Nhiều doanh nghiệp Nghệ An đóng cửa, công nhân nghỉ việc vì Covid-19
(Baonghean.vn) - Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An đều ít nhiều bị ảnh hưởng. Để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp buộc phải giãn giờ làm, sản xuất cầm chừng, thậm chí là cắt giảm nhân sự, cho công nhân tạm thôi việc.
NHIỀU DOANH NGHIỆP ĐÓNG CỬA, CÔNG NHÂN THIẾU VIỆC LÀM
Hiện một số doanh nghiệp đã phải đóng cửa do "tắc" đầu ra, một số khác hoạt động cầm chừng do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, buộc các doanh nghiệp phải cho công nhân thôi việc tạm thời hoặc giãn việc, thu nhập công nhân trong giai đoạn dịch bệnh này khá bấp bênh. Ảnh: Thanh Phúc |
Từ ngày 28/2 đến nay, Công ty ván gỗ nhân tạo ở KCN Nam Cấm phải đóng cửa, ngừng sản xuất. Nguyên nhân là do ban lãnh đạo công ty chủ yếu là người Trung Quốc sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, vướng phải dịch bệnh nên vẫn chưa quay lại điều hành sản xuất. Trong khi đó, sản phẩm ván gỗ chất đầy kho, không tiêu thụ được nên công ty phải đóng cửa. Kéo theo đó 150 công nhân của công ty chủ yếu người Nghệ An phải tạm thời nghỉ việc.
Anh Võ Văn Đại, công nhân của công ty cho biết: “Nghỉ việc, công ty vẫn hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho công nhân và 80% lương thời gian. Tuy nhiên, để đảm bảo cuộc sống với mức trợ cấp đó là không thể, trong khi để tìm kiếm một việc làm thay thế trong thời điểm hiện tại không hề đơn giản. Thời gian này, tôi thường về quê mua thực phẩm quê xuống bán cho công nhân để đắp đổi chi tiêu qua ngày”.
Không riêng gì công ty ván gỗ mà nhiều công ty khác phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài cũng phải đóng cửa hoặc cắt giảm dây chuyền. Công nhân chỉ được nhận mức lương cơ bản, không còn tăng ca, không còn chế độ thưởng.
Ban chính sách - pháp luật, Liên đoàn lao động tỉnh cho biết, đến ngày 20/3, có rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải sản xuất cầm chừng do phụ thuộc nguyên liệu đầu vào, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được, Do đó, nhiều công ty tạm thời đóng cửa hoạt động, công nhân buộc phải nghỉ việc tạm thời. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, chắc chắn số lượng lao động phải nghỉ việc sẽ tăng thêm.
Rất nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch (hướng dẫn viên, nhân viên khách sạn, nhân viên các cửa hàng ăn uống) dù được ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội song hiện cũng lao đao vì không có việc làm. Chị Nguyễn Kim Anh, hướng dẫn viên của một đơn vị lữ hành tại Vinh cho biết: “Các tour tuyến đều bị hủy nên chúng tôi “thất nghiệp”, để hỗ trợ nhân viên, công ty đã họp bàn tìm phương án đó là hỗ trợ nhân viên tiền đóng bảo hiểm và cho ứng một phần lương để chi tiêu rồi bù trừ sau; mở các lớp đào tạo, rèn luyện nghiệp vụ tại chỗ…".
TỶ LỆ LAO ĐỘNG LÀM THỦ TỤC HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TĂNG
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, tình hình kinh doanh gặp không ít khó khăn. Hầu hết các nhà hàng kinh doanh ăn uống, các trung tâm vui chơi giải trí đều vắng khách, nhiều cửa hàng thời trang, kinh doanh mỹ phẩm buộc phải đóng cửa. Riêng chợ Vinh có hơn 1.000 gian hàng buộc phải đóng cửa do ế ẩm hoặc cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động.
Trong đó, phương án đầu tiên được các chủ nhà hàng, ki ốt kinh doanh tính đến là cắt giảm nhân viên nhằm tiết kiệm chi phí hàng tháng nên lượng lao động tự do dôi dư khá nhiều.
Số người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An tăng mạnh trong 2 tháng nay. Ảnh: Thanh Phúc |
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, số người đến đăng ký tìm việc khá đông, số người đến làm thủ tục nhận hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng mạnh so với thời gian trước đó. Đặc biệt, theo ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An, nếu như đầu năm 2020, số lượng lao động đến trung tâm làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp giảm mạnh (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019) thì cuối tháng 2 đầu tháng 3 này, số lao động đến làm thủ tục hưởng chế độ BHTN tăng khoảng 30%. Số người đến sàn tìm việc làm mới cũng tăng mạnh trong những ngày gần đây...
"Số lao động đến làm thủ tục hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tăng hơn 30%. Số người đi tìm việc cũng tăng cao"