Nhà văn Sơn Tùng - từ con người đến tác phẩm là một khối sự thật

Nguyên Thanh 24/07/2021 12:15

(Baonghean.vn) - Con người Sơn Tùng là một khối sự thật, tác phẩm của ông cũng là một khối sự thật. Ông và tác phẩm là một sự trộn lẫn, hòa quyện vào nhau thành khối sự thật lớn, không có chỗ cho bất cứ một sự giả dối nào.

Khi tôi vừa mới lên đến tầng 2, ngó mặt vào đã nghe tiếng chị Hồng Mai - vợ nhà văn: "Thắng à! Em mới ra à. Em vào nhà đi!"

Tôi đã được đón vào nhà chú Sơn Tùng một cách thân ái, nhẹ nhàng như thế. Đó là năm 2011. Lần đó, nhà văn đã bị ngã bệnh, không còn nói được. Nhưng ông vẫn còn nhớ tôi. Tiếc là ông không còn nói chuyện được như những lần trước. Chị Mai phải “dịch” cho tôi từ “ngôn ngữ ánh mắt” và những âm thanh khó nhọc của một bệnh nhân bị tai biến. Ông hỏi tôi ở Nghệ ra à, có khỏe không? Công việc thế nào?... Lúc chào ra về tôi thấy ông trầm ngâm hẳn. Chị Hồng Mai nói, anh thấy người trong quê ra là mừng lắm.

Nhà văn Sơn Tùng

Tôi đến thăm nhà văn Sơn Tùng không nhiều, nhưng lần nào cũng vậy, như được trở về một chốn thân tình, chân ái.

Lần đầu tiên tôi trông thấy ông là vào năm 1985, khi đang đóng quân ở Hà Nội, đi nghe “ké” ông nói chuyện ở một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp ở Ngã tư Vọng. Hôm đó ông nói chuyện về Bác Hồ, về “Búp sen xanh. Mọi người đã bị ông cuốn hút bởi câu chuyện hấp dẫn, mới và lạ, lần đầu được nghe, được biết về Bác Hồ với những chứng cứ cụ thể và sinh động.

Trước đó, từ năm 1982, tôi đã đọc tiểu thuyết "Búp sen xanh" khi sách vừa ra; cũng đã đọc bài “phản biện” về sách và tác giả. Tôi có quen biết người viết bài báo này và một vài lần vô tình nghe anh và các đồng nghiệp trao đổi về câu chuyện "Búp sen xanh". Hồi đó, chúng tôi đã biết anh chỉ là người chắp bút thôi. Tác giả đích thực của bài báo không của một riêng ai mà là một tập thể của một cách nhìn, một nhận thức phổ biến hồi đó. Mãi nhiều năm sau, khoảng năm 2006, khi tác giả bài báo năm xưa về Vinh ghé thăm, tôi hỏi anh có nhớ bài báo năm 1982 “đánh” "Búp sen xanh" không. Bất ngờ về câu hỏi, lặng đi một lúc, anh bảo, đó là câu chuyện của một thời, không của riêng anh, không chỉ về "Búp sen xanh". Nhưng mình vẫn tiếc. Giá như hồi đó… Quen biết từ rất lâu, tôi biết anh nói thật vì anh là người sống rất thật. Anh cũng là người của lịch sử.

Một lần, khi đi cùng anh Bùi Thiết đến thăm nhà văn, tôi hỏi: Chú có nhớ bài báo “đánh” "Búp sen xanh không"? Nhớ chứ. Nhưng nó là thế mà. Lúc đó là thế mà. Không thể khác. Ông cười rồi bảo vậy.

Nhà văn Sơn Tùng (thứ 2 từ trái sang) tại làng Sen quê Bác. Ảnh tư liệu
Nhà văn Sơn Tùng (thứ 2 từ trái sang) tại làng Sen quê Bác. Ảnh tư liệu

Tiểu thuyết "Búp sen xanh" ra cùng năm với bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” là hai sự kiện văn học nghệ thuật nổi đình đám. Sách thì bị “đánh”, phim thì phải ngưng chiếu. Nhưng nhiều người tinh ý lại bảo nó báo hiệu một sự thay đổi quan trọng về nhận thức lịch sử và văn học, nghệ thuật. Vốn là sinh viên ngành Sử nên chúng tôi quan tâm đến khía cạnh lịch sử, tính khách quan, sự thật trong các tác phẩm này. Mấy anh bạn tôi bảo, phải thế chứ, phải thế chứ, đó mới là sự thật. Anh Khánh bạn tôi bảo: Cụ Vượng (GS. Trần Quốc Vượng) là cố vấn của phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” cũng rất thích "Búp sen xanh" vì nó thật, nó hợp lý, hợp tình. Từ lúc nào chẳng hay nhưng tôi biết chắc chắn hai ông, nhà văn Sơn Tùng và nhà sử học Trần Quốc Vượng là tâm giao của nhau. Năm 1999, Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An mời GS. Trần Quốc Vượng vào tập huấn nghiệp vụ sưu tầm, nghiên cứu, trong một bữa tiệc, tôi nghe giáo sư bảo, có lịch sử trong Folklore, trong văn học mà ở Nghệ ta cứ nghiệm "Búp sen xanh" của cụ Sơn Tùng là thấy, là biết.

Một lần khác, khi đã khá thân thiết, tôi hỏi nhà văn:

- Chú viết về Cụ Hồ là viết văn, không phải viết tiểu sử. Vậy có lúc nào hư cấu không?

- Có chứ. Nhưng chỉ là chi tiết thôi, cho nó ra văn nhưng phải giữ nguyên tắc không được hư cấu lịch sử, phải trung thực với lịch sử - ông trả lời vậy.

Đối với tôi, đó là một bài học lớn, rất lớn.

Từ trái sang: Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, nhà văn Sơn Tùng; giám đốc Trung tâm văn hóa Tráng An - Bùi Phúc Hải, nhà văn Hoàng Kính. Ảnh tư liệu
Từ trái sang: Nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, nhà văn Sơn Tùng; Giám đốc Trung tâm văn hóa Tràng An - Bùi Phúc Hải, nhà văn Hoàng Kính. Ảnh tư liệu

Làm nghề báo, tôi có nhiều cuộc phỏng vấn các trí thức, văn nghệ sĩ trong cả nước, kể cả ở nước ngoài. Nhưng tôi tiếc là chưa thực hiện được cuộc phỏng vấn nào đối với nhà văn Sơn Tùng. Có những lần đã có dự định, thậm chí sắp sẵn câu hỏi nhưng gặp ông thì cái ý nghĩ đó bị quên mất mà thay bằng những câu chuyện đâu đâu mặc dù vẫn là chuyện nghề, chuyện thế sự, chuyện chung, chuyện riêng…

Không có một phỏng vấn nào lên báo nhưng tôi hỏi và học được ở ông nhiều chuyện, nhất là chuyện về nghề báo. Biết ông làm báo chuyên nghiệp nhiều năm, bắt đầu viết văn từ nghề báo, tôi hỏi ông, bí quyết để làm báo hay là gì? Ông bảo, làm báo cũng như viết văn chỉ có một bí quyết là phải tôn trọng sự thật, tôn trọng lịch sử, tôn trọng cái khách quan, kể cả cảm xúc của bất cứ ai, bất cứ nhân vật nào. Mà muốn có sự thật thì phải đi tìm. Trên đời này khó nhất là đi tìm sự thật. Để viết "Búp sen xanh" ông phải mất 30 năm đi tìm tư liệu về Bác Hồ, về những người liên quan và lịch sử trong, ngoài nước. Ông còn bảo, bảo vệ sự thật cũng gian nan, khó khăn không khác gì đi tìm sự thật. Bảo vệ sự thật là trách nhiệm của nhà văn, nhà báo.

Về điều này, ngẫm lại, tôi thấy, con người Sơn Tùng là một khối sự thật, tác phẩm của ông cũng là một khối sự thật. Ông và tác phẩm là một sự trộn lẫn, hòa quyện vào nhau thành khối sự thật lớn, không có chỗ cho bất cứ một sự giả dối nào.

Nhà văn Sơn Tùng-quoter

Nhà văn Sơn Tùng chưa một lần viết bài cho Tạp chí Văn hóa Nghệ An hay Văn hóa Hà Tĩnh. Nhưng với chúng tôi, từ rất lâu rồi, ông là một cộng tác viên thân thiết. Nói vậy là vì ông rất quan tâm đến hai tờ tạp chí này cũng như tình hình văn hóa của quê nhà. Gặp nhau lần nào ông cũng hỏi: Văn hóa nhà ta dạo này thế nào? Tạp chí có khá không? Có gì khó khăn không?... Không chỉ hỏi mỗi khi gặp mặt mà ông còn hỏi qua các bạn bè khác của chúng tôi. Tôi còn nhớ, năm 2006, câu đầu tiên ông hỏi khi tôi tới nhà ông là: Tạp chí được tách ra rồi à. Cố gắng nhé. Thế là tỉnh quan tâm lắm đó. Cố nhé.

Căn phòng tập thể của gia đình ông ở ngõ Văn Chương (Hà Nội) đã từ lâu trở thành Chiếu Văn của giới văn nhân, trí thức Hà Nội. Không chỉ Hà Nội mà của cả nước, cả bạn bè quốc tế nữa. Đó là nơi gửi gắm niềm vui, nỗi buồn, là nơi bắt đầu cho những ý tưởng, những dự định sáng tạo của rất nhiều tao nhân mặc khách. Sơn Tùng là chủ nhân của Chiếu Văn. Nay thì ông không còn ở đó để đón bạn bè nữa rồi. Ông đã đi về phía xa để tìm sự thật cho những sáng tạo mới. Nhà cũ bây giờ chỉ còn chị Mai thay ông đón bạn Chiếu Văn thôi. Thật buồn.

Nhà văn Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng, sinh ngày 8/8/1928 tại làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1944 (70 năm tuổi Đảng). Cuối năm 1967, ông được cử vào chiến trường miền Nam để thành lập Báo Thanh niên miền Nam. Ngày 15/4/1971, ông bị thương nặng (hạng 1/4) tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, phải ra Bắc điều trị.

Ông cũng từng làm việc cho các Báo Nông nghiệp, Tiền phong… Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Ông qua đời lúc 23h05' ngày 22 tháng 7 năm 2021, hưởng thọ 93 tuổi.

TÁC PHẨM

Văn xuôi: Bên khung cửa sổ (tập truyện ngắn, Nxb Lao động, 1974); Nhớ nguồn (Nxb Phụ Nữ, 1975); Kỷ niệm tháng Năm (1976); Con người và con đường (Nxb Phụ nữ, 1976); Nguyễn Hữu Tiến (truyện, Nhà xuất bản Thanh Niên, 1981); Búp sen xanh (tiểu thuyết, Nxb Kim Đồng, 1981); Vườn nắng (Nxb Thanh Niên, 1997); Trái tim quả đất (tiểu thuyết, Nxb Thanh Niên, 2000); Trần Phú (truyện, Nxb Thanh Niên, 2000); Bông sen vàng (tiểu thuyết, Nxb Văn Nghệ, TP.Hồ Chí Minh, 2000); Bác về (Nxb Phụ Nữ, 2000); Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (Nxb Công an Nhân dân, 2005); Bác Hồ cầu hiền tài (Thông Tấn, 2006); Mẹ về (Nxb Phụ Nữ, in lần 3 năm 2006); Lõm (tiểu thuyết, Nxb Thanh Niên, 2006); Hoa râm bụt (nxb Công an Nhân dân, 2005; Nxb Thanh Niên, 2007); Bác ở nơi đây (Nxb Thanh Niên, 2008); Cuộc gặp gỡ định mệnh (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008); Đào Tấn và gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc (Văn Hiến, số 5, 2011); Từ làng Sen (đồng tác giả, Nxb Kim Đồng, 2009).

Kịch bản điện ảnh: Hẹn gặp lại Sài Gòn (1990).

Thơ: Sáng tác khoảng 100 bài, tiêu biểu có: Gửi em chiếc nón bài thơ (1955) và Cửa sổ xanh (1971).

Mới nhất
x
Nhà văn Sơn Tùng - từ con người đến tác phẩm là một khối sự thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO