Kinh tế

Nhiều diện tích tôm nuôi của Nghệ An bị bệnh đốm trắng

Xuân Hoàng 11/05/2025 08:02

Đang trong vụ nuôi tôm chính của năm, nhiều vùng nuôi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã ghi nhận hiện tượng tôm chết hàng loạt. Cơ quan chuyên môn đã xác định tôm chết là do nhiễm bệnh đốm trắng.

30 ha tôm nuôi ở xã Quỳnh Bảng bị nhiễm bệnh

Mặc dù đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm và chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa, nhưng vụ nuôi năm nay vẫn khiến các hộ nuôi tại Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng, xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thiệt hại đáng kể. Trong tổng số hơn 80 ha ao, đầm đã thả giống, có gần 30 ha đã bị nhiễm bệnh, tôm chết hàng loạt.

vung tôm 1
Vùng nuôi tôm xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu). Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Hồ Đình Ánh - chủ đầm tôm trên địa bàn xã Quỳnh Bảng cho biết, tôm giống vừa thả được 5 - 15 ngày là có biểu hiện bệnh và chết rất nhanh. Gia đình ông Ánh có toàn bộ 3 ao, đầm đã thả con giống đều chết sạch tôm, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhiều chủ đầm khác ở xã Quỳnh Bảng cũng thiệt hại nặng do tôm nhiễm dịch bệnh.

Ông Hồ Đăng Tâm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Quỳnh Bảng cho biết, nguyên nhân khiến tôm chết được cho là do môi trường nước bị ô nhiễm, thời tiết nắng nóng gay gắt và giống tôm không đảm bảo chất lượng.

xử lý
Người dân xã Quỳnh Bảng xử lý ao, đầm sau khi tôm bị chết do nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng

“Tôm giống vừa thả từ 5 - 15 ngày, còn quá nhỏ để xác định rõ bệnh, nhưng bà con cũng không báo cáo kịp thời khiến việc lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh rất khó khăn. Hiện nay, hợp tác xã tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh để báo cáo lên cấp trên”, ông Tâm chia sẻ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Quỳnh Lưu, hiện toàn huyện đã thả giống hơn 100 ha trong tổng số 465 ha quy hoạch nuôi tôm cho vụ chính năm 2025. Tuy nhiên, dịch bệnh đã xảy ra tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở xã Quỳnh Bảng. Thời vụ thả giống vụ chính năm nay kéo dài từ đầu tháng 4 đến hết tháng 6. Đây cũng là giai đoạn thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ cao, môi trường nước biến động, sức đề kháng của tôm giảm. Do đó, dịch bệnh có điều kiện phát sinh, lây lan nhanh.

Ông Trần Võ Ba – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, đối với hiện tượng tôm chết tập trung tại xã Quỳnh Bảng, Chi cục đã tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm để xác định nguyên nhân và phát hiện một số mầm bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Đặc biệt, đang chú ý đến một loại bệnh mới – bệnh TPD (mờ đục trắng gan) trên tôm giống thẻ chân trắng.

“Mới rồi, cơ quan chuyên môn đã có kết quả xét nghiệm của 6/10 mẫu bệnh phẩm tôm chết, là âm tính với bệnh TPD, nhưng dương tính với bệnh đốm trắng. Hiện nay, Chi cục đang rà soát cụ thể diện tích bị nhiễm đốm trắng để cấp hóa chất cho bà con xử lý dịch bệnh”, ông Ba thông tin.

white-spot-syndrome-virus.jpg
Bệnh đốm trắng trên tôm nuôi. Ảnh: Internet

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Thực tế cho thấy, khi tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh, nhiều hộ dân chọn cách xả thải ao nuôi ra môi trường thay vì báo cơ quan chức năng. Việc này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, mà còn làm tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh sang các vùng lân cận.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo các địa phương tăng cường chỉ đạo, giám sát các vùng nuôi, tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng của việc lấy mẫu xét nghiệm; tuyệt đối tránh tình trạng tự xử lý, xả nước ao nuôi khi chưa xác định được nguyên nhân và chưa có biện pháp xử lý đúng kỹ thuật.

bna_de-vu-tom-thang-loi-khau-xu-ly-moi-truong-nuoc-trong-ao-dam-rat-quan-trong.-anh-xuan-hoang-1-5c1e07c99046fa2d7b7381f3cf15698b.jpg
Vào mùa hè nắng nóng, người nuôi tôm cần tăng cường quạt nước để tăng lượng ô xy trong ao. Ảnh: Xuân Hoàng

Đối với các diện tích đang thả nuôi, người dân cần theo dõi sát sao sức khỏe tôm, kiểm tra các yếu tố thủy lý, thủy hóa; bổ sung vitamin, khoáng chất, tăng cường sức đề kháng; rào lưới chắn để ngăn giáp xác xâm nhập, xử lý nước đầu vào cẩn thận; không nên thả giống mới tại khu vực lân cận đang có dịch. Ngoài ra, cần áp dụng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học, như nuôi 2 - 3 giai đoạn để giảm nguy cơ lây lan bệnh.

Hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang yêu cầu các địa phương có vùng nuôi tôm báo cáo đầy đủ, kịp thời tình hình dịch bệnh. Bên cạnh yếu tố thời tiết, một nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát là do nhiều hộ dân không tuân thủ lịch thời vụ thả giống, chưa thực sự chú trọng công tác phòng bệnh khi phần lớn nuôi theo hình thức quảng canh.

"Đối với các ao, đầm đã bị nhiễm dịch bệnh, bà con cần thực hiện các giải pháp xử lý ao, đầm theo đúng quy trình, sau đó mới thả lại con giống để nuôi", ông Trần Võ Ba khuyến cáo.

Bệnh đốm trắng ở tôm do virus gây ra, có biểu hiện hoạt động kém, ăn nhiều đột ngột sau đó bỏ ăn. Bơi lờ đờ ở mặt nước hay dạt vào bờ. Quan sát vỏ tôm có nhiều đốm trắng ở giáp đầu ngực, đốt bụng thứ 5, 6 và lan toàn thân. Đôi khi tôm cũng có dấu hiệu đỏ thân. Khi các đốm trắng xuất hiện, sau 3 – 10 ngày tôm chết hàng loạt với tỷ lệ chết cao, từ 80% đến 100%.

Xử lý bệnh đốm trắng bằng các biện pháp: Không nên đến nơi phát dịch, hạn chế người qua lại các ao tôm. Trường hợp phải vào ao thì cần thay quần áo và lội qua bể nước khử trùng. Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đắp chặt cống cấp và thoát nước. Quây lưới quanh bờ ao để ngăn chặn xâm nhập của các loại côn trùng vào ao. Hạn chế thay nước ao. Kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi để điều chỉnh kịp thời như tăng cường quạt khí, xiphông đáy ao, ổn định pH, độ kiềm. Đồng thời, tăng cường bổ sung Vitamin C, men vi sinh, khoáng Trường Sinh, thuốc bổ gan (TS 1001 của Trường Sinh), vi lượng vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Nhiều diện tích tôm nuôi của Nghệ An bị bệnh đốm trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO