Nhân dân tệ xuống thấp nhất 11 năm so với đô la Mỹ; Hong Kong rơi vào suy thoái vì biểu tình

Hà Thu 17/12/2019 08:37

Năm 2019 chứng kiến nhiều kỷ lục và "lần đầu" của các nền kinh tế, nhưng không phải sự kiện nào cũng theo hướng tích cực.

1. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhiều bước ngoặt

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Bước sang năm thứ hai, cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được kỳ vọng sẽ sớm có cách giải quyết, đặc biệt sau khi ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình cuối năm ngoái đồng ý đình chiến để đàm phán thỏa thuận thương mại.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán trên thực tế lại liên tục bế tắc và kéo dài. Trong nhiều tháng, quan chức cấp cao hai bên qua lại giữa hai nước để tìm cách tháo gỡ các điểm nghẽn. Đến tháng 5, khi tưởng chừng gần đạt thỏa thuận, đàm phán lại đổ bể. Khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc muốn thay đổi cam kết, và tăng thuế để trừng phạt, Trung Quốc cũng nâng thuế để trả đũa.

Một tháng sau, Trump – Tập tuyên bố tái khởi động đàm phán, nhưng các cuộc nói chuyện sau đó không tiến triển đáng kể. Đến đầu tháng 8, Mỹ lại áp thêm thuế với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc. Cuối tháng đó, Trung Quốc áp thuế mới lên 75 tỷ USD hàng Mỹ, còn Mỹ đáp trả bằng cách tiếp tục nâng thuế.

Đến giữa tháng 9, tình hình khả quan trở lại, khi Mỹ và Trung Quốc lần lượt nhượng bộ về thuế. Giữa tháng 10, Tổng thống Trump tuyên bố hai nước sẽ đàm phán thỏa thuận sơ bộ, các vấn đề khó giải quyết sẽ được chuyển sang giai đoạn sau. 2 tháng sau, Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận giai đoạn một trên nguyên tắc, khiến lo ngại của thị trường được xoa dịu phần nào.

2. Wall Street liên tục lập đỉnh

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong năm nay.

Trái ngược với diễn biến tệ nhất một thập kỷ trong năm 2018, cả ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ, là DJIA, S&P 500 và Dow Jones năm nay liên tiếp lập kỷ lục. Nguyên nhân là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) 3 lần hạ lãi suất, lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ vượt dự báo và nhà đầu tư lạc quan về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Từ đầu năm, chỉ số S&P 500 đã tăng 26%. Có thời điểm, chỉ số này lập đỉnh tới 5 trong 9 phiên giao dịch. Giữa tháng 11, DJIA cũng lần đầu vượt mốc 28.000 điểm.

Khi các số liệu gần đây cho thấy kinh tế Mỹ vẫn ổn định, thị trường chứng khoán nước này được dự báo còn tiếp tục đi lên. Dù vậy, mức tăng sang năm tới có thể sẽ chậm lại, chỉ khoảng vài phần trăm.

3. Fed lần đầu hạ lãi suất trong hơn 10 năm

Chủ tịch Fed Jerome Powell thông báo hạ lãi suất. Ảnh: Reuters

Tháng 8/2019, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần đầu hạ lãi suất kể từ năm 2008, với mức giảm 0,25%. Quan chức Fed cho rằng việc điều chỉnh là cần thiết để giữ nền kinh tế vững mạnh, đặc biệt trong bối cảnh họ bị hạn chế về công cụ đối phó suy thoái khi lãi suất hiện ở mức thấp kỷ lục.

Động thái này đã được dự báo từ lâu. Trong năm nay, Fed đã phải theo đuổi chính sách linh hoạt hơn để đối phó với bất ổn ngày càng tăng từ bên ngoài. Vấn đề khiến họ lo ngại nhất là căng thẳng thương mại.

Sau đó, Fed còn hạ lãi suất thêm 2 lần nữa năm nay, vào tháng 9 và tháng 10. Tuy vậy, trong cuộc họp chính sách tháng 12, Fed giữ nguyên lãi suất và ra tín hiệu sẽ không điều chỉnh trong năm 2020.

4. Hong Kong rơi vào suy thoái vì biểu tình

Một trung tâm thương mại tại Hong Kong vắng khách vì biểu tình. Ảnh: SCMP

Cuối tháng 10, Hong Kong công bố GDP quý III giảm 3,2% so với quý trước. Đây là quý thứ hai liên tiếp thành phố này tăng trưởng âm, khiến kinh tế rơi vào suy thoái theo lý thuyết.

Hong Kong vốn đã chịu tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Vì vậy, cuộc biểu tình kéo dài từ tháng 6, đến nay chưa có dấu hiệu chấm dứt, càng khiến tình hình tồi tệ.

Các số liệu cho thấy cả tiêu dùng và xuất khẩu của Hong Kong đều đang lao dốc. Cuộc sống của người dân cũng ngày càng khó khăn, khi giao thông tê liệt và du lịch sụt giảm. Chính quyền thành phố này đã phải bơm ra hàng chục tỷ đô la Hong Kong để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại vì biểu tình.

5. Nhân dân tệ xuống thấp nhất 11 năm so với đô la Mỹ

Tiền nhân dân tệ của Trung Quốc và đô la Mỹ. Ảnh: Reuters

Năm nay, nội tệ Trung Quốc nhiều lần lao dốc vì căng thẳng thương mại với Mỹ. Đến tháng 8, nhân dân tệ lần đầu tiên xuống dưới mốc quan trọng 7 CNY một USD trong 11 năm qua. Diễn biến này thổi bùng nguy cơ chiến tranh tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể dùng nhân dân tệ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Ngay lập tức, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ cũng chính thức gọi Trung Quốc là "quốc gia thao túng tiền tệ", lần đầu tiên kể từ năm 1994.

Trung Quốc phủ nhận cáo buộc của Mỹ, khẳng định diễn biến này phù hợp với thị trường. Họ tiếp tục hạ giá nội tệ vài phiên sau đó rồi mới tăng trở lại.

6. Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất gần ba thập kỷ

Công nhân tại một công trường ở Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Kinh tế Trung Quốc năm nay tiếp tục chịu nhiều sức ép cả trong và ngoài nước. GDP quý II và quý III của nước này chỉ tăng lần lượt 6,2% và 6% - thấp nhất kể từ đầu thập niên 90.

Trung Quốc đang chấp nhận giảm tốc, nhằm củng cố hệ thống tài chính và kiềm chế tín dụng. Vì vậy, kể cả khi không có cuộc chiến thương mại với Mỹ, nền kinh tế này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ áp lực giảm phát (ảnh hưởng tới lợi nhuận doanh nghiệp) đến nhập khẩu đi xuống (cho thấy nhu cầu trong nước yếu đi).

Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ phải tung thêm nhiều biện pháp kích thích để chặn lại đà giảm tốc. Hiện tại, giới chức Trung Quốc chỉ tập trung tung kích thích hạn chế, có mục tiêu, như hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất, do lo ngại khối nợ bùng lên.

7. Facebook ra mắt Libra, Trung Quốc nghiên cứu tiền điện tử

Đồng tiền mô phỏng tiền ảo và logo Libra. Ảnh: Reuters

Tháng 6/2019, Facebook gây chấn động khi tuyên bố sẽ phát hành tiền điện từ Libra, xây dựng trên nền tảng khối chuỗi và do một tổ chức gồm hàng chục công ty tên tuổi điều hành – Libra Association. Dĩ nhiên, cũng như các tiền điện tử khác, Libra được giới công nghệ hào hứng đón nhận, còn giới chức lại tỏ ra nghi ngại.

Lãnh đạo Facebook đã nhiều lần giải thích và ra điều trần trước Quốc hội Mỹ, khẳng định Libra không cạnh tranh với tiền tệ các nước, và sẽ bảo mật dữ liệu cá nhân. Tuy vậy, tương lai tiền số này vẫn rất trắc trở, khi nhiều nghị sĩ Mỹ muốn Facebook bỏ dự án này. Còn Pháp và Đức đều đã tuyên bố sẽ cấm cửa Libra tại châu Âu. Hàng loạt đối tác trong Libra Association cũng đã rút lui.

Dù vậy, tiền số năm nay được nhiều tổ chức chính thống quan tâm hơn. Các sàn giao dịch trực tuyến như Schwab, E-Trade hay TD Ameritrade đã cho phép giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hồi tháng 8 thậm chí thông báo sẽ phát hành tiền số để thay thế tiền mặt trong lưu thông, và hỗ trợ tham vọng quốc tế hóa nhân dân tệ. Các nhà băng và đại gia công nghệ hàng đầu Trung Quốc sẽ tham gia phân phối loại tiền này.

8. Năm lao đao của các startup tỷ USD

Logo Lyft, WeWork và Uber trên đường phố Mỹ. Ảnh: NYT

2019 là năm nở rộ IPO của hàng loạt công ty kỳ lân (công ty tư nhân được định giá tỷ USD). Đây là các thương vụ IPO được nhà đầu tư mong đợi từ rất lâu. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các công ty này sau đó đều không được như kỳ vọng.

Uber, Lyft và Slack đều chật vật trong việc tạo ra lợi nhuận. Uber quý III lỗ 1,1 tỷ USD, còn quý II lỗ tới 5,2 tỷ USD. Beyond Meat và Peloton cũng không khá hơn mấy. Cổ phiếu Peloton còn mất giá tới 11% trong phiên giao dịch đầu tiên – điều hiếm thấy với một startup công nghệ.

So với thời điểm IPO, cổ phiếu Uber hiện giảm gần 36%, còn cổ phiếu Lyft cũng mất hơn 40%. WeWork thậm chí còn phải hủy bỏ kế hoạch IPO, do nhà đầu tư chỉ trích mức định giá của WeWork, lo ngại về khoản lỗ lớn, tính bền vững của mô hình kinh doanh và cách quản trị của cựu CEO Adam Neumann. SoftBank sau đó đã phải tung gần 10 tỷ USD giải cứu WeWork.

Những sự việc trên khiến thị trường ngày càng nghi ngờ về khả năng sinh lời của các kỳ lân. Nhiều nhà phân tích còn cho rằng giá trị của các doanh nghiệp này đang bị thổi phồng nhờ gắn mác công nghệ, trong khi bản chất không phải công ty công nghệ.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Nhân dân tệ xuống thấp nhất 11 năm so với đô la Mỹ; Hong Kong rơi vào suy thoái vì biểu tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO