Nhiều giáo viên, nhân viên hợp đồng ở Nghệ An bị dừng chi trả lương?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Hàng chục giáo viên và nhân viên hợp đồng của các trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu bị từ chối chi trả lương cho tháng cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Một số người vì thế đã xin nghỉ việc, ảnh hưởng đến công việc của toàn trường.

Đi dạy... “không công”?

Khoảng 1 tuần nay, thầy Hồ Anh Dũng (45 tuổi, trú xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu) rất thất vọng kể từ khi kế toán nhà trường thông báo, những trường hợp như thầy không được chi trả lương từ tháng 1/2024. Dù vậy, thầy Dũng vẫn gắng đi dạy đều đặn, cố che giấu nỗi buồn mỗi lần lên lớp với học trò.

Lương của giáo viên hợp đồng chúng tôi đã thấp, lại còn bị cắt vào dịp gần Tết như thế này. Tâm trạng ai nấy đều đang rất tệ. Như thế là tháng 1/2024, chúng tôi đi dạy không công, làm việc nhưng không được nhận lương.

Thầy Hồ Anh Dũng giáo viên môn Giáo dục công dân của Trường THCS Quỳnh Tân, Quỳnh Lưu

Tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ năm 2006, thầy Dũng về quê, được Trường THCS Quỳnh Tân ký hợp đồng vào dạy. Đến năm 2008, sau thời gian phấn đấu, thầy được UBND huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng bằng hình thức hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội. Dù mức lương ít ỏi, nhưng với niềm đam mê nghề giáo, thầy Dũng vẫn không từ bỏ, chờ đợi một ngày được ghi nhận để vào biên chế. Tuy nhiên, cứ hết đợt tuyển dụng này đến đợt khác, thầy Dũng vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng của huyện.

bna-d2-9621.jpg
Thầy Dũng bên các học trò. Ảnh: T.H

“Năm 2008, mức lương của tôi khoảng 1 triệu đồng/tháng, sau đó nâng dần lên hơn 3 triệu đồng. Vợ cũng chỉ là công chức xã, mức thu nhập thấp nên phải tằn tiện lắm mới đủ sống”, thầy Dũng kể. Đến năm 2023, mức lương của những giáo viên như thầy Dũng được điều chỉnh theo vùng, nâng lên 4,9 triệu đồng. Tuy nhiên, niềm vui đó chỉ kéo dài đúng 1 năm.

Theo thầy Dũng, nếu vẫn không có gì thay đổi, tuần tới thầy cũng như một số giáo viên hợp đồng khác, sẽ nghỉ việc. "Không ai lại đi làm không công bao giờ cả", thầy Dũng nói.

Ngoài thầy Dũng, ở huyện Quỳnh Lưu còn có 8 trường hợp khác, trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Linh (41 tuổi), hiện là giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THCS Bá Ngọc. Cô Linh kể, khoảng 1 tuần trước, khi đến kỳ lĩnh lương, cô sốc khi nhận được tin từ kế toán nhà trường, những giáo viên hợp đồng như cô sẽ không được duyệt chi lương của tháng 1/2024. Kể từ đó, mỗi lần cầm viên phấn viết lên bảng, bàn tay cô Linh cũng trở nên nặng nề.

Cô giáo Linh tốt nghiệp Trường Đại học Vinh từ năm 2006, rồi xin về quê làm giáo viên hợp đồng, mang theo hy vọng một ngày được vào biên chế. Năm 2009, cô lấy chồng ở tận TP. Vinh. Dù quãng đường đến trường xa xôi hơn, nhưng cô vẫn không từ bỏ nghề giáo. Mỗi buổi sáng cô phải thức dậy từ 4h, bắt xe bus hoặc chạy xe máy vượt gần 70km tới trường làm việc, rồi tối đến lại quay trở về nhà ở TP. Vinh. “Chồng là bộ đội, công tác ở xa nên mỗi ngày tôi đều phải về nhà ở TP. Vinh”, cô Linh kể. Thấy vợ vất vả, vài năm trở lại đây, chồng cô bàn bạc và vay mượn tiền mua chiếc ôtô nhỏ để cô đi lại. Tuy nhiên, với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng và mới được nâng lên 4,9 triệu đồng kể từ đầu năm 2023, không đủ để đổ xăng cho quãng đường đi dạy mỗi ngày.

Dù biết đi dạy lương thấp, nhiều người cũng khuyên nghỉ nhưng tôi vẫn bám trụ, hy vọng sẽ được vào biên chế. Nhưng chờ đợi suốt 18 năm rồi vẫn không thấy... Đã thế, bây giờ lại không được trả lương, ai nấy cũng tủi thân. Nhiều hôm ra khỏi trường lại bật khóc, khi nghĩ đến những đồng nghiệp cùng lứa như tôi ai nấy đều đã ổn định.

cô giáo Nguyễn Thị Linh, hiện là giáo viên dạy Ngữ văn tại Trường THCS Bá Ngọc, Quỳnh Lưu

bna-d1-1592.jpg
Thầy Dũng có thâm niên 18 năm làm nghề giáo, nhưng mức lương vẫn chưa tới 5 triệu đồng/tháng. Ảnh: T.H

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở huyện Quỳnh Lưu hiện có 9 giáo viên hợp đồng cấp THCS. Họ đều đã tốt nghiệp đại học sư phạm và được UBND huyện Quỳnh Lưu tuyển dụng về giảng dạy có đóng BHXH. Đến nay, người có thời gian công tác nhiều nhất là 18 năm, ít cũng 12 năm. Trong quá trình công tác, đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và có những đóng góp chuyên môn đã được phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp và cấp trên ghi nhận. Họ chỉ mới nhận mức lương 4,9 triệu đồng/ tháng (do hưởng lương theo vùng) kể từ ngày 01/01/2023. Còn trước đó, chỉ được hưởng với mức lương có hệ số 1,78 (mức lương nhận được là 85% của hệ cao đẳng); không được tính phụ cấp thâm niên công tác, không được tăng lương theo chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước.

Nhiều năm nay, cứ mỗi lần vào đợt tuyển dụng giáo viên mới, những người này lại làm đơn mong được xem xét. Mới đây nhất, tháng 10/2023, khi biết tin UBND tỉnh quyết định bổ sung biên chế, trong đó có 13 chỉ tiêu biên chế cho cấp THCS huyện Quỳnh Lưu, họ lại gửi đơn “tha thiết đề nghị xem xét” tuyển dụng vào biên chế, vì tất cả đều đã công tác lâu năm. Nhưng vẫn không được chấp nhận.

Xin nghỉ vì không được trả lương

Không chỉ có 9 giáo viên nói trên, 15 nhân viên hợp đồng tại các trường học ở huyện Quỳnh Lưu cũng lâm vào cảnh tương tự. Họ là những kế toán, nhân viên thiết bị thư viện. Những người này đều được UBND huyện Quỳnh Lưu ký hợp đồng nhận vào làm việc từ 10 năm trở lên. Hơn 1 năm trước, thu nhập của họ được nâng lên 3,6 triệu đồng/tháng, sau khi được huyện điều chỉnh, nâng lương theo mức lương tối thiểu vùng. Đây là lần đầu tiên, 15 người này được nâng lương kể từ khi ký hợp đồng với huyện. Còn trước đây, dù bằng cấp thế nào, dù thâm niên ra sao, họ đều phải hưởng mức lương theo hệ số 1,4, tức là mỗi tháng chỉ được vỏn vẹn hơn 2,1 triệu đồng. Trừ đi các khoản như bảo hiểm, có người chỉ nhận về chừng 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Để theo đuổi giấc mơ vào biên chế, họ phải làm thêm đủ việc. Người thì tận dụng buổi trưa hoặc mỗi lúc đi làm về để buôn cá, người thì tranh thủ ngày cuối tuần đi buôn giày dép, người bán hàng qua mạng....

bna-d3-2667.jpg
Chị Hồ Thị Vân đã không đến trường 1 tuần nay. Ảnh: T.H

Sáng 19/1/2024, chị nhận được thông tin từ Kho bạc Nhà nước huyện Quỳnh Lưu những trường hợp giáo viên và nhân viên hợp đồng như chị sẽ không còn được chi trả lương. Như vậy là tháng 1 này, chúng tôi không được trả lương, đi làm không công. Nếu họ đã từ chối thanh toán chế độ tiền lương cho chúng tôi thì tôi cũng từ chối tiếp tục làm việc.

Chị Hồ Thị Vân (44 tuổi) – kế toán của Trường Tiểu học và THCS Ngọc Sơn, Quỳnh lưu

Ngay trong buổi tối ngày 19/1/2024, chị Vân đã làm giấy thông báo gửi nhà trường về việc chị sẽ tạm nghỉ. Trong giấy thông báo, để đảm bảo quyền lợi và chế độ cho người lao động, chị Vân đề nghị Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở có ý kiến đề xuất về UBND huyện Quỳnh Lưu. “Trong thời gian chờ, tôi xin phép không thực hiện các nhiệm vụ đã được giao, nghỉ làm việc tại đơn vị vì không ai đi làm không công cả”, giấy thông báo gửi nhà trường của chị Vân nêu. Không chỉ chị Vân, nhiều trường hợp khác cũng đang có ý định nghỉ việc, vì không được trả lương.

bna-d4-5072.jpg
Một giáo viên hợp đồng ở huyện Quỳnh Lưu trong giờ đứng lớp. Ảnh: T.H

Trên địa bàn huyện có 24 nhân viên và giáo viên hợp đồng tại các trường không được duyệt chi lương kể từ tháng 1/2024. Nguyên nhân do bị vượt số lượng hợp đồng mà UBND tỉnh đã giao năm 2024. “Đây là những hợp đồng do lịch sử để lại, bị Kho bạc Nhà nước huyện Quỳnh Lưu dừng chi trả, chờ xin ý kiến của UBND tỉnh.

ông Nguyễn Văn Thưởng – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu

Theo ông Thưởng, quan điểm của UBND huyện là đề nghị tiếp tục chi trả lương cho những trường hợp này. "Trước tình trạng một số kế toán xin nghỉ, UBND huyện đã chủ động lên phương án bố trí kế toán kiêm nhiệm nhiều trường, để đảm bảo công việc. Về tương lai của những người này, cũng không thể hứa trước được. Có thể trong những năm tới, nếu có chỉ tiêu sẽ ưu tiên tuyển dụng đặc cách”, ông Thưởng nói thêm.

Còn ông Trương Xuân Nho – Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Quỳnh Lưu cho biết, đơn vị làm theo quy định vì những người này không có trong danh sách được duyệt. “Bây giờ mà chi sai thì sau chúng tôi lại phải thu hồi, nên phải tạm dừng chờ chỉ đạo. Bản thân tôi cũng áy náy, vì gần Tết, những đối tượng này lại thu nhập thấp, chưa thanh toán lương cũng tội họ. Nhưng phải làm theo quy định”, ông Nho nói./.

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.