Nhận diện thủ đoạn mua bán trẻ em ở khu vực miền núi
Các đối tượng phạm tội thường vẽ ra viễn cảnh giàu sang nơi xứ người để dụ dỗ, lôi kéo trẻ em, nhất là trẻ em gái ở vùng khó khăn, vùng sâu đi nước ngoài làm việc nhưng thực chất là lừa bán hoặc bóc lột sức lao động.
Phá nhiều đường dây, giải cứu nạn nhân
Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã triệt xóa nhiều đường dây, bắt nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán trẻ em ở khu vực miền núi.
Điển hình, Công an huyện Tương Dương vừa phá thành công chuyên án, bắt đối tượng Cụt Thị Mùi (SN 1991), trú tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương về hành vi mua bán trẻ em, giải cứu thành công 3 nạn nhân.
Theo kết quả điều tra, Mùi từng sinh sống tại huyện Tương Dương nên thường xuyên quay về quê cũ dụ dỗ, lôi kéo các cháu gái đi nước ngoài làm việc nhưng thực chất là lừa bán. Sau một thời gian theo dõi, ngày 8/7/2024, Công an huyện Tương Dương đã bắt Cụt Thị Mùi và giải cứu nạn nhân C.T.K. (SN 2002), trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương.
Lực lượng chức năng làm rõ: Năm 2014, trong lúc K. đang ở nhà Vi Thị X. (mẹ của Cụt Thị Mùi) tại xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, thì được Mùi (khi đó đang ở nước ngoài) liên lạc qua điện thoại và hứa hẹn đưa K. sang để chăm con cho Mùi; đồng thời, Mùi sẽ tìm việc làm cho K.
Tuy nhiên, thực tế Mùi đã bán K. cho 1 người đàn ông ở xứ người làm vợ với giá 180 triệu đồng. Mở rộng vụ án, lực lượng công an giải cứu 2 nạn nhân nữa là em X.T.C. trú tại xã Yên Hòa và em L.T.M. trú tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương.
Trước đó, Công an huyện Tương Dương cũng đã bắt 3 đối tượng về hành vi “Mua bán người dưới 16 tuổi”, giải cứu thành công 3 nạn nhân trước khi bị bán sang nước ngoài. Qua hoạt động nghiệp vụ, Công an xã Lượng Minh phát hiện trên địa bàn xã này có một số đối tượng có biểu hiện móc nối, cấu kết với người ngoài địa bàn lôi kéo, dụ dỗ các cháu gái sang nước ngoài làm việc để lừa bán nên đã xác lập chuyên án đấu tranh.
Cuối tháng 4/2024, Ban chuyên án cử 1 tổ công tác có mặt tại tỉnh Cao Bằng cùng phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng giải cứu 3 cháu gái là L.T.H. (SN 2012), C.T.T. (SN 2012) và L.T. N.(SN 2007), đều trú tại bản Chằm Puông, xã Lượng Minh.
Qua lời khai của các nạn nhân, ngày 8/5/2024, Công an huyện Tương Dương đã tiến hành bắt giữ đối tượng Xeo Thị Thành (SN 1994), trú cùng xã với các nạn nhân. Đấu tranh mở rộng, ngày 9/5/2024, lực lượng Công an tiếp tục bắt giữ 2 đối tượng gồm: Lương Thị Biên và Xeo Văn Hiên, đều trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã móc nối với 1 đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài bán các cháu gái để hưởng lợi số tiền là 165 triệu đồng.
Theo lực lượng chức năng, phần lớn nạn nhân của tội phạm mua bán người là con em trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế, nhu cầu việc làm cao. Lợi dụng điều này, đối tượng người địa phương đã móc nối với một số đối tượng ngoài địa bàn, sử dụng chiêu bài dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao, lấy chồng nước ngoài… để lừa phỉnh, lôi kéo các nạn nhân, trong đó có cả người thân quen để lừa bán.
Điển hình như tối 1/7/2023, lực lượng chức năng đã bắt quả tang Ven Thị Hoài (SN 2003), trú tại bản Khe Nạp, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn đang dẫn theo 2 cháu gái V. T. Kh. (SN 2009), M. T. Nh. (SN 2008) trú cùng bản, đi trên xe khách ra các tỉnh phía Bắc, để chuẩn bị sang Trung Quốc. Điều đau lòng là cháu Kh. chính là em gái ruột của Hoài.
Hoài nói dối bố mẹ đưa em gái ruột và hàng xóm cùng bản đi làm việc ở Bắc Giang nhưng thực chất trước đó Hoài đã cấu kết với bạn là Cụt Thị Ngọc, trú tại Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong (có mẹ ruột đang ở Trung Quốc) để bán 2 em lấy 60 triệu đồng tiền công và 8 vạn Nhân dân tệ (tương đương với 240 triệu đồng).
Phát biểu trong chương trình đối thoại trực tiếp về công tác phòng, chống mua bán người, Thượng tá Trần Văn Hùng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: “Hiện nay, tội phạm mua bán người đã có sự chuyển hướng từ trực tiếp sang sử dụng mạng xã hội và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động phạm tội”.
Một số đối tượng phạm tội đã tô vẽ hoặc tạo ra những thông tin ảo trên mạng xã hội về cuộc sống khá giả, giàu sang để dễ dàng tiếp cận, làm quen, khiến trẻ tin tưởng, ngưỡng mộ... sau đó lừa phỉnh, dụ dỗ nhằm thực hiện các hành vi chăn dắt, mua bán, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động của trẻ vị thành niên.
Đối tượng chúng nhắm tới thường là trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, đang ở lứa tuổi vị thành niên, có những biến đổi về tâm, sinh lý, thích làm đẹp, muốn có việc làm, kiếm tiền để phục vụ nhu cầu cá nhân nhưng hạn chế về nhận thức pháp luật, các thông tin xã hội. Một số trường hợp chính các em là người đã giấu gia đình, đồng ý đi theo lời mời “việc nhẹ lương cao” của các đối tượng xấu.
Điển hình chiều 8/3/2024, chị Vi Thị Th. trú bản Đồng Mới, xã Đồng Văn (Quế Phong) nhận được tin cháu gái ruột đang học lớp 8 cùng một bạn gái khác bỏ nhà đi tới tỉnh Bắc Ninh để làm tại quán ăn với “mức lương cao”. Nghi ngờ 2 cháu bị kẻ xấu dụ dỗ, chị Th. nhờ người quen gọi điện cho các nhà xe chạy tuyến Quế Phong (Nghệ An) đi Bắc Ninh để tìm kiếm. May mắn 1 nhà xe thông báo có 2 cháu nhỏ là học sinh đi trên xe nhưng không có người lớn đi kèm. Trước đó, 2 cháu này được 1 người đàn ông gọi điện thoại đặt 2 vé xe đi Quế Võ (Bắc Ninh).
Sau khi xác nhận, người quen chị Th. đề nghị nhà xe giữ các cháu lại để người nhà ra đón. Chiều 9/3, người nhà đã đến đón 2 bé gái về nhà an toàn.
Tính từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 5/2024, đã có hơn 20 vụ mua, bán người được lực lượng Công an phát hiện, điều tra với hơn 30 đối tượng; qua đó, nhiều nạn nhân được giải cứu, đưa trở về địa phương.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Khu vực miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị, trong đó, có 5 huyện vùng cao là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đời sống kinh tế và nhận thức của người dân ở khu vực này còn thấp, nhu cầu việc làm cao, trong khi sinh kế tại chỗ khó khăn khiến phụ nữ và trẻ em gái dễ trở thành đối tượng của tội phạm mua, bán người.
Do vậy, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người với nhiều hình thức phù hợp với điều kiện địa bàn, nhận thức của từng đối tượng, nhất là tại các địa phương trọng điểm.
Các lực lượng chức năng cũng thường xuyên phối hợp với các tổ chức quốc tế, phi chính phủ trong công tác giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán người tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người. Bên cạnh đó, phối hợp với các tỉnh giáp biên của nước bạn Lào ký kết các biên bản ghi nhớ về hợp tác phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới, trong đó có tội phạm mua bán người.
Tuy nhiên, do tội phạm mua bán người nói chung, mua bán trẻ em nói riêng thường hình thành các đường dây, tổ chức chặt chẽ, nằm rải rác ở các tỉnh trong cả nước, thậm chí ở nước ngoài với thủ đoạn hoạt động của tội phạm rất tinh vi, xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng gây khó khăn cho việc tổ chức bắt giữ, xử lý.
Bên cạnh đó, theo Thượng tá Phan Văn Hưng - Phó trưởng Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Nghệ An): Tại một số địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, còn cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người là của lực lượng chức năng.
Do vậy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban, ngành liên quan tăng cường các hoạt động truyền thông; ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, quan tâm công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, nhất là nạn nhân ở độ tuổi vị thành niên.
Các lực lượng chức năng (nòng cốt là Công an, Biên phòng) tăng cường công tác nắm tình hình, bám sát địa bàn, rà soát các đường dây, ổ nhóm, cá nhân có biểu hiện liên quan đến hành vi mua bán người, trẻ em để quản lý chặt chẽ; chủ động phát hiện các hành vi hoạt động mua bán người để xác lập chuyên án đấu tranh.
Bên cạnh đó, thường xuyên nắm thông tin, tình hình tại các địa bàn mà tội phạm mua bán người thường sử dụng làm nơi trung chuyển đưa phụ nữ, trẻ em gái đi bán, nhất là các tuyến xe khách từ Nghệ An đi các tỉnh biên giới phía Bắc (đặc biệt là Móng Cái - Quảng Ninh, Tân Thanh - Lạng Sơn...) để phát hiện, bắt giữ các vụ việc mua bán người.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với tội phạm mua bán người nói chung, mua bán trẻ em nói riêng của lực lượng chức năng, công tác phòng ngừa từ sớm, từ xa cũng cần được các địa phương nhất là địa bàn trọng điểm quan tâm, xác định là giải pháp then chốt để ngăn chặn tình trạng trên.