Nhiệm vụ của quỹ phòng, chống thiên tai

P.V 24/01/2022 08:14

(Baonghean.vn) - Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai. Nghị định gồm 6 chương, 26 điều, quy định về quy định về thành lập và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai, nguồn tài chính, nội dung chi.

Quỹ phòng, chống thiên tai là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Quỹ phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão ở Bara Đô Lương. Ảnh tư liệu
Về phân cấp, có Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương và Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Tại địa phương, nguồn tài chính để duy trì hoat động của Quỹ cấp tỉnh được quy định cụ thể mức thu nộp đối với từng tổ chức, cá nhân cơ bản như sau:
- Đối với tổ chức: Mức đóng góp bắt buộc 1 năm là 0,02% trên tổng giá trị tài sản hiện có theo báo cáo tài chính lập ngày 31/12 hàng năm của tổ chức báo cáo cơ quan Thuế nhưng tối thiểu 500 nghìn đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức. Thời gian nộp: tối thiểu 50% số phải nộp trước 31/7, số còn lại nộp trước 30/11 hàng năm.
- Đối với cá nhân: Người làm việc hưởng lương từ ngân sách đóng một phần hai của mức lương cơ sở chia cho số ngày làm việc trong tháng; Người lao động trong các doanh nghiệp đóng một phần hai của mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc trong tháng theo hợp đồng lao động; Người lao động khác đóng góp 10.000 đồng/người/năm. Thời gian nộp: nộp một lần trước 31/7 hàng năm.
Chi phí quản lý, điều hành hoạt động của Quỹ cấp tỉnh không vượt quá 3% tổng số thu của Quỹ cấp tỉnh.

Lãnh đạo thành phố Vinh kiểm tra công tác phòng, chống bão năm 2020. Ảnh: Q.A
Quỹ phòng, chống thiên tai có nhiệm vụ chính là hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai mà ngân sách Nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu, ưu tiên các hoạt động sau đây:
1. Hỗ trợ các hoạt động ứng phó thiên tai.
2. Cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai (tối đa không quá 03 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 01 công trình).
3. Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2021, thay thế Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai và Nghị định số 83/2019/NĐ-CP ngày 12/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP.

Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh đã được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 83/2019/NĐ-CP hoàn thiện tổ chức và hoạt động của quỹ theo quy định tại Nghị định này trước ngày 01/01/2022./.


Mới nhất

x
Nhiệm vụ của quỹ phòng, chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO