Nhiều cơ quan, đơn vị, dự án trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa giải ngân vốn đầu tư công
(Baonghean.vn) - Tính đến ngày 30/4/2024, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 13 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; 72 dự án nguồn đầu tư công tập trung và 356 dự án nguồn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho thấy, tính đến ngày 30/4/2024, kế hoạch đầu tư công tập trung năm 2024 đã giải ngân 988,933 tỷ đồng, đạt 21,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (15,3%) và cao hơn so với bình quân cả nước (ước đạt 17,46%).
Trong đó, một số nguồn vốn đạt khá như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân 269,19 tỷ đồng, đạt 60,8%; nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân 11,444 tỷ đồng, đạt 40,87%; nguồn thu sử dụng đất giải ngân 93,576 tỷ đồng, đạt 36,7%.
Có 24 đơn vị/tổng 68 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt khá (trên 30%), gồm: 10 huyện, thành: Yên Thành (59,32%), Đô Lương (52,35%), Vinh (47,8%), Nam Đàn (44,7%), Thanh Chương (42,42%), Nghĩa Đàn (42,13%), Tân Kỳ (41,5%), Cửa Lò (39,68%), Nghi Lộc (37,04%), Diễn Châu (36,53%).
14 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện) có tỷ lệ giải ngân đạt khá (trên 30%): Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An (100%), Trường THPT Hà Huy Tập (100%), Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương (93,42%), Trường THPT Diễn Châu 4 (90,08%), Trường THPT Đô Lương 3 (88,95%), Trường THPT Quỳnh Lưu 3 (82,44%), Sở Giáo dục và Đào tạo (69,73%).
Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An (68,56%), Trường THPT Nghi Lộc 3 (51,34%), Trường THPT Quỳ Hợp 3 (50,18%), Công ty TNHH Thủy lợi Tân Kỳ (48,83%), Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành (33,46%), Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (31,23%), Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ (31,09%).
Tuy nhiên, đến ngày 30/4/2024, vẫn còn 13 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân, gồm: Công an tỉnh, Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Tây Bắc Nghệ An, Sở Nội vụ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Huyện ủy Kỳ Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông, Trường THPT Thanh Chương 3, Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, Trường THPT Mường Quạ, Trường THPT Tương Dương 2, Sở Tài nguyên Môi trường.
Cùng đó, còn 13 cơ quan, đơn vị giải ngân dưới 10%, bao gồm: 2 huyện: Kỳ Sơn (4,41%), Tương Dương (8,23%). 11 đơn vị chủ đầu tư (ngoài huyện), gồm: Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An (0,21%), Sở Kế hoạch và Đầu tư (0,66%), Trường Chính trị tỉnh Nghệ An (1,8%), Chi cục Phát triển nông thôn (2,99%), Sở Y tế (3,43%), Bệnh viện Ung bướu Nghệ An (3,72%).
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An (4,14%), Công ty TNHH Một thành viên thủy lợi Nam Nghệ An (5,36%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (7,14%), Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (8,1%), Sở Văn hóa và Thể thao (9,47%).
Trong 160 dự án được giao vốn nguồn đầu tư tập trung năm 2024, còn 72 dự án với số vốn 700,161 tỷ đồng chưa giải ngân; trong đó có 53 dự án với số vốn 479,961 tỷ đồng chưa giải ngân, 19 dự án khởi công mới với số vốn 220,2 tỷ đồng chưa giải ngân.
Đối với nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, còn 356 dự án chưa giải ngân. Trong đó, đối với dự án khởi công mới, có 84/152 dự án đã xong thủ tục đấu thầu để khởi công xây dựng, còn 68 dự án chưa có kết quả đấu thầu để khởi công xây dựng.
Đối với các dự án mới trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 nhưng chưa bố trí kế hoạch hàng năm, hiện đã là năm thứ 4 của kế hoạch trung hạn, nhưng một số chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành bước phê duyệt quyết định đầu tư để làm căn cứ bố trí vốn hàng năm.
Tại hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 vào đầu tháng 5, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, tất cả phải cùng thống nhất mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6 không còn đơn vị giải ngân 0 đồng. Đến tháng 9/2024, tất cả các dự án phải hoàn thành hồ sơ thủ tục để thi công.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư từ tháng 6/2024, rà soát, đề xuất điều chỉnh, điều chuyển vốn kịp thời. Sau tháng 6, các dự án giải ngân chậm, dự án chưa giải ngân đồng nào kiên quyết điều chuyển để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân đạt tối thiểu 95% kế hoạch giao trong năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.