Nhân rộng mô hình 'Dân vận khéo' có tầm ảnh hưởng lớn

Mai Hoa 20/01/2024 10:44

(Baonghean.vn) - Để tiếp tục nâng cao hiệu quả, tác động tích cực của phong trào "Dân vận khéo", đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ đặt ra yêu cầu các cấp, các ngành cần nghiên cứu xây dựng, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” có quy mô, tính đột phá và tầm ảnh hưởng lớn.

Đa dạng các mô hình

Thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, tổ chức các phong trào thi đua; các cấp, các ngành trong tỉnh đều nhận thức sâu sắc hơn vai trò công tác dân vận nói chung và “Dân vận khéo” nói riêng để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm thúc đẩy phát triển của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nhận thức song hành với hành động, trên cơ sở bám sát thực tiễn và nhiệm vụ chính trị, ở từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã linh hoạt, sáng tạo tổ chức nhiều mô hình “Dân vận khéo” thiết thực, hiệu quả.

bna-lanh-dao-huyen-nam-dan-trao-doi-voi-nguoi-dan-xa-thanh-giang-ve-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-anh-mai-hoa-5496.jpg
Lãnh đạo huyện Nam Đàn trao đổi với người dân xã Nam Giang. Ảnh: Mai Hoa

Như ở huyện Nam Đàn, phong trào thi đua "Dân vận khéo" được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.

Trọng tâm là hiến đất mở đường, đóng góp tiền và ngày công hoàn thiện đồng bộ kết hạ tầng từ giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, thiết chế văn hoá; xây dựng cảnh quan nông thôn quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh “sáng, xanh, sạch, đẹp”; nâng cao chất lượng hưởng thụ văn hoá, tinh thần của người dân.

bna-mh1-3332.jpg
Nâng cấp đường giao thông nông thôn tại xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa

Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình kinh tế mới, nhất là các mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, phát triển các sản phẩm OCOP với tổng 69 sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn 3, 4 sao, trở thành địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất tỉnh.

Đối với huyện Diễn Châu, phong trào “Dân vận khéo” được cả hệ thống chính trị triển khai sát tình hình cụ thể và nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị và mô hình “Dân vận khéo” được gắn từng địa chỉ cụ thể.

Chẳng hạn, UBND huyện Diễn Châu chỉ đạo 3 mô hình, như tại Diễn Tháp là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực hiện tốt đạo đức công vụ, có năng lực, ý thức trách nhiệm vụ Nhân dân; tại xã Diễn Cát làm tốt công tác tiếp công dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những bức xúc, kiến nghị chính đáng của công dân, gắn với tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 7A; tại xã Diễn Hoàng, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

bna-mh6-8689.jpg
Mô hình nuôi tôm sú bằng bể xi măng tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Mai Hoa

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Diễn Châu triển khai 3 mô hình “Dân vận khéo”, gồm mô hình “Chắp cánh ước mơ cho em” đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện; mô hình “Đoàn kết yêu thương giữa lương và giáo” tại xóm Bắc Hồng, xã Diễn Hồng; mô hình chung tay xây dựng đường nông thôn mới tại xóm 12 và 13, xã Diễn Đoài. Ở mỗi tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, mỗi cơ sở xã, thị trấn cũng đều lựa chọn mô hình cụ thể, thiết thực để chỉ đạo tổ chức hiệu quả.

Tổng hợp từ Ban Dân vận Huyện uỷ Diễn Châu, trong năm 2023, ngoài duy trì các mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả, toàn huyện tiếp tục xây dựng 166 mô hình mới.

Đồng chí Ngô Sỹ Thành - Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Diễn Châu cho biết: Thông qua duy trì và chỉ đạo các mô hình “Dân vận khéo” sát tình hình thực tiễn, bên cạnh góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương, còn góp phần giải quyết một số vấn đề khó khăn, bức xúc trong đời sống xã hội, như giải phóng mặt bằng, đơn thư, cải cách hành chính, đạo đức công vụ; đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị.

Ở Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh, năm 2023, trong điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phong trào “Dân vận khéo” được gắn với phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh”, xây dựng “Văn hoá doanh nghiệp”; vận động doanh nghiệp tích cực tham gia công tác an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng; trong đó riêng chương trình hỗ trợ người nghèo làm nhà, đã hỗ trợ, bàn giao đưa vào sử dụng 89 căn nhà.

Đó còn là tuyên truyền, vận động thành lập các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp. Trong năm, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đã vận động thành lập mới 4 tổ chức Đảng, 4 chi đoàn cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân và toàn Đảng bộ kết nạp 173 đảng viên mới.

bna-mh5-2578.jpg
Dây chuyền sản xuất nước i-on kiềm của Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Năm 2023, các cấp trong tỉnh đã xây dựng mới 3.340 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Xây dựng các mô hình có tính lan tỏa, tác động xã hội sâu sắc

Không thể phủ nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nhiều điểm sáng, cách làm hay, hiệu quả. Tuy nhiên, phong trào này vẫn đang đặt ra nhiều trăn trở, băn khoăn.

Theo chia sẻ của đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Trong thực tiễn đã có nhiều mô hình hay, cách làm “đi tắt, đón đầu”, chủ động nắm bắt, thực hiện có hiệu quả, thiết thực. Tuy nhiên, các mô hình, cách làm hay đó đang còn riêng lẻ, độc lập và “manh mún” của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị.

bna-mai-hoa-8121.jpg
Giải phóng mặt bằng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình, dự án là nhiệm vụ cần quan tâm "Dân vận khéo". Ảnh nâng cấp đường Chu Trạc (thành phố Vinh). Ảnh: Mai Hoa

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Trên địa bàn tỉnh đang có nhiều vấn đề chung liên quan về vệ sinh môi trường ở cả nông thôn, thành thị; giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công, có cả công trình xây dựng nông thôn mới; bảo đảm hành lang an toàn lưới điện, vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa chống thất thoát điện năng, nâng cao chất lượng điện sinh hoạt cho người dân; phát huy các bản sắc văn hoá dân tộc, bài trừ các hủ tục, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số… Đây là các vấn đề mà cấp uỷ và cả hệ thống chính trị cần trăn trở, tư duy để xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” để chỉ đạo mang tính hệ thống, phối hợp với các cấp, các ngành, đầu tư nguồn lực để tập trung đạo. Thông qua chỉ đạo mô hình “Dân vận khéo” để thấy khó khăn, vướng mắc ở đâu, từ đó đề ra giải pháp, biện pháp tháo gỡ, giải quyết.

Thượng tá Đinh Trọng Dung – Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh cho rằng: Cần quan tâm xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật về giao thông; phòng chống cháy, nổ; đuối nước; phòng chống bạo lực học đường; nâng cao nhận thức, hiểu biết về các giá trị cốt lõi của văn hoá truyền thống của dân tộc cho thanh niên.

bna-mh4-6311.jpg
Công an huyện Nghĩa Đàn đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật trong trường học phổ thông. Ảnh: CSCC

Theo khẳng định của Thượng tá Đinh Trọng Dung, trong năm 2024, Công an tỉnh sẽ phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng mô hình “Giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an ninh, trật tự và kỹ năng sống trong các trường học” trên địa bàn tỉnh; đồng thời tổ chức “Học kỳ Công an” để trang bị các kiến thức về pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh.

Thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong phong trào “Dân vận khéo” là chưa xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” có quy mô, tính đột phá và tầm ảnh hưởng lớn; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu, Trưởng ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh giao trách nhiệm cho Thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” tỉnh nghiên cứu, tham mưu Ban chỉ đạo lựa chọn một số mô hình “Dân vận khéo” có tính tác động ảnh hưởng, lan toả lớn đến người dân và xã hội để dồn tâm sức, nguồn lực tập trung làm tốt hơn, tạo sự đột phá, nhất là trong các vấn đề được xác định khó khăn, đặt ra nhiều trăn trở hiện nay.

bna-dong-chi-hoang-nghia-hieu-pho-bi-thu-tinh-uy-trao-doi-dong-vien-thuong-binh-dang-duoc-cham-socnuoi-duong-tai-anh-mai-hoa-1-2326.jpg
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh uỷ động viên thương binh đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh nặng Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Phó Bí thư Tỉnh uỷ cũng nêu quan điểm, tư tưởng chỉ đạo phong trào “Dân vận khéo” cần phải đảm bảo hài hoà hai chiều. Bên cạnh triển khai của hệ thống chính trị, thì cần lắng nghe phản hồi của nhân dân về các chủ trương, nhiệm vụ, phong trào “Dân vận khéo” mà các cấp uỷ, chính quyền triển khai, lấy người dân là trọng tâm, xuyên suốt của quá trình phục vụ; đồng thời quan tâm tiếp thu các sáng kiến từ cơ sở, nhất là trong triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giúp người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm để tham gia.

Phong trào “Dân vận khéo” phải lấy quyền lợi của người dân, chia sẻ và giải quyết những bức xúc, phản ánh của Nhân dân nhằm tập trung lực lượng toàn dân, tạo sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nhân rộng mô hình 'Dân vận khéo' có tầm ảnh hưởng lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO