Nhạc sĩ Phú Quang 'Và tình yêu còn mãi'

(Baonghean.vn) -Tôi đến gặp ông 2 lần, một lần ở quán cà phê ven sông Hồng một chiều thu năm 2019 và một lần đến nhà riêng của ông. Ông đã kể cho tôi nghe rất nhiều về tác phẩm của mình, về tình yêu âm nhạc và cuộc đời. Giờ ông đã đi xa, xin ghi lại cuộc trò chuyện năm ấy...

PV: Thưa nhạc sĩ Phú Quang, ông nghĩ sao khi mình được mệnh danh là nhạc sĩ của Hà Nội?

Tác giả và nhạc sỹ Phú Quang. Ảnh tư liệu: Vân Khánh
Tác giả và nhạc sỹ Phú Quang. Ảnh tư liệu: Vân Khánh

Tôi nghĩ rằng, tôi đã sống trọn một đời với Hà Nội. Tôi luôn khắc khoải về Hà Nội khi đang ở Hà Nội, nỗi nhớ luôn thường trực. Tôi nhớ mẹ tôi, một người phụ nữ thuộc thế hệ cũ gia phong, nề nếp và luôn nghiêm khắc với các con. Mẹ tôi là người phụ nữ Hà Nội chính gốc, bà rất thanh lịch, nhã nhặn và trí tuệ. Mẹ tôi dạy anh em tôi nhiều lắm. Tôi yêu mảnh đất này vì đây là nơi tôi sinh ra, lớn lên và gắn bó cả cuộc đời. Những năm tôi sống ở Sài Gòn, tôi có cảm giác trống rỗng. Tôi nhớ Hà Nội quá và bạn biết không, là đàn ông mà tôi từng khóc. Tôi viết các ca khúc về Hà Nội bằng tất cả nỗi niềm, bao thương nhớ và ký ức ùa về. Sau này, tôi vẫn thường chia sẻ với bạn bè rằng, tôi sẽ phải trở về thôi. Và tôi quay về thật. Đây mới là nhà.

PV: "Em ơi Hà Nội phố" - một ca khúc gắn liền với tên tuổi của ông mà hầu như ai ai cũng thuộc. Ông có thực sự hạnh phúc khi ông đã góp phần vẽ nên một Hà Nội thật đẹp trong mắt bạn bè thế giới?

Tôi phải biết ơn nhà thơ Phan Vũ, chính ông và thơ ông đã truyền cho tôi nguồn cảm xúc vô tận, một cảm giác như là đứa con được trở về, được vỗ về. Hà Nội trong tôi luôn luôn bao dung như thế. Bản thân tôi cũng thực sự thỏa mãn với ca khúc mình phổ nhạc. Giọng hát của Hồng Nhung, Ngọc Anh hay Bằng Kiều thể hiện đều khiến tôi thích, mỗi người một vẻ nhưng tinh thần là yêu Hà Nội một cách thiết tha.

Ca khúc nữa cũng về Hà Nội là "Hà Nội ngày trở về" tôi cũng tâm đắc. Khi lòng mình xác xơ, buồn đau thì không gì bằng là được trở về nơi chính mình sinh ra, trưởng thành. Hà Nội cho tôi tất cả. Nói một cách khác là có tôi hôm nay là nhờ Hà Nội.

PV: Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo có một bài thơ và ông phổ nhạc "Một dại khờ, một tôi" sâu lắng, da diết và mãnh liệt. Có phải tâm hồn luôn khao khát tình yêu của 2 nhạc sĩ đã gặp nhau và hòa điệu thành ca khúc này?

Phải nói là tôi rất thích âm nhạc và thơ ca của anh Tạo, mẫn tiệp và độc đáo. Đó là một người đàn ông xứ Nghệ vạm vỡ, phóng khoáng và đa tình. Thơ và âm nhạc của anh rất bay bổng, tài hoa. Tôi phổ bài thơ của anh và gửi cho Ngọc Anh hát, thực sự gây ấn tượng. Tình yêu của người đàn ông sâu sắc lắm "Tôi còn đâu còn đâu đam mê/ Trời chang chang nắng em về héo khô/ Chia cho em một đời thơ", chia hết, chia cho đến hơi thở tàn. Cách yêu của đàn ông cũng khác. Yêu tận cùng và đau cũng tận cùng. Trong đêm nhạc của mình, tôi đã tự đánh đàn, hát bài này như một lời chia sẻ chân thành đến với anh Tạo.

PV: Lại nói về cuộc đời mình, có lần ông kể rằng, nếu không trở thành nhạc sĩ, ông sẽ là nhà văn. Có đúng vậy không?

Đúng là như thế. Vì niềm say mê của tôi từ nhỏ là học văn, đọc văn và mẹ tôi là người có ảnh hưởng rất lớn. Bà dạy tôi rất nhiều về thơ, ca dao, tục ngữ. Tôi thuộc nhiều lắm. Hồi bé cho đến khi trưởng thành, tôi vẫn có một niềm đam mê là đọc sách, đọc văn chương. Tâm hồn mình trở nên trong sáng hơn, khoáng đạt hơn nhờ những trang sách ấy, nó ngấm tự lúc nào mà mình không biết. Sau này, khi tôi làm nhạc, những ca từ tôi viết phải đẹp, chắt lọc, tinh tế. Tôi không cho phép mình làm ẩu được vì mình đang làm văn hóa nghệ thuật, đó là những giá trị tinh thần cao đẹp nhất, tinh túy nhất. Tôi cũng dạy các con mình như thế. Khi đã bắt tay viết một ca khúc, mình phải đặt tiêu chí của cái Đẹp lên hàng đầu, phải mang những giá trị ấy đến với cuộc đời.

PV:  Có phải tính cách nghiêm khắc và nghiêm túc trong làm việc của ông đã khiến nhiều ca sĩ e ngại? Có nhiều câu chuyện họ kể là ông khắt khe quá!

(cười) Tôi khắt khe thật, thế mà họ vẫn tìm đến tôi. Vì sao vậy, vì họ hiểu được mong muốn của tôi. Tôi không cho phép bất kỳ ai làm ẩu, không được cẩu thả trong bất cứ việc gì. Có lẽ tôi cũng khá kén chọn nên cũng rất ít ca sĩ hát nhạc của tôi, thế nhưng những người đã theo đuổi thì ai cũng thành danh. Thanh Lam, Ngọc Anh, Hồng Nhung, Tấn Minh, Bằng Kiều… họ là những ca sĩ làm việc nghiêm túc, đam mê và máu lửa. Tôi cho rằng, trong bất cứ nghề gì cũng vậy thôi, cứ phải nghiêm cẩn thì mới thành công được.

PV: Với ông, người ta còn biết đến một người đàn ông tài hoa, lịch thiệp, nhẹ nhàng, được nhiều phụ nữ yêu. Có đúng vậy không?

Yêu là quyền của họ, từ chối hay đón nhận là ở mình. Nhưng để từ chối một người phụ nữ thông minh mà lại chân thành thì thật khó. Tôi đã gặp một số người như thế. Tôi chọn cách im lặng thôi. Tôi thích sự kín đáo, lặng lẽ. Đây là câu chuyện riêng của mình mà. Chuyện riêng tư thì nên kín lặng, “sao tình yêu còn dâng trong mắt em/ cho tôi biết một thời trai trẻ” là thế đấy. Phải yêu mới làm âm nhạc hay, viết về tình yêu thì mình cũng phải sống trong tình yêu. Con người giống nhau ở chỗ, khi tình yêu cất lời thì sự dịu dàng, tin yêu và hy vọng tìm đến. Âm nhạc của tôi được yêu mến cũng bởi tình yêu sâu thẳm có ở trong đó, nó phảng phất trong hơi thở, trong đời sống, trong tất cả những rung cảm mà ai chạm vào, cũng thấy tựa như mình đang ở đó, có mình trong đó.

PV: Tuổi già ông sợ nhất điều gì? Ông có sợ cái chết?

Sợ bị lãng quên. Trong đêm nhạc của mình, tôi vẫn đánh đàn và hát một ca khúc. Dù đi lại có phần khó khăn. Tôi muốn tôi luôn mạnh khỏe để làm việc nhưng đúng là bệnh tật, tuổi già cứ ập đến. Không thể cưỡng được. Bạn bè tôi luôn động viên bằng cách đến nhà thăm, trò chuyện, hoặc đưa tôi ra phố cho khỏa khuây. Tôi nghĩ sau này, khi không thể tự mình đi lại được, hẳn là sẽ buồn lắm. Buồn không cất được vào đâu. Tôi không sợ chết, chỉ sợ bị lãng quên. Tôi cũng ngại gặp mọi người khi mình không được khỏe mạnh nữa. Vì mình không còn năng lượng thì đúng là buồn thật (cười).

PV: Làm sao mà quên ông được khi âm nhạc của ông đã gắn với đời sống này, ai cũng từng một lần nghe ca khúc của ông từ thuở niên thiếu đến lúc về già.

Trịnh Công Sơn đã viết là “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em có biết không? Để gió cuốn đi”, tôi cũng nghĩ vậy. Sống cần nhất là sự tử tế. Một tấm lòng vì nhau, vì mọi người sẽ khiến cuộc đời này ý nghĩa hơn, đáng sống hơn. Tôi đã đem âm nhạc như một cách riêng của mình đến với cuộc đời, cũng chỉ với mong muốn là làm đẹp thêm đời sống này mà thôi. Tình yêu con người là phải biết dành cho quê hương, cho gia đình, cho dòng máu giống nòi. Tôi vẫn muốn viết về đời sống này cho đến khi không còn nghĩ được nữa, nhưng mà lúc nào tôi cũng ngẫm ngợi, còn nghĩ nhiều lắm, thế thì còn viết nhỉ bởi tình yêu vẫn còn mãi mãi.

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

[Infographics] Những điểm nhấn Lễ hội du lịch Cửa Lò 2024

(Baonghean.vn) - Năm 2024, lễ hội du lịch Cửa Lò hướng đến quảng bá các giá trị văn hóa, vẻ đẹp của vùng đất và con người Cửa Lò đến du khách trong nước và quốc tế. Theo đó, Cửa Lò sẽ tổ chức chuỗi hoạt động thiết thực tạo điểm nhấn chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Thị xã Cửa Lò.