Nhân tố văn hóa trong sự nghiệp hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh

Trần Quốc Khánh - Lâm Quốc Tuấn

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng, đồng thời là biểu tượng của lòng khoan dung, nhân ái, thực hành lối sống và nhân cách văn hóa.

Sự tích lũy nguồn lực văn hóa ở Hồ Chí Minh

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, thuở nhỏ đã hấp thụ các giá trị của nền văn hiến, truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc và tinh hoa văn hóa phương Đông, sau này học tập và trưởng thành tại Huế - kinh đô đất nước thời bấy giờ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đồng thời có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu tư tưởng văn hóa phương Tây.

Người nói: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”(1).

Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). Ảnh tư liệu
Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill) đưa Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). Ảnh tư liệu

Với ý chí và hoài bão lớn lao, mẫn cảm với cái mới, Hồ Chí Minh không đi theo con đường của các bậc tiền bối mà muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao để học hỏi cứu giúp đồng bào, giải phóng dân tộc. Hành trang tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh có nền tảng quan trọng là tri thức văn hóa Đông - Tây và lòng yêu nước nhiệt thành.

Ở châu Âu, trên hành trình bôn ba vừa kiếm sống vừa quan sát, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tham gia phong trào công nhân, đồng thời tìm hiểu kỹ hơn văn hóa Pháp và văn hóa phương Tây. Người đã đọc nhiều đầu báo, nghiên cứu nhiều tác phẩm của các nhà tư tưởng như Vônte, Môngtexkiơ, Ruxô; nghiên cứu kinh tế học của Ricacđô, Ađam Xmit..., vừa học tập vừa viết báo, viết kịch, vừa tiếp xúc làm quen với nhiều trí thức, chính khách, nghệ sỹ tên tuổi để làm phong phú thêm trí tuệ của mình.

Chính quá trình tích lũy các nguồn lực văn hóa, trí tuệ đã đưa Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, đưa sự nghiệp hoạt động chính trị của Người mang giá trị phổ quát toàn nhân loại. Vì thế, năm 1924, họa sĩ Thụy Điển Êrích Giôhanxơn đã viết: “Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”(2). Còn nhà báo Xô viết Ôxip Manđenxtam nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”(3).

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp. Ảnh tư liệu
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp. Ảnh tư liệu

Văn hóa và sự lựa chọn mục tiêu, lý tưởng

Từ hạt nhân văn hóa truyền thống, Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(4).         

Sau khi nghiên cứu Sơ thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa,tham gia phong trào giải phóng dân tộc và trở thành chiến sĩ quốc tế, với tri thức lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định con đường cứu nước duy nhất đúng đắn là con đường cách mạng vô sản. Có được thái độ dứt khoát ấy là nhờ từ vốn văn hóa truyền thống phong phú. Nó đóng vai trò như màng lọc tự nhiên, như cơ sở thẩm định tính đúng đắn các học thuyết cách mạng: “Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình”(5) và “Sau khi đã giải phóng nước Nga, còn muốn giải phóng tất cả các dân tộc khác nữa”(6).

Khách sạn Trung tâm Mátxcơva, nơi Nguyễn Ái Quốc ở trong thời gian dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (7/1924); Bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc, đăng báo Sự Thật, Liên Xô (27/1/1924). Ảnh tư liệu
Khách sạn Trung tâm Mátxcơva, nơi Nguyễn Ái Quốc ở trong thời gian dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V (7/1924); Bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” của Nguyễn Ái Quốc, đăng báo Sự Thật, Liên Xô (27/1/1924). Ảnh tư liệu

Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa cộng sản còn do sự tương đồng giữa lý tưởng cách mạng với tư tưởng chính trị - xã hội phương Đông. Theo Người, chính sự tương đồng trong tư tưởng “đại đồng” và truyền thống xã hội cộng đồng đã khiến chủ nghĩa Mác “thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”(7).

Có thể nói, văn hóa phương Đông chính là nền tảng để Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận và nắm bắt những tri thức mới của học thuyết Mác - Lênin. Tuy nhiên, điểm hội tụ cốt lõi giữa sự nghiệp hoạt động chính trị của Hồ Chí Minh với lý tưởng cộng sản là xuất phát từ mục đích giải phóng con người, là sự thống nhất giữa văn hóa - con người - phát triển. Chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, còn Hồ Chí Minh chủ trương “xây dựng một triết lý nhân văn hành động giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người”(8).

Trên cơ sở tiếp thu sáng tạo nhận thức duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã suy nghĩ về “Ý nghĩa của văn hóa: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng”(9). Hồ Chí Minh đã thấy văn hóa là cơ chế tổng hợp để hình thành và phát triển con người - xã hội, sự lựa chọn lý tưởng, mục tiêu chính trị của Người là kết quả của quá trình tích lũy văn hóa từ tri thức, kinh nghiệm kết hợp với truyền thống dân tộc và các giá trị tinh thần nhân đạo phổ quát để ứng xử trước tình thế cách mạng dân tộc và thời đại.

Văn hóa với vấn đề tập hợp lực lượng và phát huy các nguồn lực phục vụ sự nghiệp cách mạng

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, vì vậy, vấn đề tổ chức lực lượng là vấn đề cốt lõi của mọi cuộc cách mạng. Nhận thức rõ điều đó, ngay từ năm 1923, khi còn ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta phải làm gì? ... Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”(10).

Hồ Chí Minh cho rằng, thức tỉnh quần chúng là nhiệm vụ cách mạng có tính tiên quyết. Người đã hoạt động không mệt mỏi trong lĩnh vực tuyên truyền cách mạng ngay từ những ngày đầu bước vào con đường cứu dân, cứu nước. Trong đó, văn hóa, văn nghệ là công cụ được Hồ Chí Minh sử dụng một cách thường xuyên. Người kêu gọi “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”, phải “xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc’’(11).

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân (3/11/1946). Ảnh tư liệu
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra mắt quốc dân (3/11/1946). Ảnh tư liệu

Người cho rằng mỗi người, mỗi cán bộ đều phải có trình độ văn hóa chung, phải có những hiểu biết về lịch sử, về khoa học - kỹ thuật, về quản lý, chuyên môn để xây dựng đất nước.

Cùng với những yêu cầu về trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đạo đức trong xây dựng con người cách mạng, đó là những giá trị đạo đức truyền thống, được vận dụng phù hợp với hoàn cảnh mới, với những đòi hỏi của cách mạng đối với người cán bộ, đảng viên. Đề cao nhân tố văn hóa đạo đức trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên làm cách mạng, Hồ Chí Minh đã nhắc nhở những người cộng sản Việt Nam: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là thống nhất độc lập, là hòa bình ấm no”(12).

Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ về chức năng và vai trò của người trí thức chân chính gắn bó mật thiết với nhân dân, hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng đồng bào. Là một nhà hoạt động chính trị thực tiễn mang tầm vóc văn hóa lớn lao, Hồ Chí Minh luôn thấy được sự bức thiết của việc tìm kiếm và sử dụng nhân tài. Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh đã có hai bài viết nổi tiếng: “Nhân tài và kiến quốc” (14-11-1945) và “Tìm người tài đức” (20-11-1946) có thể xem như Chiếu cầu hiền của thời đại mới. Trong đó, Người xác định: “Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”(13).

Bác Hồ trò chuyện với các trí thức. Ảnh tư liệu
Bác Hồ trò chuyện với các trí thức. Ảnh tư liệu

Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân, hướng tới lợi ích chung của dân tộc, Hồ Chí Minh đã phát hiện, thu hút, cảm hóa, đào tạo được nhiều nhân tài, đưa họ vào hàng ngũ cách mạng, phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Tiêu biểu như các nhân sĩ trí thức Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Văn Tố; các nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di...

Cách dùng người của Hồ Chí Minh xuất phát từ một quan niệm hiện đại và nhân văn về con người, tập hợp một cách rộng rãi hiền tài, không giới hạn “người trong Đảng” hay “người ngoài Đảng”. Đó là trí tuệ, bản lĩnh của một vị lãnh tụ chiến lược, là tinh thần khoan dung, nhân ái của một nhà văn hóa lớn, tất cả đều hướng tới lợi ích tối cao của nhân dân và dân tộc. Nhà trí thức yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã nói: “Chí thành năng động, tấm lòng thành của cụ Hồ làm đá cũng phải chuyển, huống là tôi”(14).

Hồ Chí Minh thực sự đã quan tâm và tin tưởng trí thức không chỉ bằng lời nói mà bằng việc làm, qua đó tạo niềm tin cho người trí thức vào sự nghiệp cách mạng của đất nước cũng như vào sự nghiệp và tương lai của chính họ.

Nhân cách văn hóa chính trị Hồ Chí Minh

Nhân cách nhà chính trị Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài năng chính trị với đạo đức, phong cách và năng lực sáng tạo văn hóa, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Người là nhà chính trị, nhà hoạt động cách mạng, đồng thời là biểu tượng của lòng khoan dung, nhân ái, của việc thực hành lối sống và nhân cách văn hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt mùa (1954). Ảnh tư liệu

Mục tiêu, lý tưởng chính trị Hồ Chí Minh là hết sức cao quý: giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đồng thời, có sự thống nhất cao độ về tính nhân văn giữa lý tưởng, mục đích chính trị và các phương pháp, phương tiện đạt đến mục đích đó. Xuất phát từ tình thương yêu con người, từ lòng yêu Tổ quốc và nhân dân, dân tộc và nhân loại, Hồ Chí Minh đã tự nguyện dấn thân vào cuộc đấu tranh gian khổ và nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh tính mạng. Cả cuộc đời Người đã sống hết mình vì tôn chỉ, mục đích đó với tất cả nghị lực phi thường được sinh ra từ tâm hồn, trí tuệ, niềm tin không gì lay chuyển đối với chân lý, cùng với sự mẫn cảm đối với cuộc sống của nhân dân và tương lai của dân tộc.

Là một chiến sỹ cách mạng, Hồ Chí Minh nêu tấm gương về sự khoan dung và yêu chuộng hòa bình. Phương pháp Hồ Chí Minh là phương pháp cảm hóa, thuyết phục, thu phục con người ở mọi đối tượng, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân.

Ở nhân cách Hồ Chí Minh toát lên sự thanh cao, giản dị, không bị ham muốn vật chất làm vẩn đục tâm hồn, không để chiến tranh ảnh hưởng đến tinh thần nhân văn, lạc quan. Đó là cốt cách của một lãnh tụ chính trị thời đại mới nhưng lại mang dáng dấp của một nhà hiền triết phương Đông. Nhân cách đó có sức tỏa sáng và quy tụ triệu triệu con người, ngay đến kẻ thù cũng phải nể trọng và ngợi ca.

Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân cách văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, con người, cuộc đời, sự nghiệp hoạt động chính trị Hồ Chí Minh là một chỉnh thể kết tinh những gì ưu tú, tốt đẹp nhất của trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm của con người và bản sắc văn hóa Việt Nam. Tấm gương và tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ định hướng cho hành động và tiếp thêm sức mạnh tinh thần, là sự cổ vũ lớn lao cho dân tộc và nhân dân ta vượt khó vươn lên giành những thắng lợi trong thế kỷ XXI.

________________

(1), (3), (7), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.477, 478, 35, 192.
(2)Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.202.
(4), (5), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.10, 1996, tr.128, 126, 5.
(6) Sđd, t.2, tr.208.
(8) Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.29.
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.3, tr.431.
(11) Sđd, t.6, tr.173.
(13) Sđd, t.4, tr.451.
(14) GS Đinh Xuân Lâm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với trí thức”, Nhân dân cuối tuần, số 1-4-2000.

tin mới

Huyện Nghĩa Đàn tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An

Huyện Nghĩa Đàn tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An

(Baonghean.vn) - Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn ban hành Kế hoạch Tổ chức Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những đảng viên trẻ tiêu biểu và cán bộ Đoàn đạt giải Lý Tự Trọng cấp tỉnh năm 2024

Những 'hạt giống đỏ' vững bước tiên phong của tuổi trẻ Nghệ An

(Baonghean.vn) - Năm 2024, tuổi trẻ Nghệ An có 15 cá nhân được tuyên dương Đảng viên trẻ xuất sắc và 14 cán bộ đoàn được trao giải Lý Tự Trọng cấp tỉnh. Nổi bật,có những cá nhân đạt cả 2 tiêu chí, họ là những “hạt giống đỏ” tiên phong trên những địa bàn, lĩnh vực khó khăn, đặc thù.

Quỳ Châu bầu bổ sung Chủ tịch UBND huyện

Quỳ Châu bầu bổ sung Chủ tịch UBND huyện

(Baonghean.vn) - HĐND huyện Quỳ Châu đã tiến hành bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND huyện, kết quả 100% đại biểu HĐND huyện bầu ông Bùi Văn Hưng- Phó Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác khuyến học, khuyến tài

Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác khuyến học, khuyến tài

(Baonghean.vn) - Ngày 20/12/2023, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An ban hành Chỉ thị số 26 về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023 - 2030. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Hội Báo toàn quốc là cơ hội để báo giới gặp gỡ để hiểu rõ hơn nhu cầu thông tin, thị hiếu độc giả

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Hội Báo toàn quốc là cơ hội để báo giới gặp gỡ để hiểu rõ hơn nhu cầu thông tin, thị hiếu độc giả

(Baonghean.vn) - Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2024, đồng chí Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đây là cơ hội để báo giới gặp gỡ để hiểu rõ hơn nhu cầu thông tin, thị hiếu độc giả, khán giả để có những sản phẩm báo chí bám sát thực tiễn đời sống,...

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV

Ngày 13/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì Phiên họp của Tiểu ban. Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự.

Công an Nghệ An phải là 'đơn vị gương mẫu, đi đầu, tiêu biểu' của lực lượng Công an nhân dân trong việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy

Công an Nghệ An phải là 'đơn vị gương mẫu, đi đầu, tiêu biểu' của lực lượng Công an nhân dân trong việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy

(Baonghean.vn) - Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị và mong muốn Công an Nghệ An phải thực sự “xứng đáng là đơn vị anh hùng trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”, là “đơn vị gương mẫu, đi đầu, tiêu biểu” của lực lượng Công an nhân dân trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy.

Luôn xứng danh là 'thanh bảo kiếm sắc bén', 'lá chắn thép' vững chắc (*)

Luôn xứng danh là 'thanh bảo kiếm sắc bén', 'lá chắn thép' vững chắc (*)

(Baonghean.vn) - Phát huy truyền thống của đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tin tưởng Công an tỉnh sẽ tiếp tục lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc hơn nữa, luôn xứng danh là “thanh bảo kiếm sắc bén”, “lá chắn thép” vững chắc bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân.