Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng và những tháng ngày sôi động ở Nghệ An

Đào Tam Tỉnh 23/11/2022 10:42

(Baonghean.vn)-  Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng - tác giả của những ca khúc tiêu biểu về quê hương, đất nước, nhạc trưởng đầu tiên điều khiển các buổi hòa nhạc giao hưởng nổi tiếng ở TP. HCM sau năm 1975 đã qua đời vào sáng 21/11 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 91 tuổi.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Trọng Bằng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

NSND Trọng Bằng sinh ngày 1/5/1931 tại Cao Bằng, quê gốc của ông ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước. Thân sinh là Nguyễn Trọng Phòng, sinh năm 1895, trước Cách mạng Tháng Tám, ông làm kiến trúc, thiết kế, thi công ở ngành xây dựng, lục lộ, là nhân viên Sở Công chính Nghệ An (tức Sở Canh nông Trung Kỳ, do Hoàng thân Xu Pha Nu Vông làm Giám đốc, thời thuộc Pháp). Sau Cách mạng Tháng Tám, là cán bộ Ty Kiến trúc tỉnh Kiến An (nay thuộc quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Thân mẫu là Nguyễn Thị Trè, sinh năm 1899, nội trợ gia đình, hết lòng nuôi dạy con cái thành tài. Anh trai là Nguyễn Trọng Loan, nguyên Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Quân đội.

Vì thân sinh làm nghề lục lộ phải đi làm việc tại nhiều công trường xây dựng trong nước nên Nhạc sĩ Trọng Bằng từ tuổi nhỏ được theo chân cha và gia đình đi khắp các miền quê từ Bắc Kỳ đến Trung Kỳ Việt Nam. Khi cụ thân sinh làm cầu Cao Bằng, mới đặt tên cho con là Trọng Bằng để kỷ niệm nơi sinh ra ông. Đến những năm 1940, cụ thân sinh được Nhà nước bảo hộ Pháp điều động vào Nghệ An để hoàn thiện xây dựng hệ thống Đập Ba ra Đô Lương dưới quyền của Giám đốc Sở Canh nông Trung Kỳ là Hoàng thân Xu Pha Nu Vông.

Tuổi trẻ được đắm mình vào nhiều cảnh đẹp non sông, đất nước, lại thường được cụ thân sinh đàn cho nghe các bản nhạc dân ca đằm thắm tình dân tộc, nên từ rất sớm ông cũng như người anh trai Trọng Loan đã có năng khiếu và tài năng về âm nhạc.

Cụ thân sinh nhạc sĩ Trọng Bằng từng thi công Cống ba ra Đô Lương. Đây cũng là quãng thời gian nhạc sỹ có những gắn bó với quê hương Nghệ An, với dòng Lam thơ mộng.

Cố nhạc sĩ Trọng Loan có kể câu chuyện khi ở Vinh, nhà ở nơi vùng quán Thầu Đâu, gần Trường Quốc học Vinh, vào sáng sớm một ngày Chủ nhật, hai anh em ngồi ôm đàn ghi ta say mê chơi một bản nhạc dân ca của Nhật. Tình cờ có một đội quân lính Nhật đi tập bước đều trên đường phố, qua trước cửa nhà cụ Phòng (thân sinh) bỗng nghe tiếng nhạc về dân ca quê hương mình, đã làm vị sĩ quan chỉ huy lặng đi và ra lệnh cho đoàn quân đứng yên tại chỗ để nghe cho hết bản nhạc đó. Từ đó, cứ ngày nghỉ là viên sĩ quan Nhật lại lân la đến làm quen gia đình cụ Phòng để xin nghe tiếng đàn nhạc của hai anh em nhà Nguyễn Trọng.

Cũng thật may, nhờ đó mà các tài liệu cách mạng và cờ đỏ sao vàng được cất giấu an toàn ở đây cho đến ngày Tổng khởi nghĩa cướp Chính quyền ở TP. Vinh. Cả hai anh em Trọng Loan, Trọng Bằng đều là hội viên cứu quốc thuộc Đội Thanh niên xung phong cứu quốc Phan Đình Phùng Vinh (Đội trưởng là Trần Xuân, nguyên Thủ quân của Đội bóng đá áo vàng - tiền thân của Bóng đá Sông Lam bây giờ). Trọng Loan đã sáng tác Bài ca Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng và cùng đồng đội hát vang ca khúc này trên đường phố để động viên đắc lực tinh thần yêu nước chống giặc Pháp trong những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi động của nhân dân TP. Vinh và cả nước.

NSND Trọng Bằng được sống trong một thời học sinh sôi nổi của cuộc kháng chiến chống Pháp ở Trường Quốc học Vinh (nay là Trường Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó trường sơ tán ở xã Bạch Ngọc, huyện Đô Lương). Những giờ rảnh rỗi, ông và bạn bè đồng môn lại rủ nhau ra bờ sông Lam xinh đẹp ôm đàn và hát vang lên các bài ca cách mạng. Ông được cử làm đội trưởng các đội văn nghệ của học sinh, sinh viên nhà trường và đã sớm có các sáng tác ca khúc cho địa phương…

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khóa I, ông được cử đi công tác văn nghệ tại Mặt trận Trung Lào rồi ra Việt Bắc làm Đội trưởng đội ca nhạc Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam). Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng Đỏ tại Nhạc viện Tchaikovsky Matxcơva (Liên Xô cũ năm 1963). Năm 1969, ông lại được cử đi làm Nghiên cứu sinh cũng tại Nhạc viện Tchaikovsky Matxcơva. Về nước, ông làm giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam và là Chỉ huy dàn nhạc giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam, sau được cử làm Phó Giám đốc kiêm Chỉ đạo nghệ thuật (1975). Từ năm 1978 - 1984, ông là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, kiêm Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng do chính ông được Bộ Văn hóa ủy nhiệm thành lập. Từ năm 1984 - 1996, ông là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, đã góp phần quan trọng trong việc đưa Nhạc viện trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn có uy tín ở trong nước và quốc tế.

NSND Trọng Bằng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc bác học ở Việt Nam. Ông là Nhạc trưởng đầu tiên điều khiển các buổi hòa nhạc giao hưởng nổi tiếng ở Sài Gòn ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn Giải phóng (1975). Ông đã từng chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng Matxcơva và Tasken trong đợt những ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên Xô (cũ) năm 1985. Chỉ huy dàn nhạc Electone Nhật Bản - Tokyo Hè 1995. NS đã từng cầm đũa chỉ huy các Dàn nhạc Giao hưởng ở Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tầm cỡ của các nước Pháp, Thụy sĩ, Nhật Bản, CHLB Đức, Mỹ, Australia… đến Việt Nam.

Nhạc sĩ Trọng Bằng. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Tác phẩm nổi tiếng của NS là các bản nhạc khí có vị trí vững chãi trong lịch sử khí nhạc trẻ tuổi của Việt Nam (giao hưởng hợp xướng), như: Vũ khúc viết cho Cello và Piano, Ouverture Chào mừng (1986); Giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui (1990); Ouverture Fantáiie Chào thiên niên kỷ mới (2000) và Trường ca Tây Bắc… Sáng tác nhạc khí của nhạc sĩ Trọng Bằng đã được in ấn, thu thanh và biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước.

NS cũng sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, tiêu biểu như: Tuyển tập ca khúc Tình quê hương (H., Văn hóa, 1976); Tuyển tập Bài ca người cầm súng (2000). Bài hát nổi tiếng của NS như: Tây Bắc sáng lại (1951), Tình quê hương (1954), Nhịp máy khoan (1961), Những dũng sĩ Núi Thành (1965), Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi (1965), Bài hát bên cầu phao (1966), Bão nổi lên rồi (1968), Chúng ta là chiến sĩ Công an, Cả nước hướng về Hà Nội, Quê hương vang lên tiếng hát tự hào, Vang mãi bản tình ca, Bà Nà máy bay, Ta hát về Sài Gòn, Hẹn gặp lại năm sau Cửa Lò ơi, Với thành phố tuổi thơ tôi (về thành phố Vinh)…

NS cũng là tác giả âm nhạc của nhiều vở sân khấu, như: Bão biển, Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Những người Nga, Người công dân số 1, Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha, Hẹn ngày trở lại; của nhiều phim truyện: Cù Chính Lan, Biển lửa, Chùm hoa thiên lý, Ngày lễ thánh, Bức tường không xây, Ngôi sao trên biển, Trừng phạt, Hoàng Hoa Thám, và nhiều phim tài liệu, thời sự khác…

NS đã luôn luôn bám sát thực tế các đề tài sản xuất, chiến đấu để sáng tác. Sáng tác của ông thể hiện tài năng âm nhạc và toàn năng về phong cách. Các bản nhạc khí của ông đều rất hào hùng, vừa có chất cổ điển vừa mang hơi thở nhịp sống và chất hoành tráng thời đại. Nếu Trường ca Tây Bắc thể hiện không khí trong sáng vui tươi, mang đậm âm hưởng dân ca miền núi phía Bắc; Tình Quê hương đậm chất trữ tình, thì Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi lại có chất hài hước, châm biếm; nếu Bài hát bên cầu phao là sâu lắng, thấm vào lòng người, thì Dũng sĩ núi Thành thật hào hùng… Sáng tác của ông được nhân dân đón nhận với âm hưởng tha thiết, trầm hùng, trữ tình, vừa mang tính bác học vừa đậm đà bản sắc dân tộc, nên rất xứng đáng nhận được nhiều giải thưởng cho các sáng tác thanh nhạc và nhạc khí của Nhà nước và các địa phương, đơn vị tổ chức xã hội.

NS được mời đi dự các hội nghị, hội thảo Quốc tế về âm nhạc ở Bỉ, CHLB Đức, Nhật Bản, Thái Lan… Tham gia giám khảo các Hội đồng âm nhạc Quốc tế, như: Làm thành viên Hội đồng chấm thi tốt nghiệp Viện Nghệ thuật biểu diễn ở Hồng Kông (APA); Hội đồng chấm thi sáng tác khí nhạc của Hiệp hội Các nhạc sĩ châu Á (ACL); ngoài ra còn được mời đóng phim Điện Biên Phủ của Pháp trong vai nhạc trưởng (1991).

Báo chí trong và ngoài nước nhiều lần viết về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSND Trọng Bằng với sự trân trọng, cảm phục về một nhạc sĩ thật sự có uy tín nước nhà và quốc tế. Ông là một nhạc sĩ toàn năng, vừa sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, lý luận, đồng thời là một nhà sư phạm giàu kinh nghiệm; người chỉ huy dàn nhạc xuất sắc và có nhiều đóng góp lớn cho việc nâng cao và phát triển nền âm nhạc bác học và chuyên nghiệp dân tộc Việt Nam.

Với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc Việt Nam, NSND Trọng Bằng đã được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba vào năm 2013 và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật vào năm 2017 cho các tác phẩm: Giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui, Trường ca Tây Bắc - Điện Biên Phủ, nhạc phóng tác Chào thiên niên kỷ mới, nhạc phim Cù Chính Lan - Người chiến sĩ trẻ và các ca khúc: Bão nổi lên rồi, Nhịp máy khoan, Chúng ta là chiến sĩ Công an, Vang mãi bản tình ca...

Dù NSND Trọng Bằng đã đi xa nhưng những khát khao, mong ước của ông về một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc sẽ còn được thế hệ các học trò của ông gìn giữ và tiếp nối đến tận mai sau./.

Mới nhất

x
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Trọng Bằng và những tháng ngày sôi động ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO