Nhạc sĩ Doãn Nho và tâm huyết cuối đời với 'Bài ca tình yêu'

Phương Thúy 03/01/2023 14:53

(Baonghean.vn) - Ở tuổi 90, nhạc sĩ Doãn Nho vừa giới thiệu đến công chúng yêu nhạc Thủ đô tác phẩm nhạc kịch “Bài ca tình yêu” với 2 đêm diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Người nhạc sĩ tài hoa đã đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà những ca khúc “Tiến bước dưới quân kỳ”, “Người con gái sông La”, “Chiếc khăn piêu”… cùng nhiều giao hưởng, thanh xướng kịch, nay lại một lần nữa giới thiệu tác phẩm nhạc kịch “Bài ca tình yêu” mà ông đã tâm huyết trong nhiều năm qua.

Vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” được nhạc sĩ Doãn Nho lấy nguyên mẫu từ những con người, nhân chứng, những đồng đội của ông trong kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm ca ngợi tình yêu, sự thủy chung, tình đồng chí, tình bạn bè, tình quân dân… Tất cả đã tạo nên sức mạnh to lớn để dân tộc ta được thống nhất, non sông thu về một dải. Đặt câu chuyện tình yêu trong bối cảnh lớn của đất nước với những gian khổ, mất mát, hy sinh, nhạc sĩ Doãn Nho đã viết nên bài ca về tình cảm con người, về sức mạnh đoàn kết dân tộc. Đó là câu chuyện về hai chàng trai cùng đem lòng yêu thương một người con gái. Khi cả hai người ra chiến trường vẫn mang theo hình bóng người thương nơi quê nhà. Người hậu phương nhớ thương và một lòng chung thủy với người ra tiền tuyến, còn người nơi khói lửa, đạn bom lại vững lòng, vững chí cùng nhau đánh thắng quân thù. Có lúc chiến tranh đã đẩy họ đến hoàn cảnh trớ trêu nhưng với sự bao dung và đồng cảm, họ đã trở về bên nhau.

Nhạc sĩ Doãn Nho.

“Bài ca tình yêu” là tác phẩm nằm trong chuỗi các hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt. Vở nhạc kịch huy động 150 nghệ sĩ, diễn viên giảng viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam - những đơn vị có đầy kinh nghiệm tham gia biểu diễn; tổng đạo diễn, NSƯT Lê Thụy; chỉ huy dàn nhạc NSƯT Doãn Nguyên; đạo diễn sân khấu NSƯT Tạ Tuấn Minh; thiết kế mỹ thuật NSƯT Đạt Tăng và NSND Lê Huy Quang; đạo diễn ánh sáng NSƯT Tạ Thanh Sơn; đạo diễn âm thanh Duy Bình và An Thông; biên đạo múa Đại tá, NSND Thu Hà, Thượng tá NSND Kiều Lê, Thượng tá NSƯT Thanh Tùng; chỉ huy biểu diễn Đại tá Trần Thanh Bạch. Nhạc sĩ Doãn Nho rất đỗi vui mừng, xúc động trong 2 đêm công diễn vở nhạc kịch. Ông nói: “Có thể nói, đây là tác phẩm lớn cuối cùng của tôi. Với tuổi 90 và tuổi quân cũng nhiều, trong đó có những năm tháng gắn bó với chiến trường từ chống Pháp đến chống Mỹ nay đã được gom lại trong “bản tổng kết nghệ thuật” - vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu” của tôi”.

NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: “Bài ca tình yêu” thuộc thể loại nhạc kịch, một trong những tác phẩm opera hiếm hoi trong những năm gần đây. Nhạc sĩ Doãn Nho đã dành nhiều công sức, trong nhiều năm để cho ra đời tác phẩm này. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, sự ra đời của tác phẩm là kết quả của quá trình đầu tư một cách đồng bộ nguồn lực con người cũng như tài chính. Sự ra đời của nhạc kịch “Bài ca tình yêu” cũng chứng tỏ sự tiếp nối truyền thống của lớp nghệ sĩ hàng đầu trong nền âm nhạc cách mạng nước nhà. Điều này cũng tiếp thêm sự tự tin cho các nghệ sĩ, diễn viên trong việc chinh phục những đỉnh cao nghệ thuật.

“Nhạc sĩ Doãn Nho đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn viết nhạc. Điều đó khẳng định bút lực cũng như tâm huyết của ông để tiếp nối truyền thống âm nhạc. Chúng ta nhìn lại những thành tựu sáng tác như hợp xướng “Sóng Cửa Tùng”, thanh xướng kịch “Trẩy hội đền Hùng” hay những bài hát “Chiếc khăn piêu”, “Người con gái sông La”… đều mang âm hưởng dân ca. Nhạc kịch “Bài ca tình yêu” cũng là sự tổng kết, hoàn thiện về mặt bút pháp của nhạc sĩ Doãn Nho, từ thanh nhạc đến hợp xướng, khí nhạc rồi opera.” - NSND Phạm Ngọc Khôi nói.

Nhạc kịch là một thể loại âm nhạc đỉnh cao mà đằng sau là những trăn trở, nỗ lực của người sáng tạo. Đó là tác phẩm vừa có tính kịch, được biểu hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc. Thử thách lớn nhất của người nghệ sĩ là hát rõ lời, vừa tròn vành rõ chữ vừa phải uyển chuyển trong giai điệu, cảm xúc. Nhà lý luận, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu nhận xét: “Vở diễn được dàn dựng trên quy mô lớn, nhiều thành phần tham gia (dàn nhạc hai quản, dàn hợp xướng, dàn múa ba lê, hợp ca thiếu nhi). Opera quả là sẵn “đất dụng võ” làm giàu thêm quá trình tìm tòi nhiều năm không biết mệt mỏi của nhạc sĩ. Tính thời đại trong khai thác tinh hoa thế giới và vốn cổ truyền dân tộc được thấy rõ hơn trong cách xây dựng và phát triển các chủ đề âm nhạc của “Bài ca tình yêu”.

Một tiết mục trong vở nhạc kịch “Bài ca tình yêu”.

Thực vậy, trong suốt cuộc đời gắn bó với âm nhạc, nhạc sĩ Doãn Nho luôn tâm niệm dân ca, chèo, tuồng, cải lương là vốn cực kỳ quý báu của nền văn hóa dân tộc. Đối với những người làm âm nhạc như ông phải nghiên cứu, học tập để thấy được sự sâu sắc cũng như vẻ đẹp của nó, đồng thời, cố gắng vận dụng, sáng tạo kết hợp với hiện đại. “Nếu nói về ngôn ngữ của từng thế hệ thì rõ ràng có nhiều điều khác nhau. Thời chúng tôi còn trẻ thì chúng tôi học tập chất liệu dân ca trong những bài ca bất hủ của các thế hệ nhạc sĩ đi trước. Chất liệu dân ca khi được nâng lên thành những ca khúc nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp thì đến bây giờ vẫn có giá trị. Mặc dù thế hệ ngày nay chuộng nhạc nhẹ, chúng ta tôn trọng sở thích và những mới mẻ nhưng đồng thời không được phép lãng quên những thành tựu của dân tộc, của các thế hệ đi trước. Kết hợp giữa dân tộc và hiện đại cũng chính là đường lối văn học nghệ thuật của Đảng ta” - nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định.

Khép lại 2 đêm công diễn nhạc kịch “Bài ca tình yêu”, điều còn đọng lại sau cùng vẫn là hình ảnh người nhạc sĩ già vẫn luôn tận tụy, say mê với âm nhạc. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông đứng cùng đoàn quân nhạc trước cửa Nhà hát lớn trước giờ biểu diễn. Ông giơ tay chào cờ, cùng lúc khi đoàn quân nhạc thể hiện tác phẩm “Tiến bước dưới quân kỳ”. Đó vừa là niềm tự hào của riêng ông, vừa là tấm lòng hướng về những điều thiêng liêng nhất của đất nước, về nền âm nhạc dân tộc. Có lẽ, những vở opera cần được công diễn nhiều lần để người nghệ sĩ có đủ thời gian để “thẩm thấu” vai diễn của mình, để công chúng được tiếp cận nhiều hơn đến một loại hình âm nhạc đỉnh cao. Bởi vì, chỉ có thể là tài năng và tình yêu đất nước, các nhạc sĩ mới có thể sáng tác nên những tác phẩm lớn như vậy.

Mới nhất
x
Nhạc sĩ Doãn Nho và tâm huyết cuối đời với 'Bài ca tình yêu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO