Nhiều gốc 'cam tiến vua' ở Nghệ An rụng quả hàng loạt, chưa rõ nguyên nhân
Còn vài chục ngày nữa vùng cam Xã Đoài Nghi Diên sẽ bước vào vụ chín. Thế nhưng nhiều nhà vườn không dám nhận khách đặt mua trước vì cam đã rụng quả từ tháng 9 và hiện vẫn đang tiếp tục rụng hàng loạt.
Là một trong những hộ trồng cam lớn nhất xã Nghi Diên, 3 vườn cam của gia đình ông Phan Công Hưởng (xóm Yên Phúc) rộng gần 1 mẫu (0,5 ha) với trên 400 gốc cam, trong đó khoảng 250 gốc đang cho thu hoạch, số còn lại ông mới trồng được một vài năm sau khi phá bỏ vườn cam cũ lâu năm đã thoái hoá.
Nếu như vụ cam năm ngoái, mỗi gốc cam cho bình quân 100 quả, ông thu về gần 500 triệu đồng với 200 gốc cam cho quả thì năm nay, mặc dù có thêm 50 gốc đã có quả nhưng sản lượng và số tiền thu về chỉ còn khoảng một nửa. “Đó là trong trường hợp cam dừng lại không rụng nữa, chứ cứ tiếp tục rụng như thế này thì sợ là sẽ mất mùa rất nặng. Đến nay, vườn nhà tôi đã bị rụng hàng nghìn quả cam”, ông Phan Công Hưởng lo lắng.
Vào đầu mùa, 3 vườn cam của gia đình ông Hưởng cho quả sai và rất đẹp. Thế nhưng bắt đầu từ tháng 9, cam rụng hàng loạt. Có những ngày ông gom được cả bì. Trong vườn, dưới nhiều gốc cam là những quả cam to đẹp, đã chuyển màu vàng rụng đầy gốc; nhiều cây đã rụng gần nửa số quả, thậm chí có cây rụng đến 90% quả. Trên cây, nhiều quả cam tuy chưa rụng nhưng đã có dấu hiệu hỏng.
Theo ông Hưởng, tình trạng cam rụng cũng từng xảy ra, nhưng đó là vào những năm mưa lụt nhiều, cam bị úng ngập, đây là lần đầu tiên cam rụng hàng loạt không rõ nguyên nhân, trong khi cây cam vẫn xanh tốt, không bị sâu bệnh hay vàng lá. Hỏi khắp nơi không tìm ra bệnh, lo lắng, hoang mang và sốt ruột, ông ra tận Hà Nội, Bắc Giang “cầu cứu” các chuyên gia, người trồng cam lâu năm.
Kiểm tra thực địa tại vườn, họ cũng chỉ nghi ngờ do sương muối và tư vấn phun thuốc. Tôi mới phun xong một đợt, vài ngày nay cam vẫn đang tiếp tục rụng, giờ chỉ biết hy vọng tình trạng này sẽ sớm chấm dứt.
Ông Phan Công Hưởng - xóm Yên Phúc, xã Nghi Diên, Nghi Lộc
Với 80 gốc cam, ông Phạm Đình Tiến ở xóm Phượng Sơn dự kiến thu về gần 5.000 quả. Thế nhưng cũng như nhiều vườn khác trong xã, vườn cam của gia đình ông cũng thưa dần sau nhiều ngày bị rụng quả liên tục. “Đến nay vườn nhà tôi đã rụng hơn một nửa”, ông Tiến cho hay.
Còn hơn vài tuần nữa, vùng cam Xã Đoài lòng vàng ở xã Nghi Diên, Nghi Lộc - giống cam đắt tiền nhất trên địa bàn Nghệ An sẽ bắt đầu chín và vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, từ tháng 8, hầu hết các vườn cam xuất hiện hiện tượng cam rụng hàng loạt.
Bà Nguyễn Thị Thiết, cán bộ Địa chính- Nông nghiệp xã cho biết: Ngoài 10 ha của trang trại ông Trịnh Xuân Giáo, trên địa bàn xã hiện có hơn 30 ha cam Xã Đoài được trồng rải rác trong vườn nhà dân, với khoảng 50 hộ trồng, trong đó 15 ha cho quả ổn định hàng năm. Là vùng cam nổi tiếng không chỉ được biết đến trong tỉnh, mỗi năm, cây cam mang lại thu nhập từ 17- 18 tỷ đồng cho người dân địa phương.
Năm nay do quả bị rụng, sản lượng cam trên địa bàn xã giảm mạnh, và doanh thu sẽ giảm đáng kể khi giá bán vẫn ở mức ổn định như mọi năm. Là giống cam đặc sản nổi tiếng, diện tích ít, mỗi vườn chỉ có từ vài chục đến vài trăm cây nhưng số lượng rụng hiện lên đến hàng trăm quả khiến người dân không khỏi xót xa.
Không bán theo trọng lượng như các loại cam khác, cam Xã Đoài được bán theo quả, với giá bán từ 70.000 - 80.000 đồng/quả, có năm lên đến 90.000 - 100.000 đồng/quả.
Có vị ngọt thanh và hương thơm đặc trưng, ruột cam vàng óng, khi nhai tan chảy trong miệng, xưa kia đây là loại sản vật quý dùng dâng tiến Vua. Ngày nay, cam Xã Đoài được khách mua làm quà biếu, bày mâm ngũ quả ngày tết, ngâm rượu…
Thường từ trước Tết mấy tháng, khách hàng từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đã tìm về chọn lựa, đặt hàng những trái cam Xã Đoài chưa chín trên cây. Năm nay, trước khả năng không đủ để cung ứng dịp Tết, nhiều nhà vườn đã buộc phải từ chối nhận cọc từ khách hàng.