Nhân lên nét đẹp Ngày hội Đại đoàn kết
(Baonghean.vn) - “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khởi xướng năm 2003. Sau 20 năm triển khai, đã trở thành hoạt động nề nếp, rộng khắp ở các khu dân cư trong toàn tỉnh.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam hàng năm. Ngày hội năm nay được các địa phương triển khai với nhiều hoạt động sôi nổi, sáng tạo, tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy sự phát triển.
PHÁT HUY, LAN TỎA
NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC
Bước vào tháng 11/2023, cán bộ ở xóm 22, xã Nghi Phú, thành phố Vinh tất bật hơn với công việc chuẩn bị cho “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư. Đồng chí Nguyễn Thị Mơ - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm 22 cho biết: Tinh thần chuẩn bị ngày hội đã thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó; từ việc sáng tác bài hát “Vui ngày mở hội” là sự kết tinh trí tuệ của cán bộ và người dân cùng tham gia; đến tiết mục nhảy - múa dân vũ “Bài ca kết đoàn” do các bà, các mẹ, các chị em không phân biệt lứa tuổi, công việc tham gia tập luyện; rồi cả huy động cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ngày hội được các tầng lớp nhân dân chung tay ủng hộ. Năm nay, ở 6/6 tổ dân cư cũng sẽ tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” cùng nhiều hoạt động, tạo cơ hội để mọi người dân trong xóm xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn, góp phần củng cố tình làng, nghĩa xóm “tối lửa, tắt đèn” có nhau.
Ở bản Nam Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Ngày hội Đại đoàn kết năm nay được huyện chọn làm điểm nên được tổ chức ngay đầu tháng 11. Đồng chí Quang Thị Vân - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản chia sẻ: Thời gian qua, cán bộ và Nhân dân ở bản Nam Sơn đã đoàn kết bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chung tay xây dựng nông thôn mới… Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Nhân dân đã hiến đất, cây, tài sản và góp ngày công, tiền mở rộng 4 tuyến giao thông nội bản; hỗ trợ xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của xã, xây dựng các tuyến đường sạt lở trên địa bàn xã; góp tiền, góp công làm nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ các trường hợp khó khăn, đau ốm hoặc tai nạn rủi ro, gia đình có người thân qua đời.
Hiện tại bản Nam Sơn có tổng 182 hộ, với 823 nhân khẩu; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đang còn 23 hộ và cận nghèo là 61 hộ. Bởi vậy, tại ngày hội, bản tiếp tục phát động nhân dân đoàn kết thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân; gắn với xây dựng khu dân cư phát triển.
Toàn xã Môn Sơn (Con Cuông) có 14 bản, hiện các bản đang tập trung huy động nhân dân tổng dọn vệ sinh môi trường, treo cờ, khẩu hiệu; sôi nổi tập luyện văn nghệ chuẩn bị Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. “Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm đã tạo cơ hội, điều kiện cho đồng bào các dân tộc Thái, tộc người Đan Lai, Kinh hội tụ, gắn kết lại với nhau qua các hoạt động bóng đá, bóng chuyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh cồng chiêng, nhảy sạp, múa lăm vông, uống rượu cần... Chính các hoạt động này góp phần gìn giữ, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hoá các đồng bào dân tộc; nâng cao hưởng thụ tinh thần cho người dân” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Môn Sơn, Lương Minh Đức chia sẻ.
Ngày hội cũng góp phần cổ vũ, động viên đồng bào tiếp tục vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no của gia đình mình, làm đẹp bản làng, quê hương mình.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khởi xướng năm 2003. Sau 20 năm triển khai, đã trở thành hoạt động nề nếp, rộng khắp ở các khu dân cư trong toàn tỉnh. Đây là hoạt động mang ý nghĩa xã hội thiết thực; diễn đàn tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân; xây dựng, vun đắp mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; đưa cán bộ về gần với Nhân dân, gắn bó với Nhân dân, hiểu Nhân dân hơn.
Đây cũng là diễn đàn để chuyển tải tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy sức mạnh, sự đồng lòng, chung sức của mỗi khu dân cư, mỗi gia đình trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Điển hình là các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Ngày Vì người nghèo”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”…
Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 75,18%); 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
NÂNG TẦM NGÀY HỘI
Ngày hội Đại đoàn kết năm nay được các địa phương triển khai gắn với kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023) và tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; đặc biệt gắn phát động thi đua chào mừng Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Bởi vậy, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đều trăn trở xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội với mong muốn tạo điểm nhấn, lan tỏa mạnh mẽ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Nét mới trong tổ chức ngày hội năm nay ở thị xã Hoàng Mai, theo Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị xã - Hồ Thị Hằng, chính là ở 10/10 phường, xã sẽ đều xây dựng “Gian hàng 0 đồng” (gồm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, cá, tép khô, đường, mì chính…) để trao hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở khu dân cư. Đồng thời, khuyến khích các địa phương trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP của địa phương nhằm quảng bá, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là những người con xa quê trở về tham gia ngày hội.
Ở huyện Đô Lương, ngoài tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các khu dân cư trong toàn huyện, theo chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Vương Thị Quý: Với tinh thần, “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong ngày hội lớn của cả dân tộc, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện sẽ tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” dành cho các cháu đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội Nghệ An, các đối tượng đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ tỉnh và bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.
Cùng với đó, huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm, con em xa quê cùng với trích nguồn Quỹ "Vì người nghèo" tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng; tổ chức trao tiền hỗ trợ, khởi công xây dựng, bàn giao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, gia đình khó khăn về nhà ở…
Huyện Quỳnh Lưu tổ chức ngày hội gắn phát động và đăng ký thi đua với các công trình, phần việc cụ thể ở từng khu dân cư, từng cơ sở xã, thị trấn. Bao gồm, xây dựng nhà ở, hỗ trợ mô hình sinh kế cho người nghèo và các công trình dân sinh, như xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, đường cờ Đại đoàn kết; tuyến đường cây xanh, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…
Ở quy mô cấp tỉnh, lần đầu tiên Nghệ An tổ chức Chương trình Ngày hội kết đoàn, dự kiến trong 3 ngày từ 10 - 12/11/2023 tại thành phố Vinh với nhiều hoạt động đặc sắc. Cụ thể, gồm chương trình quảng diễn văn hóa, nghệ thuật lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc Nghệ An”; chương trình “Đêm hội kết đoàn”; tổ chức trưng bày chuyên đề ảnh “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Nghệ An”; gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tiêu biểu vùng, miền các địa phương.
Đây là hoạt động sẽ tạo điểm nhấn, góp phần phát huy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, cổ vũ sự vươn lên mạnh mẽ của các tầng lớp Nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.