Nhận diện, đấu tranh với tội phạm lừa đảo ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp qua đó phát hiện, xử nhiều vụ việc, nhiều đối tượng.

Muôn kiểu lừa đảo

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin thậm chí hám lợi của một bộ phận nhân dân, các đối tượng lừa đảo đã tung ra các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tài sản. Đã có không ít người sập bẫy, bị mất số tiền lớn.

Điển hình như 16/9/2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Nghệ An tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của công dân trú tại phường Hưng Bình, thành phố Vinh tố cáo Nguyễn Thị Vân (SN 1988), trú tại xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn lừa đảo, chiếm đoạt 4,5 tỷ đồng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, đến ngày 1/11/2021, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ Nguyễn Thị Vân về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nguyễn Thị Vân và tin nhắn trao đổi với nạn nhân. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc
Đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nguyễn Thị Vân và tin nhắn trao đổi với nạn nhân. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Vân khai nhận: Do vay tiền của nhiều người để tham gia chơi một số sàn tiền ảo trên mạng internet bị thua lỗ nên đã lập nhiều tài khoản ngân hàng để lừa bị hại chuyển tiền vào, sau đó chiếm đoạt. Biết chị L. có nhận chuyển tiền ngân hàng cho những người cần để lấy tiền hoa hồng dịch vụ nên Vân đã tự giới thiệu  mình có quen biết nhiều người làm nghề kinh doanh có nhu cầu chuyển tiền ngân hàng liên tục, thống nhất sẽ trả tiền dịch vụ là 3.000 đồng/1 triệu đồng tiền chuyển khoản và chị L. đồng ý. Sau đó, Vân sử dụng 6 tài khoản ngân hàng của người thân để lừa chị L. đó là các tài khoản của những người kinh doanh lớn, có nhu cầu chuyển khoản tiền liên tục và yêu cầu chị L. chuyển tiền vào 6 tài khoản này.

Lực lượng công an củng cố hồ sơ vụ án đối tượng Nguyễn Thị Vân lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc
Lực lượng công an củng cố hồ sơ vụ án đối tượng Nguyễn Thị Vân lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Để lấy lòng tin của chị L., thời gian đầu Vân vẫn trả tiền gốc cùng phí hoa hồng đầy đủ. Đến tháng 8/2021, tổng số tiền Vân yêu cầu chị L. chuyển khoản sau đó chiếm đoạt lên đến 4,5 tỷ đồng. Khi biết không còn khả năng trả số tiền lãi và gốc, Vân tắt máy điện thoại, chặn số điện thoại của chị L. và rời khỏi nhà trọ tại thành phố Vinh rồi về quê tại huyện Nghĩa Đàn để trốn tránh. Ngoài số tiền đã chiếm đoạt của chị L., Vân còn khai nhận với thủ đoạn tương tự, đã lừa đảo chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng của 8 công dân khác.

Theo ngành chức năng, hiện nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc giao dịch, mua bán hàng hóa qua mạng, chuyển, nhận tiền online trở thành xu hướng. Đây cũng là thời điểm để các đối tượng xấu lợi dụng người bị hại thiếu cảnh giác, thiếu kiến thức về giao dịch tiền điện tử, hám lợi ích... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Lực lượng công an lấy lời khai của đối tượng Trần Thị Phương Thúy l- người đã ập hàng trăm bát phường lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu: B.N
Lực lượng công an lấy lời khai của đối tượng Trần Thị Phương Thúy - Người đã ập hàng trăm bát phường lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu: B.N

Điển hình trong tháng 10/2021, Công an thành phố Vinh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trần Thị Phương Thúy (SN 1984), trú tại khối 2, phường Trường Thi (TP. Vinh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự. Lực lượng chức năng xác định với thủ đoạn lập hàng trăm bát phường oline trái phép, lôi kéo người quen biết tham gia, dùng tài khoản ảo để đấu giá mở bát phường, sau một thời gian thì tuyên bố bể phường…  Thúy đã chiếm đoạt hàng tỷ đồng của người dân.

Điều tra viên Đội Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Vinh cho biết: Lừa đảo trong mở bát phường không mới nhưng vì thủ đoạn của đối tượng rất tinh vi nên nhiều người vẫn mắc bẫy. Hơn nữa, trong điều kiện dịch bệnh, nhiều người phải kinh doanh online hoặc nghỉ ở nhà, hạn chế về thu nhập nên có tâm lý “kiếm thêm” từ lãi suất bát phường.

Nhiều người khi tham gia vài lần đấu mở bát phường đã nghi ngờ, tuy nhiên, vì trót nộp nhiều tiền vào phường, với tâm lý “đâm lao thì phải theo lao” nên thiệt hại cứ nhân lên theo mỗi lần đấu giá. Chỉ đến khi Thúy tuyên bố “bể phường” thì họ mới cay đắng nhận ra mình bị lừa.

Tang vật của một vụ án lừa đảo bằng chiêu trò bán số lô, đề trên mạng. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc
Tang vật của một vụ án lừa đảo bằng chiêu trò bán số lô, đề trên mạng. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Bên cạnh đó còn có thủ đoạn hack Zalo, Facebook để giả mạo vay tiền, chuyển tiền; đăng thông tin giả mạo về các hoàn cảnh khó khăn để vận động quyên góp từ thiện và chiếm đoạt số tiền huy động được. Hoặc lợi dụng việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến, trên mạng xã hội, nhất là mua bán các mặt hàng như khẩu trang, thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19… để lừa đảo chiếm đoạt tiền của đối tác mua, bán hàng hoặc giả danh nhân viên y tế mời gọi người dân mua thuốc phòng dịch; cung cấp dịch vụ xét nghiệm, tiêm vắc xin, cung ứng vật tư y tế yêu cầu người dân đóng tiền rồi chiếm đoạt.

Hay giả mạo nhân viên Điện lực để đòi tiền điện, giả mạo Cảnh sát giao thông thông báo phạt nguội yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản; giả mạo nhân viên ngân hàng, nhà mạng gọi cho các bị hại thông báo kết quả quay số ngẫu nhiên trúng thưởng. Sau đó, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để nhận thưởng. Cá biệt, có đối tượng còn lợi dụng lòng tham và tâm linh của người dân để “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Lợi dụng lòng tham và sự mê tín của người dân, đối tượng Nguyễn Thị Thủy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng. Ảnh Bình MInh.j
Lợi dụng lòng tham và sự mê tín của người dân, đối tượng Nguyễn Thị Thủy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng. Ảnh tư liệu Bình Minh.

Điển hình như trường hợp Nguyễn Thị Thủy, SN 1971, trú tại xóm 2, xã Tăng Thành, huyện Yên Thành. Từ giữa năm 2019 đến khi bị bắt vào tháng 6 năm 2021, Thủy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 04 người dân trên địa bàn TP Vinh và huyện Yên Thành số tiền trên 05 tỷ đồng. Theo đó, đối tượng nhằm vào những người dân có điều kiện kinh tế khá giả và đặc biệt mê tín để tung tin họ có một khoản thừa kế hàng trăm tỷ đồng của người đã chết. Muốn sử dụng được khoản tiền đó thì phải nộp tiền cúng lễ, người nào tham gia sẽ được chia phần trăm cao. Nhiều người dân vì quá tin và hám lợi đã huy động tiền, cầm cố nhà cửa và bị lừa với số tiền hàng tỷ đồng.

Ngoài ra còn có người “sập bẫy” các đối tượng giả danh cảnh sát hình sự, cán bộ tòa án để lừa chạy án hoặc nổ quen biết cán bộ cao cấp để lừa đảo xin việc, chạy dự án, xin vào trường Công an, Quân đội… chiếm đoạt tài sản của người bị hại

Sau hơn 01 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 92 vụ, 122 đối tượng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thu hồi tài sản có tổng trị giá hơn 19,5 tỷ đồng trả lại cho bị hại. Trong đó, khám phá 32 chuyên án, vụ án lớn, được Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần bảo đảm tốt an ninh, trật tự trên địa bàn.

Tăng cường đấu tranh,ngăn chặn

Mặc dù đã mạnh tay xử lý, tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn một số tồn tại, hạn chế, như: Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, nhất là đối với các nhóm nguy cơ cao trở thành bị hại; người dân chưa được tiếp cận kịp thời, đầy đủ, chính xác thông tin về quy hoạch trên các lĩnh vực, chế độ, chính sách an sinh xã hội, đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Công tác quản lý một số lĩnh vực về tài chính, ngân hàng, viễn thông... còn sơ hở, thiếu sót để đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động.

Cơ quan chức năng kiểm tra tang vật thu được từ nơi ở của đối tượng Hồ Thế Anh (áo đen( lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu bán số lô đề trên mạng. Ảnh Hồng Ngọc
Cơ quan chức năng kiểm tra tang vật thu được từ nơi ở của đối tượng Hồ Thế Anh (áo đen) lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu bán số lô đề trên mạng. Ảnh tư liệu Hồng Ngọc

Hoạt động phối hợp giữa một số ngành, tổ chức xã hội, địa phương còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao; một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo phòng ngừa, xử lý. Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng nhưng tỷ lệ điều tra khám phá và việc truy vết, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt tại một số địa phương còn hạn chế...

Để tiếp tục tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mới đây, ngày 10/11/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Văn bản 8963-UBND-NC trong đó yêu cầu: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nội dung và hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, đặc biệt nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phát hiện, tiếp nhận vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng Internet, mạng xã hội...

Lực lượng công an lấy lời khai của đối tượng Nguyễn thị Thủy trú tại huyện yên thành về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu Bình Minh
Lực lượng công an lấy lời khai của đối tượng Nguyễn thị Thủy trú tại huyện Yên Thành về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu Bình Minh

UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng, tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật, đánh giá các lĩnh vực dễ phát sinh các hoạt động lừa đảo, phát hiện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực được phân công để tổng hợp báo cáo, kiến nghị xem xét, bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực dễ nảy sinh hoặc có sơ hở để tội phạm lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập ở nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử...

Chủ động phát hiện các vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kịp thời trao đổi, phối hợp với Công an tỉnh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân; lợi dụng lỗ hổng bảo mật của hệ thống quản trị để thu thập, khai thác thông tin cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lực lượng công an cảnh báo, khuyến cáo nhiều lần các thủ đoạn lừa đảo qua gọi điện thoại. Ảnh minh họa
Lực lượng công an cảnh báo, khuyến cáo nhiều lần các thủ đoạn lừa đảo qua gọi điện thoại. Ảnh minh họa

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, tập trung điều tra tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi người dân phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là khi sử dụng mạng xã hội, tránh vì hám lợi, cả tin mà sập bẫy của các đối tượng lừa đảo, khiến tiền mất, tật mang.

"Điều 174 (Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

tin mới

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

Bắt đối tượng mang 2.000 viên ma túy đi tiêu thụ

(Baonghean.vn) - Vừa bước xuống xe khách, chưa kịp tẩu tán 2.000 viên ma túy tổng hợp, Lô Thị Vân trú tại xã Giang Sơn (Đô Lương) đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Nghệ An), Công an huyện Quỳ Hợp đồng chủ trì, phối hợp với Công an huyện Đô Lương bắt giữ.

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

Có cầu mới vượt sông Hiếu, hơn 3 nghìn người dân Quỳ Châu thoát nỗi lo bị chia cắt cục bộ mùa mưa lũ

(Baonghean.vn) - Liên tục vài năm gần đây, xã Châu Thắng (Quỳ Châu) luôn chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt, khi nước sông Hiếu dâng cao còn bị chia cắt cục bộ, công tác cứu hộ, cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Cây cầu mới vừa được xây dựng hoàn thành đã giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Chấn chỉnh công tác quản lý thuế, không bỏ sót đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

(Baonghean.vn) - Cục Thuế tỉnh vừa có văn bản đôn đốc các phòng, Chi cục Thuế trực thuộc rà soát, báo cáo, quản lý thuế đối với các trường hợp sử dụng đất chưa có quyết định, hợp đồng thuê đất. Đây là vấn đề Báo Nghệ An đã phản ánh tại bài viết “Nghịch lý phía sau các cụm công nghiệp ở Quỳ Hợp”.

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì?

(Baonghean.vn) - Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông là gì? Luật Hình sự quy định như thế nào? Đó là vấn đề quan tâm của bà Trần Anh Nguyệt (Hưng Hoà, thành phố Vinh, Nghệ An).

Video: Khởi tố đối tượng giả danh Luật sư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Video: Khởi tố đối tượng giả danh luật sư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

(Baonghean.vn) - Không có công ăn việc làm ổn định, không bằng cấp nhưng Trần Thị Thủy vẫn thông tin tới các bị hại bản thân là luật sư, từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại thông qua hình thức “chạy án”. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An bắt giữ, khởi tố.

Khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức 'chạy án'

Khởi tố đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức 'chạy án'

(Baonghean.vn) - Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An vừa ra quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can đối với Trần Thị Thủy (SN 1980), trú tại phường 9, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh; tạm trú tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.