Nhật Bản và ngành công nghiệp sáng tạo

(Baonghean) - Một trong những chính sách phát triển kinh tế của Nhật Bản là kích thích sự phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo. Các sản phẩm này đem lại lợi ích không chỉ cho việc quảng bá văn hóa mà còn thúc đẩy kinh tế Nhật Bản tăng trưởng mạnh. 

Ông Shinzo Abe hóa trang thành nhân vật Super Mario trong lễ bế mạc Olympic Rio 2016. Ảnh: Guardian.
Ông Shinzo Abe hóa trang thành nhân vật Super Mario trong lễ bế mạc Olympic Rio 2016. Ảnh: Guardian.

Trong buổi lễ bế mạc của Olympic Rio 2016 vừa qua, khán giả không lấy làm lạ với sự xuất hiện của đại diện đất nước mặt trời mọc với tư cách chủ nhà của Thế vận hội 2020. Tuy nhiên, điều đặc biệt diễn ra khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bất ngờ khoác lên mình bộ trang phục của nhân vật trò chơi điện tử huyền thoại Super Mario, vốn được coi là biểu tượng xuất khẩu văn hóa lớn nhất của Nhật Bản. Điều này khiến khán giả nhiều nơi trên thế giới cảm thấy thích thú và ngay lập tức những hình ảnh trên được chia sẻ rất nhiều trên các trang mạng xã hội, thu hút sự quan tâm đầy hào hứng của dư luận.

Ngoài sự hứng thú tạo ra cho khán giả trên khắp thế giới khi họ nhận ra hình ảnh quen thuộc của chú thợ sửa ống nước Super Mario, việc xuất hiện của ông Shinzo Abe còn đem lại điểm cộng cho hãng sản xuất trò chơi điện tử Nintendo, tác giả của nhượng quyền thương mại của tựa trò chơi Mario, Zelda hay đồng sở hữu của Pokémon GO. Thật vậy, cổ phiếu của Nintendo đã tăng tới 3 điểm phần trăm trên thị trường Tokyo khi Super Mario được sử dụng để quảng bá cho Olympic Tokyo 2020.

Ngoài ra, một đoạn phim ngắn được trình chiếu đồng thời trong lúc Thủ tướng Nhật Bản bước vào sân khấu cũng thể hiện hình ảnh của 2 nhân vật hoạt hình khác là Hello Kitty và PacMan, sản phẩm sáng tạo của 2 công ty là Sanrio và Bandai Namco. Chính Thủ tướng Abe cũng từng tuyên bố: “Tôi sử dụng sức mạnh của các nhân vật để thể hiện quyền lực mềm của nước mình”. Quyền lực mềm ở đây được hiểu là sự nhạy bén của người nước ngoài về văn hóa cũng như sản phẩm của nước bản địa hay ảnh hưởng địa chính trị.

Không phải ngẫu nhiên khi nước Nhật nổi tiếng với các sản phẩm văn hóa liên quan đến hoạt hình, trò chơi hay truyện tranh, mà tất cả đều nằm trong một chiến lược xuất khẩu văn hóa của đất nước này trong những năm gần đây - chính sách “Cool Japan”. Chính sách này nhằm chiếm thiện cảm của thế giới đối với Nhật Bản thậm chí nó còn có thể để giải quyết các vấn đề kinh tế suy thoái dựa trên một số sản phẩm ví dụ như món sushi hay hình ảnh hoạt hình.

Thúc đẩy quảng bá văn hóa

Chính sách “Cool Japan” xuất phát từ sự yếu thế dần của ngành công nghiệp điện tử và xe hơi của Nhật Bản trước sự cạnh tranh lớn đến từ các đối thủ châu Á. Trước bối cảnh đó, chính phủ Nhật chuyển sang thúc đẩy quyền lực mềm thông qua các sản phẩm văn hóa như hoạt hình, thời trang hay ẩm thực. Chính sách này khởi xướng từ năm 2013, được thượng viện Nhật Bản thông qua với ngân sách 500 triệu USD cho kế hoạch 20 năm.

Bộ Kinh tế thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phụ trách chính đối với chính sách này, hy vọng sẽ tạo thuận lợi khi gia nhập thị trường toàn cầu cho các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản. Hơn nữa, gia tăng sự hiện diện của các sản phẩm văn hóa Nhật Bản sẽ thu hút nhiều du khách quốc tế đến với nước này hơn.

Trình diễn thời trang Nhật Bản với hy vọng củng cố hình ảnh thủ đô Tokyo – trung tâm thời trang của thế giới. Ảnh: Japantimes.
Trình diễn thời trang Nhật Bản với hy vọng củng cố hình ảnh thủ đô Tokyo – trung tâm thời trang của thế giới. Ảnh: Japantimes.

Chiến lược nói trên tập trung vào các ngành “công nghiệp sáng tạo” bao gồm nhiều lĩnh vực từ ẩm thực, hàng thủ công, thời trang, hoạt hình hay âm nhạc… Các nội dung này được cho là sẽ giúp tăng trưởng việc bán hàng hóa của Nhật Bản.

Thật vậy, một ví dụ tương tự về lợi ích của quảng bá các sản phẩm mang tính sáng tạo đó là Hàn Quốc. Năm 1998, nước này lập quỹ nhằm quảng bá văn hóa với khoản tiền 500 triệu USD. Sau gần 20 năm, các nghệ sỹ Hàn Quốc đã thống trị các bảng xếp hạng nhạc pop tại châu Á, hay doanh số kinh doanh truyền hình và phim đứng đầu khu vực. Hay những sản phẩm sáng tạo công nghệ của Hàn Quốc như Samsung hay Hyundai cũng trở nên thành công trên toàn cầu với hình ảnh hiện đại, trẻ trung và vui tươi.

Hiệu quả kinh tế

Ngành công nghiệp sáng tạo toàn cầu bao gồm phim, truyền hình, âm nhạc, hoạt hình, trò chơi điện tử chiếm 7% xuất khẩu toàn thế giới với tăng trưởng hàng năm lên tới 14%. Ngành công nghiệp này được cho là tạo ra nhiều lợi ích cho quốc gia bao gồm sự đổi mới, tăng trưởng về du lịch và cả quyền lực ngoại giao.

Với Nhật Bản, dù chỉ chiếm 0,5% sản lượng xuất khẩu nội dung của toàn thế giới, song không thể phủ nhận đây là lĩnh vực được họ chú trọng đáng kể. Con số xuất khẩu các nội dung sáng tạo hay văn hóa đại chúng của Nhật Bản chưa cao có thể giải thích bởi 2 lý do. Thứ nhất, thị trường trong nước của Nhật Bản vốn phát triển mạnh, khiến các nhà sản xuất không cần phải quan tâm đến các thị trường bên ngoài để đạt được tăng trưởng. Thứ hai, chính sách của chính phủ đã hạn chế sự cạnh tranh và bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp lớn tại nội địa. Điều này khiến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này có phần giảm đi khi ra bên ngoài.

Dẫu vậy, cần thừa nhận rằng ngành công nghiệp trò chơi điện tử và truyện tranh là 2 trong số ít ngành phát triển mà không có sự bảo bọc của chính phủ Nhật Bản. Thậm chí đây lại là 2 ngành phát triển thành công nhất trên trường quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo. Một minh chứng cụ thể nhất chính là sự phát triển chóng mặt của trò chơi thực tế ảo Pokémon GO trên phạm vi toàn cầu thời gian gần đây. Tuy nhiên, liệu những thành phần kinh tế sáng tạo khác có theo kịp ngành game đang còn là một dấu hỏi lớn. Như vậy, có thể thấy việc chú trọng đến phát triển các sản phẩm sáng tạo nhằm đưa văn hóa của Nhật Bản ra bên ngoài là một chính sách có căn cứ, hứa hẹn đem lại không ít thành công và lợi ích cho đất nước hoa anh đào tại các thị trường đích.

Phan Vũ

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.