Tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An
(Baonghean.vn) - Sáng 1/11, Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An cùng hơn 100 học viên là cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông các huyện, thành, thị.
Nghệ An là vùng đất cổ, hệ thống di tích cho thấy sự tiếp nối liên tục của con người từ thời đại đồ đá cũ cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 6 dân tộc anh em là Kinh, Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, cùng chung sống, cùng nhau xây dựng cho mình một kho tàng di sản vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, giàu bản sắc.
Về di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn tỉnh có 2.602 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 480 di tích được xếp hạng các cấp (cấp Quốc gia đặc biệt: 6 di tích; cấp Quốc gia: 144 di tích; cấp tỉnh: 330 di tích).
Trong những năm qua, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn tỉnh luôn được các tổ chức cá nhân quan tâm. Vì vậy, đã có nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước, nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa (như đền Thanh Liệt, đền Đức Hoàng, đền Tráng Liệt, đền thờ Trần Hưng Đạo…).
Bên cạnh di sản văn hóa vật thể, Nghệ An cũng có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 463 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê.
Hội nghị tập huấn về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023 nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh; Cung cấp cho các học viên một số chủ trương, chính sách mới, một số thay đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đặc biệt, hội nghị tập huấn giúp học viên nhận diện rõ hơn các di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đó, các học viên sẽ có thêm kiến thức để phục vụ công tác bảo tồn, phát huy di sản tại địa phương.
Trong thời gian 2 ngày (1 và 2/11/2023), các học viên được phổ biến chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa; phương pháp nhận diện và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa; kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng và tổ chức học tập kinh nghiệm tại một số điểm di tích trên địa bàn.