Nhát dao cắt đứt tình bạn, khơi nguồn nỗi đau
Từng là bạn bè thân thiết, coi nhau như anh em chí cốt, họ không ngờ rằng cuộc đời lại rẽ lối trong một đêm oan nghiệt. Nhát dao giữa khuya đã chấm dứt tình nghĩa, chia lìa hai số phận: một người mãi mãi ra đi, người kia bước vào vòng lao lý. Bi kịch ấy không chỉ khép lại một tình bạn, mà còn để lại nỗi đau cho người vợ trẻ mất chồng và người mẹ già yếu, khắc khổ sống trong dằn vặt đến cuối đời.
Nhát dao oan nghiệt
Trần Tuấn Huy (SN 1995) và anh Phạm T. T. (SN 1994) là bạn bè, cùng sống tại một phường ở TP Vinh (Nghệ An). Là bạn bè thân thiết nên trong mỗi cuộc vui của họ không thể thiếu người kia từ đi chơi, uống rượu cho đến hát karaoke. Thế nhưng, sau chầu nhậu và lần đi hát định mệnh, tình bạn của họ đã không còn khi một người vĩnh viễn ra đi, một người vướng lao lý.

Theo cáo trạng, tối 3/8/2024, sau khi uống bia rượu, Huy và anh T. đi hát. Đến 23h30’ cùng ngày, vợ của anh T. bất ngờ đến quán karaoke thì xảy ra mâu thuẫn với Huy. Trong lúc cãi nhau, Huy vung tay đánh vợ bạn. Người phụ nữ đang mang thai ấm ức kể lại chuyện bị bạn đánh cho chồng nghe. Sau đó, anh T. liền gọi điện cho Huy chất vấn và yêu cầu gặp mặt để nói chuyện rõ ràng.
Khoảng 0h ngày 4/8, T. đi xe máy đến trước cổng nhà Huy. Cho rằng bạn đến nhà mình để đánh nhau, lại đang có men trong người nên Huy cầm theo con dao ra gặp. Lúc này, anh T. mở cốp xe máy và buông lời nói tục, hỏi: “Sao mày đánh vợ tao?”. Câu chất vấn của bạn vừa dứt, Huy rút dao nhọn dắt sau lưng quần đâm vào ngực anh T.
Bị đâm, anh T. bỏ chạy trong hoảng sợ nhưng vẫn bị Huy đuổi theo. Lúc này, anh T. cầm dao quay lại đâm sượt vào vùng mạn sườn và lưng của Huy rồi ngã xuống đất. Bị Huy đâm thêm một nhát dao vào lưng, anh T. bỏ chạy được một đoạn thì ngã lần 2.
Trong cơn đau, T. cố gắng nói với Huy “mi đâm trúng tau rồi”. Nghĩ bạn giả vờ nên Huy nói mặc kệ và dùng chân đạp vào người T. Chỉ đến khi thấy trên người bạn chảy nhiều máu, Huy mới dừng lại và gọi xe cấp cứu, đưa bạn đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Tuy nhiên, mọi chuyện đã quá muộn…
Biết bạn không qua khỏi, Trần Tuấn Huy đã đến Công an đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Sau đó, Huy được cơ quan chức năng đưa đi kiểm tra, kết luận của Phân viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung cho thấy trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định, Trần Tuấn Huy bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng các chất gây ảo giác (đã có biến đổi nhân cách, hành vi và một số rối loạn tâm thần mức độ vừa).

Tại phiên tòa xét xử Trần Tuấn Huy về tội Giết người mới diễn ra, bị cáo khai do hôm đó uống bia say nên đã không làm chủ được hành vi. Huy khai không chủ đích giết bạn nhưng không ngờ rằng sự việc đã đi quá xa.
Hôm đó, sau khi đâm và phát hiện anh T. chảy nhiều máu, Huy về nhà lấy xe máy để chở bạn đến bệnh viện. Bị cáo khai lúc đó đã chở bạn bằng xe máy chừng vài chục mét. Nhưng khi người bạn ngồi phía sau ngã xuống đường, bị cáo đã cấp tốc gọi xe cấp cứu.
Quá trình trả lời những câu hỏi của HĐXX, bị cáo trình bày bản thân bị trầm cảm, phải điều trị thuốc thường xuyên nên không nhớ rõ chi tiết vụ việc. Bị cáo nhận lỗi sai và gửi lời xin lỗi tới gia đình bị hại. Nam bị cáo trình bày, quá trình tạm giam luôn cảm thấy dằn vặt vì hành vi đã gây ra với bạn, bởi suốt nhiều năm qua, giữa họ là tình bạn thân thiết.
Nỗi đau hai người phụ nữ
Ngồi lặng lẽ tham dự phiên tòa, vợ của bị hại đã kể lại diễn biến khi đến quán karaoke gặp bị cáo. Người phụ nữ này cho rằng, trước đó bị cáo đã nhiều lần rủ rê chồng mình đến những nơi “không lành mạnh”. Do đó, khi nghe tin chồng cùng Huy đi hát karaoke, vì bực tức nên chị đến gặp Huy để hỏi chuyện. Sau khi về nhà, chị kể với chồng việc bị Huy đánh, không lâu sau là cuộc gọi báo tin dữ về chồng.
Chị nghẹn giọng kể, tối hôm đó khi nghe tin chồng bị đâm, dù đang mang thai đứa con thứ 3 nhưng chị vội vàng chạy đến bệnh viện. Khi chồng không qua khỏi, thiếu phụ ấy đã gắng gượng để lo chu toàn việc ma chay. Nỗi đau mất chồng khiến thai phụ suy sụp tinh thần, ảnh hưởng sức khỏe.
Tuy nhiên, chị phải cố gắng vì đứa con trong bụng và 2 đứa con thơ. Sau khi sinh con chừng một tháng, chị đã quay trở lại công việc tại quán cắt tóc, gội đầu nhỏ để kiếm tiền lo cho các con. Để đến tham dự phiên tòa hôm nay, góa phụ trẻ đành gửi đứa con thơ 3 tháng tuổi cho người thân. Trước nỗi đau và sự mất mát quá lớn, đại diện gia đình bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường 1,5 tỷ đồng.

Phiên xét xử kéo dài hơn khi HĐXX cho phép hai bên tự thỏa thuận về phần bồi thường dân sự. Tuy nhiên, khi nghe yêu cầu của gia đình bị hại, mẹ của bị cáo rụt rè trình bày về gia cảnh khó khăn của họ. Người phụ nữ khắc khổ, 57 tuổi trình bày, bản thân sức khỏe yếu, chồng đang mắc bệnh ung thư. Sau khi con trai phạm tội, bà phải chăm sóc các cháu nhỏ vì vợ chồng Huy đã ly hôn.
Mẹ bị cáo trình bày, biết mạng người là vô giá nhưng sau khi sự việc đau lòng xảy ra, bà đã cố gắng vay mượn để bồi thường cho gia đình bị hại 215 triệu đồng. Giờ đây, gia đình đang cố gắng xoay xở để khắc phục thêm cho gia đình bị hại. Sau đó, bà xin gia đình bị hại hạ mức bồi thường xuống. Nhưng cuộc thỏa thuận của hai bên không thành nên họ đều trình bày với HĐXX xử lý theo quy định pháp luật.
Gặp gia đình bị hại tại tòa, người mẹ khắc khổ đã thay mặt con trai gửi lời xin lỗi tới gia đình bị hại. Rồi bà trải lòng về cuộc sống khó khăn khi con trai bị trầm cảm thời gian dài. Theo chia sẻ của bà, Huy bị trầm cảm nên sức khỏe và tính cách con không bình thường và xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho con.
Giờ nghị án, người thân đưa 2 đứa con lại sát gần Huy để nói chuyện. Nhìn thấy 2 đứa con nhỏ, nam bị cáo bật khóc. Huy nghẹn ngào dặn cô con gái út khi nào biết viết thì gửi thư cho bố. Bị cáo cũng không quên dặn dò các con vâng lời ông bà, người thân, cố gắng học hành để làm người tốt. Cuộc trùng phùng của ba bố con bị gián đoạn khi HĐXX ra tuyên án.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật, nguy hiểm cho xã hội nên cần xử lý nghiêm minh để có tính răn đe và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, cũng cần xem xét những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như đầu thú, ăn năn hối lỗi, bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi; đã tác động gia đình bồi thường tiền mai táng phí và một phần tổn thất tinh thần cho gia đình bị hại.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt bị cáo Trần Tuấn Huy 17 năm tù về tội “Giết người”. Về phần dân sự, tòa buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại hơn 268 triệu đồng và cấp dưỡng cho 3 con của bị hại mỗi tháng 1,2 triệu đồng/cháu cho đến khi 18 tuổi.
Vụ án khép lại với bản án dành cho bị cáo, nhưng nỗi đau thì chưa từng khép lại với những người ở lại. Một bên là người vợ trẻ đơn độc gồng gánh nuôi ba đứa con thơ trong cảnh mất chồng; bên kia là người mẹ già yếu, khắc khổ, mang theo nỗi dằn vặt khi con trai mình đã gây nên bi kịch cho bạn thân. Giá như Trần Tuấn Huy và anh Phạm T. T. có thể bình tĩnh hơn, biết lùi lại một bước trước cơn nóng giận, thì có lẽ hai gia đình đã không phải gánh chịu những mất mát không gì bù đắp nổi.