linh, vừa mang tính lịch sử và văn hóa, nếu mà làm không đạt yêu cầu thì không những có lỗi với anh linh của Cụ Phan Bội Châu mà còn rất có lỗi với những tấm lòng đã phát tâm đóng góp. Anh tâm sự, trong quá trình vận động, có những lúc anh nghĩ, nếu như không thể quyên góp đủ kinh phí, thì anh sẽ phải tính đến phương án lấy "tiền nhà" để bù vào. Nhưng vẫn còn rất nhiều tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính Cụ Phan Bội Châu hưởng ứng nhiệt tình hơn cả sự mong đợi...

Ông Phan Thiệu Cát, cháu nội của Cụ Phan Bội Châu hiện đang sinh sống ở Canada khi biết tin Hội Cựu học sinh Trường Phan vận động xây dựng nhà tưởng niệm cho ông nội, đã rất xúc động và cảm kích trước tấm lòng của các cựu học sinh khi mở ra cuộc vận động này. Mặc dù đã cao tuổi và sống ở nước ngoài, nhưng trong quá trình xây dựng nhà tưởng niệm, ông thường xuyên đi về Việt Nam và đóng góp một phần kinh phí cho việc xây dựng công trình này, đồng thời, luôn có mặt trong mọi sự kiện quan trọng từ lễ khởi công, động thổ cho đến Lễ khánh thành sẽ được tổ chức vào ngày 29/9 âm lịch, đúng vào ngày giỗ lần thứ 76 của Cụ Phan Bội Châu.

Ngày 29/10/2016, nhằm ngày 29/9 âm lịch, đúng vào ngày giỗ của Nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, công trình Nhà tưởng niệm Cụ được long trọng khánh thành. Công trình là tấm lòng, sự tri ân của các thế hệ thầy cô giáo và học trò Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu hướng đến Nhà yêu nước lớn của dân tộc. Và điều hơn thế là đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ để lớp lớp thế hệ cựu học sinh Trường Phan gắn bó với nhau hơn, đoàn kết hơn tạo nên dòng chảy không ngừng của mạch nguồn tri ân, hướng về cội nguồn của hậu thế nhằm tri ân các bậc tiền nhân. Tiếp nối nhà tưởng niệm, trong thời gian tới, các hạng mục khác trong khu lưu niệm sẽ được tiếp tục triển khai xây dựng để nơi đây trở thành địa chỉ tâm linh trang nghiêm, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Và đây cũng sẽ là điểm đến hấp dẫn để du khách thập phương và bạn bè quốc tế ghé thăm khi về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mỹ Lý

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Nhà tưởng niệm Cụ Phan - Công trình xã hội hóa nhiều ý nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO