Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và ký ức Triều Tiên

Ngày 27-28/2 tới đây, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Ngoài niềm tự hào chung khi Việt Nam là điểm địa được lựa chọn cho sự kiện quan trọng này, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ còn có một cảm xúc riêng, bởi ông đã từng có 5 năm học sáng tác âm nhạc bậc Đại học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên).

_____________________________

Trong ngôi nhà riêng được nhà nước cấp nằm trong một con ngõ của Hà Nội, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hồi nhớ lại thời điểm mình được cử đi học ở Triều Tiên. “Đó là vào tháng 3-1967, có công văn của Bộ Văn hóa gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị cử cho tôi về Bộ để cử đi học. Đầu tháng 5, tôi cùng với mấy trăm sinh viên có mặt tại Bình Nhưỡng, thủ đô của nước CHDCND Triều Tiên. Sau khi học tiếng Triều Tiên 6 tháng, tôi được nhập học tại Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng”.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khi còn là du học sinh ở Triều Tiên.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ khi còn là du học sinh ở Triều Tiên.

Nhưng cũng tại đây, ông bắt đầu vướng một vấn đề liên quan đến thủ tục. Khi nhà trường xem xét lại hồ sơ mới biết, ông không có bằng sơ, trung âm nhạc, và vì vậy không đủ trình độ để học Nhạc viện Quốc gia Bình Nhưỡng. Lúc này, một giải pháp được tính đến là cậy nhờ đến Đại sứ nước ta ở Triều Tiên lúc bấy giờ là ông Lê Thiết Hùng.

“Gặp được một người Việt Nam ở nước bạn đã là quý rồi, tôi không thể ngờ còn được gặp một người đồng hương xứ Nghệ lúc đó”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nói. Lúc đó, chính ông Lê Thiết Hùng trong lần gặp đầu tiên với nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã hỏi ông bằng một câu đặc sệt tiếng Nghệ.

“Lúc đó anh Hùng hỏi tôi: Anh Tuệ cũng người quê choa nhỉ? Đã quen với không khí Bình Nhưỡng chưa?”- nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhớ lại.

Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tại buổi nói chuyện hôm ấy ông Lê Thiết Hùng đã đánh giá, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ là người có tài năng sáng tác thực sự qua những ca khúc mà ông Hùng nghe được. Nhờ sự giúp đỡ của ông Hùng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được trải qua kiểm tra của Nhạc viện nước bạn. Qua 3 tuần kiểm tra, ông đã được đặc cách vào thẳng Đại học, không phải qua dự bị.

Nhớ lại những năm tháng ở Triều Tiên và ân tình của đất nước này dành cho mình, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ tổng kết bằng một câu nói: “Tôi đã được học những tầm cỡ âm nhạc lớn. Tôi có được như hôm nay cũng nhờ những năm học ở đó và hấp thụ rất nhiều tinh hoa âm nhạc của nước bạn”.

Đất nước Triều Tiên không chỉ nâng cao tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, mà hơn hết, đây cũng là nơi để cho tình yêu của ông nảy nở. Lần giở những hình ảnh kỷ niệm của mình thời trai trẻ ở Triều Tiên, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đầy sôi nổi khi kể về chuyện tình yêu của mình.

“Cô ấy đây, người con gái tôi quen ở Triều Tiên, bây giờ thì đã là người vợ gắn bó với tôi rồi”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nói khi chỉ tay vào bức hình thời trẻ của vợ. Vợ ông là bà Vũ Thị Cẩm Tú. Thời điểm khi ông Tuệ đang là du học sinh ở Triều Tiên chuyên ngành về âm nhạc thì bà Tú cũng đang theo học Đại học Bách khoa, chuyên ngành Khoa học xây dựng nền móng công trình tại đó.

“Bà ấy cũng rất thích ca hát, vì thế chúng tôi có thể chia sẻ nhiều tâm sự. Cô ấy vóc dáng nhỏ nhắn, tính nết dịu dàng, thanh lịch, tư chất thông minh, ham học và học giỏi. Những đức tính và phẩm hạnh ấy đã khiến tôi cảm mến”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ hồi tưởng.

Nhắc đến kỷ niệm khi ở gần nhau với bà Cẩm Tú, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nhớ lại, có lần bà Cẩm Tú hỏi ông: “Em rất thích bài hát Lê Quang Vinh người con quang vinh, anh Tuệ có biết tác giả của nó là ai không?”, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ trả lời: Anh cũng không biết nữa, em hát cho anh nghe xem nào. Thế rồi bà Cẩm Tú cất tiếng hát say sưa, nhưng có lúc sai lời, có lúc lại sai nhạc. Thế là chàng trai du học sinh lúc đó phải vừa nghe vừa sửa lại cho đúng.

Hai vợ chồng nhạc sĩ bên bờ Sông Lam
Hai vợ chồng nhạc sĩ bên bờ Sông Lam

“Có lẽ vì thế mà cô ấy nhận ra luôn rồi bảo: Em biết rồi, đó là bản nhạc của anh”, nhạc sĩ Tài Tuệ kể lại. Tình yêu đã nảy mầm, nhưng phải sau 1 năm khi 2 người về lại Việt Nam, đám cưới của họ mới diễn ra. “Tôi thời đó cũng có nhiều cô theo chứ, đâu chỉ có mỗi bà nhà tôi. Nhưng là đàn ông thì phải đặt sự nghiệp lên hàng đầu, chuyện gia đình tạm gác lại sau”, nhạc sĩ Tài Tuệ dí dỏm.

Người bạn đời của ông cũng là người giúp chồng lưu trữ tác phẩm, dịch thuật tài liệu, in sao băng đĩa các ca khúc … Ngoài là một người vợ đảm đang, tháo vác, phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng là một người có đóng góp cho ngành xây dựng nước nhà. Ít ai biết được rằng, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam hiện nay là do bà Cẩm Tú làm thủ tục xin đất, kiêm chạy vốn, kiêm thiết kế và kiêm cả kiểm tra, giám sát công trình.

Nhắc đến quê hương xứ Nghệ, nơi mình đã sinh ra. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vẫn dành cho quê hương những ân tình sâu nặng. “Sinh ra ở Nghệ An là nơi địa linh nhân kiệt, niềm kiêu hãnh ấy được nuôi dưỡng mãi mãi trong tâm hồn tôi”, nhạc sĩ Tài Tuệ nói.

Bằng tốt nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ do Triều Tiên cấp. Trong đó thể hiện nội dung: Đẳng cấp cao nhất.
Bằng tốt nghiệp của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ do Triều Tiên cấp. Trong đó thể hiện nội dung: Đẳng cấp cao nhất.

Ông kể: Tôi sinh ra trong gia đình Nho giáo, ông nội và bố đều là thầy đồ và rất yêu nghệ thuật, yêu câu ví, giặm Nghệ Tĩnh. Năm 5 – 6 tuổi, tôi đã được cha cho đi theo nghe các cuộc hát ví, giặm trên sông Lam.

“Khi đó, dù bé nhưng nghe câu ví, giặm tôi đã rất thích. Có những đoạn câu đối đượm buồn, tôi đã chảy nước mắt. Khi mẹ tôi biết, bà dặn bố tôi không được cho tôi đi nghe như vậy nữa. Nhưng bố tôi nói: Phải để cho con đi nghe, phải để con cảm nhận nền văn hóa, cái gốc dân gian của cha ông thì sau này con mới trưởng thành, đấy là điều hay. Khóc thế chứ, khóc 10 lần nữa cũng vẫn đưa nó đi…”, nhạc sĩ cho hay.

Cũng theo nhạc sĩ, được sống trong bầu không khí ví, giặm ấy, thấm đượm hồn Việt ấy mà mặc dù đỗ Trường Đại học Văn hóa, Nguyễn Tài Tuệ vẫn quyết chí chọn con đường sáng tác để thỏa mãn khát khao nghệ thuật. 18 tuổi ông lên Hà Nội, ông được tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác nhau, ông cảm thấy choáng ngợp và nhìn thấy con đường đi trước mắt của mình rộng mở.

“Tôi có được những “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”; “Bài ca gửi Noọng”… là bởi tôi đã tìm hiểu và coi những nét văn hóa của các dân tộc như máu thịt, tình yêu của tôi”, nhạc sĩ bày tỏ.

Quê hương không chỉ sâu đậm trong ông với điệu hò ví giặm mà hình ảnh quê hương cũng luôn thường trực bên mình. “Bây giờ mỗi khi về quê, điều đầu tiên là lên bờ đê và đứng ngắm dòng sông Lam chảy, nơi bến đò ngày xưa là nơi tôi hay vùng vẫy. Sừng sững chênh chếch về nam là núi Hồng Lĩnh, ngọn núi linh thiêng đã tạo nên những dòng văn hóa xứ Nghệ”, nhạc sĩ kể.