Nhiều địa phương kiến nghị cho nạo vét lòng hồ và tận thu khoáng sản

Tiến Đông 03/09/2023 09:36

(Baonghean.vn) -Trước thực trạng nhiều hồ, đập bị cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến việc trữ nước vào mùa khô và tích nước vào mùa mưa sắp tới, nhiều địa phương trong toàn tỉnh đã đồng loạt kiến nghị cho phép được nạo vét, đồng thời tận thu bùn, đất bồi lắng trong lòng hồ, đập.

Ngày 29/8/2023 mới đây, UBND huyện Yên Thành đã có Tờ trình 424/TTr-UBND về việc xin chủ trương nạo vét lòng hồ và tận thu lượng bùn, đất để tăng trữ lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại một số hồ đập ở xã Tây Thành và Sơn Thành.

Trong đó, tại xã Tây Thành là các công trình: đập Hố Ná, đập Lò Sả, đập Cao Sơn , đập Thung Vậy, đập Trụ Kè. Tại xã Sơn Thành thì kiến nghị nạo vét đập Cây Tàng, đập Hồ.

Qua tìm hiểu được biết, Tây Thành và Sơn Thành là 2 xã miền núi của huyện Yên Thành, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Trên địa bàn 2 xã này có đến 32 hồ, đập lớn nhỏ. Trong đó, xã Tây Thành có 24 hồ, đập; xã Sơn Thành có 8 hồ, đập, đây là nguồn cung cấp nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên, do các hồ, đập cơ bản được xây dựng từ lâu nên hầu hết đã bị bồi lấp đáy, làm giảm dung tích trữ lượng nước. Trong khi đó, hiện nay do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài nên làm nhiều hồ, đập bị cạn khô nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

BNA_một hồ chứa trên địa bàn xã Bảo Thành, Yên Thành bị khô cạn.jpg
Một hồ chứa trên địa bàn xã Bảo Thành (Yên Thành) trong tình trạng khô cạn nghiêm trọng. Ảnh: Tiến Đông

Tại Đô Lương vào năm 2020, địa phương này đã có tờ trình gửi UBND tỉnh cho phép nạo vét 24 hồ, đập và tận thu khoáng sản thông qua hình thức xã hội hoá, không sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng dung tích các hồ chứa. Trong đó, tại xã Mỹ Sơn có 2 hồ, đập; xã Đại Sơn có 4 hồ, đập; xã Giang Sơn Tây có 3 hồ, đập; xã Giang Sơn Đông có 5 hồ, đập cần nạo vét...

Ông Trần Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho rằng, trong số hơn 100 hồ, đập lớn nhỏ trên địa bàn huyện thì có 4 hồ lớn do Công ty TNHH Một thành viên Thuỷ lợi Bắc Nghệ An quản lý, gồm: hồ Bàu Đá (Trù Sơn); hồ Đá Bàn (Bài Sơn); hồ Yên Trạch (Thái Sơn); hồ Mộ Dạ (Giang Sơn Tây). Hàng năm, trước mỗi vụ mùa sản xuất, các xã và UBND huyện đã chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc để phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, vận hành, nhiều hồ, đập đã bị bồi lắng, làm cho trữ lượng nước ngày càng thấp. Từ năm 2018 đến nay, lượng mưa ít, có những hồ đập luôn ở mực nước chết. Trong khi nhu cầu tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng cao.

Toàn tỉnh hiện có 1.061 hồ chứa nước, trong đó, có 55 hồ, đập lớn; 220 hồ đập vừa và 786 hồ đập nhỏ. Hiện tại, đã có gần 400 hồ được nâng cấp, sửa chữa, còn trên 700 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp.

Mặc dù UBND huyện Đô Lương đề xuất được nạo vét 24 hồ, đập từ năm 2020, sau đó UBND tỉnh đã đồng ý cho phép hoàn thiện hồ sơ để nạo vét 6 hồ, đập, trong đó có 2 hồ do Công ty TNHH Một thành viên Thuỷ lợi Bắc Nghệ An quản lý (hồ Đá Bàn và hồ Bàu Đá). Và trên thực tế hiện nay cũng chỉ có 3 công trình được tiến hành nạo vét, số còn lại thì chưa hoàn tất thủ tục và chưa tìm được nhà đầu tư thực hiện.

BNA_hồ nghi công.jpg
Việc nạo vét hồ Nghi Công tại huyện Nghi Lộc đang phải dừng lại do giấy phép chỉ cho phép nạo vét từ tháng 4 đến tháng 8 trong năm. Ảnh: Tiến Đông

Hay như tại huyện Tân Kỳ, từ năm 2019 đến nay, địa phương này cũng đã có nhiều tờ trình gửi UBND tỉnh xin phép được nạo vét hồ, đập và tận thu khoáng sản. Mục đích cũng không nằm ngoài việc tăng dung tích của hồ chứa, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách.

Mới đây nhất, vào ngày 14/3/2023 UBND huyện Tân Kỳ đã có Tờ trình số 415/UBND-NN gửi UBND tỉnh cho phép nạo vét và tận thu đất, đá lòng đập Khe Nứa tại xóm 1, xã Nghĩa Bình. Đây là công trình thuỷ lợi được xây dựng từ năm 1973, nâng cấp năm 2013 với diện tích lưu vực 6,7ha; dung tích nước là 250.000m3, phục vụ cho 40ha đất lúa và 5ha đất màu của địa phương. Dù vậy, do bị bồi lắng nên mực nước trong công trình này luôn ở mức thấp, không đảm bảo được việc phục vụ tưới tiêu cho đất nông nghiệp trên địa bàn.

Trước đó, vào tháng 8/2020 UBND huyện Tân Kỳ cũng đã kiến nghị cho phép nạo vét 2 công trình là đập Cồn Bui và đập Bàu Làng tại xã Nghĩa Dũng, trên tổng số 13 công trình hồ, đập hiện có tại địa phương này. Năm 2019 thì kiến nghị cho phép nạo vét lòng hồ 3/9 trên địa bàn xã Kỳ Tân; đập Vả, đập Trảy trên địa bàn xã Giai Xuân...

Theo thống kê, toàn huyện Tân Kỳ hiện có 110 hồ chứa, ngoài tình trạng xuống cấp, hư hỏng của một số hồ đập thì phần lớn các hồ, đập đều trong tình trạng bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến cho dung tích chứa nước không còn đảm bảo như thiết kế ban đầu. Dù vậy, đa số công trình hồ, đập ở địa phương này cũng chưa được nạo vét, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Rõ ràng nhu cầu nạo vét lòng hồ, đập thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay là rất lớn, việc đưa ra chủ trương cho phép nạo vét và sử dụng nguồn vốn xã hội hoá, không sử dụng ngân sách Nhà nước bằng cách cho phép tận thu khoáng sản đất, đá trong lòng hồ cũng là điều hết sức cần thiết và phải sớm được thực hiện. Có vậy thì việc trữ nước trong mùa khô hạn và tích nước vào mùa mưa mới được đảm bảo, góp phần to lớn vào việc phát triển nông nghiệp và phục vụ đời sống dân sinh.

Mới nhất

x
Nhiều địa phương kiến nghị cho nạo vét lòng hồ và tận thu khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO