Pháp luật

Nhếch nhác và mất an toàn tại chợ lớn nhất Nghệ An

Tiến Đông 06/06/2024 11:13

Chợ Vinh là một trong những trung tâm mua bán lớn nhất Nghệ An. Thế nhưng, nơi đây đang tồn tại những bất cập chưa được giải quyết, nhất là tình trạng cơi nới, bố trí lều bạt, hàng quán gây nhếch nhác, tiềm ẩn những nguy cơ về phòng cháy, chữa cháy.

Nhếch nhác

Chợ Vinh là một trong những khu chợ có tuổi đời cao tại thành phố Vinh. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, chợ Vinh ngày càng phát triển, trở thành trung tâm mua sắm bậc nhất của tỉnh. Từ năm 2005, sau nhiều lần bị xuống cấp, đình chính chợ Vinh đã được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2008. Cũng kể từ đó, chợ Vinh ngày càng phát triển, vị thế là một trung tâm thương mại, đầu mối giao thương hàng hóa lớn của tỉnh.

Đình chính của chợ Vinh được thiết kế 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn của 4 tầng là 33.000 m2. Trong đó, tầng 1 có diện tích hơn 8.000 m2, với gần 700 gian kinh doanh các ngành hàng: Vải, tạp hóa, văn phòng phẩm...; tầng 2 rộng hơn 7.500 m2, được bố trí 676 gian hàng chủ yếu kinh doanh hàng may mặc; tầng 3 rộng 1.200 m2 chia thành khu vực Văn phòng làm việc của ban quản lý chợ, văn phòng đại diện, hoạt động kinh doanh của siêu thị và dịch vụ ăn uống, giải khát.

bna_13-0ab50bd64467864f109d4b7ca45b505a.jpg
Mặt tiền chợ Vinh trở nên nhếch nhác với những ki-ốt, lều bạt tạm bợ. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, từ khi chợ đi vào hoạt động đến nay, tầng 3 không phát huy tác dụng. Chính quyền địa phương đã rất nỗ lực trong việc kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư tại đây. Cụ thể, vào năm 2017, có một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại tầng 3 chợ Vinh, với diện tích 1.000 m2 để trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nước này. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, khu vực này cũng đã dừng hoạt động.

Mặc dù có diện tích mặt bằng lớn bị bỏ trống, nhưng phía trước mặt tiền và sau cổng chợ mọc lên các ki-ốt tạm bợ, phủ lều bạt nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị. Chưa kể một số khu vực, khoảng trống còn được bịt tôn làm kho chứa hàng hóa gây tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ.

bna_18-f55d7927349e9620128aa3ac1a8b0d13.jpg
Ngay trước sảnh chính là các ki-ốt kinh doanh giải khát gây mất mỹ quan. Ảnh: Tiến Đông

Mới đây, Báo Nghệ An đã nhận được đơn thư của nhiều hộ dân kinh doanh tại khu vực đình chính chợ Vinh, phản ánh tình trạng cơi nới, dựng tôn tại các lối đi lên xuống tầng hầm đình chính chợ Vinh để làm kho chứa hàng, làm mất chức năng thoát nạn, thoát hiểm, làm tăng nguy cơ cháy, nổ và ô nhiễm môi trường khu vực tầng hầm.

Bên cạnh đó, ngay khu vực sân trước đình chính có nhiều hộ kinh doanh sai quy hoạch, căng phông, bạt bày bán hàng hóa, gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị và cản trở đường đi lại khi người dân có nhu cầu đến tham quan, mua sắm tại chợ Vinh.

bna_14-3b2a19ce7153878eda3a5af9fd5960ec.jpg
Bên phải sảnh đình chính là các ki-ốt kinh doanh nước giải khát, lưới, với hàng hoá, xe cộ chắn cả lối đi. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài việc bố trí các gian hàng sai quy hoạch, điều khiến các hộ tiểu thương kinh doanh tại đình chính chợ Vinh bức xúc là việc Ban Quản lý chợ Vinh mặc nhiên để cho các hộ kinh doanh phía ngoài sân đình chính. Điều này gây nên tình trạng thiếu công bằng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các hộ đã đầu tư nhiều tiền để mua ki-ốt kinh doanh trong chợ và những người không bỏ tiền ra đầu tư nhưng lại có vị trí kinh doanh ngay khu vực mặt tiền của chợ.

bna_11-c342a2375a539b8dcde015e49c56429c.jpg
Khu vực lối lên xuống tầng hầm ở phía sau đình chính đã bị bịt tôn kín mít và trở thành kho tập kết hàng hóa. Ảnh: Tiến Đông

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tìm hiểu những phản ánh của người dân, cho thấy, những kiến nghị trên là có cơ sở và khá nhức nhối. Phía trước đình chính của chợ Vinh, nơi tiếp giáp với đường Lê Hồng Sơn, đập vào mắt là dãy hàng quán được căng lều bạt, ô dù màu xanh, đỏ rất nhếch nhác, xe máy, bàn ghế được đặt chắn cả lối đi.

bna_6-54cd54a3ffad7fa9be47e8615c10015d.jpg
Một kho hàng được dựng lên ngay tại lối lên xuống của tầng hầm. Ảnh: Tiến Đông

Đi xuống tầng hầm, xuyên qua khu vực các gian hàng ngũ kim (sắt, nhôm, kim khí, điện máy…), là một bãi đậu xe. Ở ngay cuối lối lên xuống phía sau cửa hầm đình chính, bên cạnh cầu thang máy, một biển báo lối thoát hiểm còn sáng đèn nhưng cửa lên xuống thì đã bị bịt tôn kín mít. Khu vực bịt tôn này đã trở thành một nhà kho chứa hàng hóa của người dân. Có một kho còn treo biển “chuyên sỉ lẻ bách hóa tổng hợp - đồ điện tử - đồ điện - bàn ghế - hàng gia dụng…”. Phía bên ngoài, nơi 2 lối lên xuống bị bịt tôn này là 2 quầy hàng kinh doanh ăn uống, được căng bạt che nắng và tận dụng một phần mái che hốc cầu thang lên xuống.

bna_15-40eaeebca2d01ac03d3bc09c24da9964.jpg
Một số ki-ốt được cơi nới ngay bậc tam cấp lên xuống ở hành lang phía Tây đình chính. Ảnh: Tiến Đông

Đi vòng sang hai bên hông của đình chính, ngay các bậc tam cấp của lối thoát phía Tây và phía Đông, nhiều ki-ốt bằng tôn cũng được cơi nới, lắp ghép cho các tiểu thương buôn bán.

Bà T. - một tiểu thương kinh doanh hàng điện tử tại tầng 1 đình chính cho biết: Việc Ban Quản lý chợ Vinh để cho nhiều hộ tiểu thương tự ý dựng lều bạt, kinh doanh ngay lối vào đình chính là điều không thể chấp nhận được. Nhiều người nói rằng, bây giờ người dân, du khách ít đi chợ Vinh là do hoạt động kinh doanh có nhiều thay đổi, nhưng chính sự nhếch nhác này mới làm cho người dân, du khách mất cảm tình khi đến với chợ Vinh.

bna_7-801e2c463e937e716899d088e8f5582f.jpg
Phía sau lối lên xuống của đình chính đã trở thành nơi kinh doanh đồ ăn uống. Ảnh: Tiến Đông

Bà T. cũng cho rằng, chính quyền thành phố cần phải làm rõ việc bố trí các ki-ốt, quầy hàng gây nhếch nhác như trên đã được cơ quan chức năng cho phép hay chưa, có đúng theo quy hoạch từ khi xây dựng hay không?. Cơ quan phòng cháy, chữa cháy liệu có kiểm tra thường xuyên và có ý kiến đối với Ban Quản lý chợ Vinh hay không?...

Từ những thực tế nói trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban Quản lý chợ Vinh. Tại đây, ông Thái Văn Hải - Phó Trưởng ban Quản lý chợ Vinh thừa nhận sự nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị như đã phản ánh. Đồng thời cho biết, các ki-ốt, quầy hàng nói trên ở phía trước và phía sau sân đình chính đều không có trong quy hoạch. Số hộ kinh doanh dạng này có khoảng 30 hộ.

bna_20.jpg
Một trụ cứu hỏa nằm xen lẫn giữa các ki-ốt. Ảnh: Tiến Đông

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, đây là tồn tại từ trước để lại, khi các hộ kinh doanh từ các phường Hồng Sơn, Vinh Tân không có địa điểm buôn bán, không có đủ điều kiện mua quầy, ki-ốt nên đã được bố trí làm nơi mưu sinh. Việc dẹp bỏ là không khó, nhưng một phần là vì an sinh xã hội và không bố trí được nơi khác nên các ki-ốt này vẫn tồn tại.

Liên quan đến việc cơi nới, bịt tôn để làm kho phía sau lối lên xuống tầng hầm của đình chính, ông Hải cho rằng, do các hộ kinh doanh không có kho nên tạo điều kiện để cho các hộ có nơi tập kết hàng hóa.

Theo tìm hiểu, hiện tại ở chợ Vinh có khoảng hơn 3.000 vị trí kinh doanh, trong đó, khu vực đình chính có khoảng 1.400 vị trí. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là từ sau dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh tại đây gặp nhiều khó khăn, nhiều vị trí kinh doanh đã phải bỏ trống. Bên cạnh đó, việc lâu nay không được đầu tư, nâng cấp cũng khiến cho chợ Vinh bị xuống cấp nghiêm trọng, nhất là hệ thống thang máy lên xuống không còn hoạt động, tầng 3 bị bỏ trống.

z5508184542013_6674b74f2bb52bcf2cebec7c6cbfd800.jpg
Việc cho phép các lều, quán tồn tại ngay mặt tiền, tiếp giáp với đường Lê Hồng Sơn đã làm mất mỹ quan đô thị. Ảnh: Tiến Đông

Rõ ràng, trước những thực tế này, việc chấn chỉnh, xử lý những lều, ốt gây nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị tại khu vực chợ Vinh cần phải thực hiện. Điều này không những làm cho khu vực chợ Vinh trở nên khang trang, sạch, đẹp hơn mà còn góp phần quan trọng trong việc phòng cháy, chữa cháy. Hơn ai hết, chính Ban Quản lý chợ Vinh, các hộ kinh doanh tại chợ Vinh là người hiểu rõ nhất những bài học xương máu trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Bởi nếu không làm tốt điều này thì hậu quả sẽ rất khó lường...

Nhếch nhác và mất an toàn tại chợ lớn nhất Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO