Chuyển đổi số

Nhật Bản thúc đẩy áp dụng AI và rô-bốt để giải quyết tình trạng thiếu lao động

Phan Văn Hoà 06/08/2024 6:00

Nhật Bản đang đứng trước một cuộc khủng hoảng nguồn lực lao động chưa từng có. Để đối phó với tình hình này, đất nước mặt trời mọc đã quyết định đặt cược vào công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và rô-bốt.

Nhật Bản, một quốc gia tiên phong trong công nghệ, đang đối mặt với một thách thức lớn là dân số già đi và tỷ lệ sinh giảm mạnh. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Đứng trước tình trạng đó, Nhật Bản đang gấp rút chuyển mình bằng cách ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tự động hóa và rô-bốt.

Ảnh minh họa1
Ảnh minh họa.

Vấn đề này không chỉ riêng Nhật Bản mà còn là tình trạng chung của nhiều quốc gia phát triển. Nhiều người hy vọng rằng, AI và rô-bốt có thể là chìa khóa để giải quyết bài toán lực lượng lao động ở Nhật Bản nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.

Hiện tại, những dịch vụ quen thuộc như xe đẩy thức ăn trên tàu cao tốc đến các dây chuyền sản xuất phức tạp, rô-bốt đang dần thay thế con người, mở ra một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất và kinh doanh của Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng lao động không chỉ tác động đến các doanh nghiệp mà còn buộc chính phủ và người dân phải điều chỉnh lại kế hoạch phát triển trong tương lai.

Ví dụ, Osaka Ohsho, một nhà sản xuất bánh bao chuyên nghiệp của Nhật Bản, đã triển khai một hệ thống camera hỗ trợ AI cao cấp tại một trong những nhà máy của họ vào tháng 1 năm 2023. Hệ thống này được thiết kế để phát hiện bất kỳ gói bánh bao bị lỗi nào trên dây chuyền sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả của nhà máy lên hai chiếc bánh bao mỗi giây, gấp đôi tốc độ của các cơ sở khác. Việc áp dụng AI đã giúp họ cắt giảm lực lượng lao động trên dây chuyền sản xuất gần 30%.

Các báo cáo ước tính, Nhật Bản đứng trước nguy cơ thiếu hụt tới 11 triệu lao động vào năm 2040. Với gần 30% dân số trên 65 tuổi vào năm 2042, tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng đang đặt ra thách thức lớn cho lực lượng lao động của đất nước này.

Mặc dù đã tận dụng các nguồn lực lao động từ lao động nữ cho đến người cao tuổi nhưng Nhật Bản vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Để đối phó với tình trạng này, Nhật Bản đang tích cực ứng dụng các công nghệ tiên tiến, đưa rô-bốt và trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực khác nhau, nhằm đảm bảo cho hoạt động của nền kinh tế không bị gián đoạn.

Ngành công nghiệp xây dựng

Ngành xây dựng Nhật Bản đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân lực chưa từng có. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc, số lượng công nhân xây dựng vẫn giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ.

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản, số lượng công nhân xây dựng đã giảm 30% kể từ mức cao nhất vào năm 1997 xuống còn 4,8 triệu người. Chỉ có 12% công nhân xây dựng dưới 29 tuổi, trong khi khoảng 36% trên 55 tuổi.

Tình trạng thiếu nguồn lực lao động không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ các dự án xây dựng lớn như Triển lãm Thế giới Osaka 2025 mà còn đe dọa đến sự phát triển kinh tế của cả nước. Ước tính cho thấy, do thiếu lao động, chi phí xây dựng Triển lãm Thế giới Osaka 2025 đã tăng gấp đôi lên hơn 1,6 tỷ USD, khi các nhà thầu phải trả lương cao hơn để thu hút người lao động.

Trước tình hình thiếu lao động ngày càng trầm trọng, ngành xây dựng đã phải đưa ra những thay đổi cấp thiết. Việc hạn chế giờ làm thêm cho công nhân và tài xế, một quy định mới vừa có hiệu lực, là một nỗ lực nhằm đảm bảo chất lượng công việc và sức khỏe của người lao động trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.

Chuỗi cung ứng

Trong nhiều thập kỷ, công ty bánh kẹo lớn của Nhật Bản là Lotte đã giao bánh quy sô-cô-la hình gấu Koala’s March nổi tiếng của mình bằng xe tải. Tuy nhiên, do thiếu hụt tài xế xe tải nghiêm trọng gây ra bởi các quy định về giờ làm thêm mới, Lotte sẽ chuyển sang giao món ăn nhẹ được yêu thích của trẻ em này bằng tàu hỏa.

Các công ty khác trên khắp Nhật Bản, bao gồm cả nhà sản xuất ô tô Toyota và công ty thương mại điện tử Rakuten, cũng đang chuẩn bị để giải quyết tình trạng thiếu tài xế bằng cách phát triển rô-bốt và xe tự lái.

Trong khi đó, hệ thống máy bán hàng tự động khổng lồ của Nhật Bản, với hơn 4 triệu máy đang đối mặt với một thách thức chưa từng có đó là thiếu hụt tài xế để cung cấp hàng hóa. Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những giải pháp sáng tạo để thích nghi.

Theo đó, công ty JR East Cross Station đã tiên phong trong việc sử dụng tàu hỏa để vận chuyển hàng hóa đến các máy bán hàng tự động, trong khi Toyota đang tận dụng công nghệ rô-bốt để tự động hóa quy trình sản xuất bằng cách đưa ra một đội rô-bốt hậu cần để đón và di chuyển xe đến khu vực bốc xếp. Toyota cũng hy vọng sẽ thay thế 22 công nhân tại bãi đậu xe bằng 10 rô-bốt trong thời gian tới.

Lĩnh vực nông nghiệp

Mùa Hè năm ngoái tại tỉnh Miyazaki, miền Nam Nhật Bản, một con vịt rô-bốt chạy bằng năng lượng mặt trời tên là Raicho 1, do công ty Tmsuk của Kyoto sản xuất đã được sử dụng trong các cánh đồng lúa để nhổ cỏ dại. Rô-bốt này là một phần trong hệ thống máy bay không người lái và rô-bốt được thiết kế để gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch lúa mà không cần sức lao động của con người.

Ngoài việc sử dụng AI để giải quyết tình trạng thiếu lao động, Nhật Bản cũng đang ứng dụng công nghệ rô-bốt vào việc xua đuổi động vật hoang dã phá hoại cây trồng. Để đối phó với tình trạng động vật hoang dã xâm nhập vào khu dân cư, các nhà khoa học và kỹ sư Nhật Bản đã phát triển một loại rô-bốt gắn súng nước áp suất cao có thể đi lang thang để xua đuổi lợn rừng và hươu, nai.

Thí nghiệm kết thúc với vụ thu hoạch lúa tháng 10 đã mang lại kết quả khả quan, tổng số giờ lao động của con người giảm từ 529 giờ xuống còn 29 giờ, giảm 95%, trong khi năng suất lúa chỉ giảm nhẹ, giảm khoảng 20%.

Nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ, người nông dân đã giảm thiểu đáng kể sức lao động và bảo vệ mùa màng khỏi những tác hại của động vật hoang dã. Kết quả của thí nghiệm này đã mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho nền nông nghiệp Nhật Bản.

Với dân số già đi và giảm sút, nông nghiệp Nhật Bản đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu nguồn lao động nghiêm trọng. Theo đó, trong năm 2022, đất nước này chỉ tự cung, tự cấp về lương thực khoảng 38% và hơn 10% diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang là minh chứng rõ ràng cho tình trạng này.

Với 43% nông dân Nhật Bản trên 75 tuổi và tuổi trung bình của nông dân gần 68 tuổi, Giám đốc điều hành của công ty công nghệ Tmsuk (Nhật Bản), ông Yoichi Takamoto khẳng định rằng, việc áp dụng rô-bốt vào nông nghiệp là giải pháp cấp thiết để bảo tồn các sản phẩm đặc trưng của địa phương và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ngành bán lẻ

Tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng đã buộc các nhà bán lẻ và cửa hàng tiện lợi Nhật Bản phải cắt giảm giờ hoạt động và dịch vụ. Năm 2020, các cửa hàng tiện lợi Nhật Bản thiếu tới 172.000 nhân viên, và hiệp hội ngành dự báo sẽ thiếu 101.000 nhân viên vào năm 2025.

Kết quả là, hiện chỉ có 87% cửa hàng bán lẻ mở cửa 24 giờ, so với 92% vào tháng 8 năm 2019. Việc tuyển dụng sinh viên nước ngoài, những người có thể làm việc bất chấp những hạn chế nhập cư chặt chẽ của Nhật Bản, là một lựa chọn. Tuy nhiên, một số người cần nhiều tuần đào tạo để đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.

Đứng trước tình trạng này, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã cảnh báo rằng, nếu không có những giải pháp căn bản và hiệu quả, Nhật Bản có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học chưa từng có, đe dọa đến sự tồn tại của mô hình xã hội hiện tại.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng lao động lớn nhất Nhật Bản, Recruit Holdings, ông Hisayuki Idekoba cho rằng, AI như một giải pháp tiềm năng cho bài toán thiếu lao động tại Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, sự nghi ngại của công chúng về AI đang kìm hãm quá trình ứng dụng công nghệ này. Mặc dù Nhật Bản cần đầu tư mạnh mẽ vào AI, nhưng việc thay đổi nhận thức xã hội sẽ là một thách thức không nhỏ.

Theo Pressxpress
Copy Link
Mới nhất
x
Nhật Bản thúc đẩy áp dụng AI và rô-bốt để giải quyết tình trạng thiếu lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO