Nhiều bất cập trong hòa giải cơ sở
(Baonghean) - Hòa giải ở cơ sở được coi như “chất keo” gắn tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, nhìn lại 3 năm thực hiện Luật hòa giải cơ sở cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động này.
Gặp những người “vác tù và hàng tổng”
Năm nay đã 77 tuổi nhưng ông Nguyễn Đức Chu (66 tuổi) - Tổ trưởng tổ hòa giải xóm 6, xã Tân Sơn, huyện Đô Lương vẫn cần mẫn đọc sách báo, tìm hiểu về những cách làm, cách nói hiệu quả để làm dịu tình hình khi có mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư. Đã gắn bó với công việc này gần 15 năm trời, ông Chu đã có thể bình tĩnh xử lý mọi tình huống, từ tranh chấp đất đai, vườn tược; mâu thuẫn vợ chồng, bạo lực trong gia đình cho đến gây gổ đánh nhau.
Lãnh đạo Sở Tư pháp trao đổi với các hòa giải viên trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh: Phương Thảo |
Theo ông Chu, hai yếu tố quan trọng nhất để hòa giải thành công là phải nói đúng, có tính thuyết phục, rồi phải lấy hương ước, quy ước làm chuẩn mực, bởi trên thực tế “phép vua thua lệ làng” vẫn còn duy trì ở nhiều làng quê thời nay, nhất là địa bàn nông thôn.
Nhiều câu chuyện sau lũy tre làng được ông Chu kể lại như ở gia đình nọ có đứa con trai 28 tuổi bạo hành mẹ già, ông chồng nghiện rượu đánh đập vợ con, hàng xóm vác hung khí “nói chuyện với nhau” vì tranh chấp tường rào, bụi chuối… Nhớ lại, ông Chu đều cảm thấy hài lòng vì tất cả những vụ việc ấy đều được tổ hòa giải đến tận nơi làm dịu tình hình, nay chẳng những không đôi co mà tình cảm gia đình, tình làng, nghĩa xóm bền chặt hơn.
Về địa bàn xã Thịnh Sơn, cách trung tâm thị trấn huyện Đô Lương gần chục cây số, gặp gỡ chị Thái Thị Hiền - Tổ trưởng tổ hòa giải xóm 11 mới thấu hết sự nhiệt tình, tâm huyết của người phụ nữ này. Chồng xa nhà, một mình nuôi 2 con nhỏ, lại kiêm thêm bí thư, xóm trưởng nhưng chị Hiền vẫn được người dân ở đây nhắc đến với sự nể phục vì sự tận tụy, trách nhiệm trong công tác hòa giải cơ sở. 10 năm nay, xóm 11 không có đơn thư vượt cấp, không có mâu thuẫn lớn, cuộc sống bà con yên ổn.
Chia sẻ về điều này, chị Hiền cho biết “Ở đây, 8 thành viên của tổ hòa giải thường xuyên sâu sát đời sống của từng hộ dân cư, thấu hiểu sự tình nên khi có mâu thuẫn xảy ra sẽ biết “gỡ vướng” từ đâu. Ngay cả bản thân chị dù bận bịu nhưng vẫn thường xuyên đến tận từng nhà thăm hỏi bà con, chia sẻ, động viên họ chấp hành pháp luật, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế.
Những người tâm huyết, nhiệt tình như ông Chu, chị Hiền là những tấm gương sáng trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế không phải địa bàn nào, không phải hòa giải viên nào cũng có được những thành công như vậy. Bởi từ trước đến nay, họ vẫn được xem như những người “vác tù và hàng tổng”.
Nguồn kinh phí cấp thường xuyên không có, có chăng chỉ là vài trăm nghìn đồng thù lao đối với một vụ việc hòa giải thành công. Không những vậy, đặc thù công việc còn khiến chính hòa giải viên đôi khi bị vạ lây, nên không ít người nảy sinh tâm lý ngại va chạm. Thế nên không mấy khó hiểu khi ở nhiều nơi, hoạt động hòa giải đôi khi còn mang tính hình thức, chiếu lệ, thụ động, thậm chí hành chính hóa (như việc hòa giải viên yêu cầu các bên phải có đơn đề nghị mới tiếp nhận và tiến hành hòa giải...).
Khó về năng lực, trình độ
Bên cạnh khó khăn về kinh phí, công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều bất cập khác. Ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, do trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu nên việc vận động phụ nữ tham gia hoạt động hòa giải còn khó khăn, nhiều tổ hòa giải chưa bảo đảm cơ cấu hòa giải viên nữ, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hòa giải, nhất là những vụ việc về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới... Như tại huyện miền núi Tương Dương, trong tổng số 770 hòa giải viên, chỉ có 162 hòa giải viên là nữ.
Ông Lê Bá Thiệu - Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Nghệ An): “Những bất cập nảy sinh hầu hết đều xuất phát từ việc khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ cho hòa giải viên. Nguồn không có lại không huy động được các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất nên khi muốn nâng cao hiệu quả rất khó”.
Trình độ học vấn và trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên cũng là vấn đề đáng bàn. Ở các địa bàn miền núi, hòa giải viên thường là các già làng, trưởng bản có uy tín trong cộng đồng dân cư nên họ thường giải quyết sự vụ theo kinh nghiệm sống, theo luật tục mà chưa dựa trên quy định của pháp luật.
Còn ở địa bàn miền xuôi lại chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên, cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh, số hòa giải viên có trình độ chuyên môn về luật chỉ chiếm tỷ lệ 4,5%.
Thậm chí, một số trường hợp do hòa giải viên không nắm vững các quy định nên vẫn tiến hành hòa giải những vụ việc không thuộc phạm vi hòa giải như hành vi vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý về mặt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, thậm chí xâm phạm, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
Một tiết mục tại Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phương Thảo |
Hòa giải là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp, mang đậm tính nhân văn, trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật. Thế nhưng, có thể thấy, công tác hòa giải hiện nay vẫn còn không ít những vấn đề cần phải bàn đến. Xác định trách nhiệm của hòa giải viên trong hòa giải ở cơ sở là người “mở nút thắt” trong các vụ việc tranh chấp phát sinh từ cơ sở, ngăn chặn tình trạng “cái sảy nảy cái ung” hay “việc bé xé ra to”, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp quan tâm đúng mức để phát huy tính hiệu quả tối đa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 21 đơn vị cấp huyện có 5.884 tổ hòa giải với 39.256 hòa giải viên, năm 2017 đã tiếp nhận 4.828 vụ hòa giải (giảm 356 vụ so với năm 2016) trong đó hòa giải thành công 3.635 vụ (chiếm tỷ lệ 75,2%); hòa giải không thành công là 1.081 vụ (chiếm tỷ lệ 18,3,%), số vụ việc đang hòa giải là 112 vụ.