Nhiều cán bộ né tránh tiếp dân
Nhiều lãnh đạo bộ ngành, địa phương không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, né tránh tiếp công dân và nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vụ Trịnh Xuân Thanh trốn thoát.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết qua giám sát thì thấy nhiều chủ tịch các cấp từ tỉnh, huyện, xã né trách nhiệm tiếp công dân, không thực hiện đúng luật - Ảnh: TTXVN |
Đây là hai điểm đáng chú ý tại cuộc thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến báo cáo của Chính phủ về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 và đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN thảo luận dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ngày 4-10.
Cần xử lý nghiêm người né tiếp dân
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết năm 2016 tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015. Cả nước phát sinh hơn 63.000 đơn khiếu nại, hơn 17.000 đơn tố cáo.
Mặc dù vậy, tình hình vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực Tây nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung.
Tình trạng công dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân của trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Một trong các nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra là: “Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, chính sách xã hội ở nông lâm trường, vùng tái định cư...”.
Trong khi đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra một trong những nguyên nhân để tình trạng khiếu kiện còn phức tạp, bức xúc là người đứng đầu các cấp chính quyền chưa làm tròn trách nhiệm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết ủy ban này đề nghị trong báo cáo, Chính phủ cần nêu rõ đích danh người đứng đầu các ngành, các cấp không trực tiếp tiếp công dân và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của luật.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết qua giám sát thì thấy nhiều chủ tịch các cấp từ tỉnh, huyện, xã né trách nhiệm tiếp công dân, không thực hiện đúng luật, thậm chí có bộ ba tháng mới tiếp công dân một lần.
“Có những nơi tiếp dân cho có, tiếp lấy lệ, chứ không giải quyết trực tiếp. Tôi đi một số nơi, nghĩ chẳng lẽ ông chủ tịch tỉnh mỗi tháng không bố trí tiếp dân được một lần?
Ông chủ tịch có chức năng, nhiệm vụ thì giải quyết mới được, vừa nắm rõ thông tin dự án này, chính sách kia, rồi có quyền quyết, có quyền đối thoại, chứ cử mấy anh văn phòng xuống nhận đơn thì làm được cái gì” - Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lên tiếng.
Dân hoài nghi vụ Trịnh Xuân Thanh trốn thoát
Một số thành viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã đặt vấn đề này khi thảo luận dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, hôm qua (4-10).
“Tại sao Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn được?” - GS.TS Trần Ngọc Đường đặt câu hỏi. Rồi ông nêu vấn đề: “Người dân bây giờ mong muốn các cơ quan chức năng phải xem xét làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan”.
Ông Vũ Trọng Kim, chủ tịch Hội Thanh niên xung phong, cũng đặt ra câu hỏi tại sao không áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết mà để Trịnh Xuân Thanh trốn thoát, gây ra những hệ lụy làm dân mất lòng tin.
“Đây là vụ việc đã được Tổng bí thư chỉ đạo nhiều cơ quan cùng vào cuộc, nhưng đến nay chưa biết báo cáo cụ thể thế nào. Cái này cần phải đưa vào báo cáo Quốc hội” - ông Kim đề nghị.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, qua các vụ đề bạt, bổ nhiệm người thân, dòng họ diễn ra tại các địa phương, nhân dân cho rằng giờ đây ở các bộ ngành, địa phương dường như là vương quốc riêng của người đứng đầu.
“Nhân dân lo lắng lắm khi có rất nhiều vấn đề xảy ra trong thời gian qua” - chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa xã hội của MTTQ VN Nguyễn Túc nhận định, sau khi nêu những vụ việc như sát hại cán bộ ở Yên Bái, tình trạng bổ nhiệm người nhà, lối sống của cán bộ, ô nhiễm môi trường... “Nhân dân cũng lo cho sự đoàn kết nội bộ trong Đảng” - ông Túc nói thêm.
Theo Tuổi trẻ
TIN LIÊN QUAN |
---|