Nhiều khuất tất trong vụ tranh chấp đất đai giữa anh em ruột ở Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu)
(Baonghean.vn) - Mảnh đất hợp pháp của một gia đình ở xã Quỳnh Giang bỗng dưng bị “phù phép”, chuyển qua cho vợ chồng người em gái với những dấu hiệu bất minh.
Từ lá đơn kêu cứu
Gần 2 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Liên (62 tuổi, xóm 2, xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu), phải sống trong cảnh bất an vì nguy cơ bị đẩy ra đường lúc nào không biết. Trong đơn kêu cứu gửi tới Báo Nghệ An, bà Liên nói rằng, không còn cách nào khác, cực chẳng đã bà mới đưa vụ việc lên cơ quan chức năng. Bởi những người liên quan đến vụ việc đều là anh em ruột thịt trong nhà. Chồng mất cách đây nửa năm, bà Liên cùng các con đang phải sống trong căn nhà lụp xụp nhưng đứng tên của bố chồng năm nay đã 95 tuổi. Còn mảnh đất hợp pháp của vợ chồng bà, bỗng dưng lại được chính quyền cấp bìa đỏ cho gia đình người em gái của chồng.
“Để giữ tình cảm gia đình và danh dự cho các em, chúng tôi đã nhiều lần nhân nhượng. Nhưng họ vẫn cứ muốn đẩy chúng tôi ra đường, đẩy chúng tôi lâm vào cảnh trắng tay”, bà Liên nói, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ.
Bà Liên cầm trên tay tấm bìa đỏ thửa đất số 104. Ảnh: Tiến Hùng |
Chồng bà Liên, ông Chu Sơn là con trai thứ 2 trong gia đình có tới 10 anh, chị, em. Trong đó, có 7 chị em gái và 3 người con trai. Năm 1978, gia đình được Hợp tác xã nông nghiệp xã Quỳnh Giang cấp cho thửa đất số 104, tờ bản đồ số 3 (BĐ 299), ngay giữa xóm 2. Bởi theo quy định vào thời điểm đó, gia đình nào có 2 người con trai trên 18 tuổi thì được cấp một thửa đất ở, không thu tiền. Ngày đó, gia đình này đủ điều kiện vì ông Sơn và người anh trai cả đều đã hơn 18 tuổi.
Gần một năm sau, đầu năm 1979, anh trai cả của ông Sơn hy sinh ở chiến trường. Vì vậy mà đến năm 1982, vợ chồng ông Sơn bà Liên được bố mẹ chồng cho ra ở riêng rồi sinh sống, sản xuất ổn định tại thửa đất này. Đến năm 1995, UBND huyện Quỳnh Lưu đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số D 0853939, vào sổ số 456 QSDĐ/388 QĐUB mang tên chủ hộ là Chu Sơn. “Với những căn cứ trên thì rõ ràng thửa đất số 104, tờ bản đồ số 3 (BĐ 299) là tài sản hợp pháp của vợ chồng tôi”, bà Liên nói.
Thửa đất số 104 này đã bị người em gái chồng của bà Liên xây cửa hàng kinh doanh. Ảnh: Tiến Hùng |
Năm 2000, mẹ chồng bà Liên qua đời. Là con trai lớn, ông Sơn bà Liên đành phải dắt díu 5 đứa con về nhà bố mẹ chồng để ở, vừa để thờ phụng mẹ, vừa chăm sóc bố đã lớn tuổi. Còn thửa đất số 104 của hai vợ chồng đành bỏ không, cho hàng xóm đến trồng rau. Đến đầu năm 2021, vợ chồng bà Liên sững người khi thấy gia đình em gái chồng là Chu Thị Thu thuê người đến xây cửa hàng kinh doanh ngay trên mảnh đất của mình mà không một lời xin phép. Sau khi tranh cãi, bà Liên lại càng bất ngờ hơn khi người em gái chồng cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất này. Giấy này được cấp từ năm 2004. Ngoài ra, bà Thu còn đưa một tờ giấy chuyển nhượng và hợp đồng chuyển nhượng, tuy nhiên những giấy tờ này đều có dấu hiệu bất minh.
Dấu hiệu bất minh
Theo bà Nguyễn Thị Liên thì những giấy tờ này đều là văn bản trái pháp luật, không có giá trị pháp lý. Thậm chí là làm giả chữ ký của chồng bà.
Cụ thể, tại văn bản gọi là “giấy chuyển nhượng đất ở” được lập từ năm 2000, có nêu bên có đất chuyển nhượng là ông Chu Tấn Lực (chủ gia đình) và ông Chu Sơn (con trai trưởng). Còn bên mua đất là bà Chu Thị Thu và chồng là Lê Văn Thọ. Nội dung giấy chuyển nhượng chỉ nêu ngắn gọn là chuyển nhượng thửa đất này cho vợ chồng ông Thọ bà Thu với giá 10 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo bà Liên tờ giấy không có giá trị pháp lý, bởi ông Chu Tấn Lực (bố chồng), không có quyền đứng ra để bán tài sản của vợ chồng bà. Ngoài ra, đất ở tại thửa đất này chỉ có 200m2 nhưng lại ghi 898m2. Trong tờ giấy cũng nêu giao tiền cho một người không có thật có tên là Chu Lực. Văn bản này cũng không có trong hồ sơ thu thuế ở địa phương. Đặc biệt, chồng bà Liên cho tới trước khi mất vẫn luôn khẳng định ông không hề ký vào tờ giấy này.
Mẹ con bà Liên hiện sống trong căn nhà lụp xụp, đứng tên bố chồng đã 95 tuổi. Nếu thửa đất số 104 thuộc quyền của em gái chồng, bà Liên sẽ lâm vào cảnh trắng tay. Ảnh: Tiến Hùng |
Theo ghi nhận của phóng viên, chữ ký của ông Chu Sơn trong tờ giấy này cũng khác rất xa so với chữ ký của ông trong nhiều văn bản khác mà gia đình còn lưu lại.
Sau đó, gia đình bà Thu lại đưa ra một tờ giấy khác gọi là Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hợp đồng này cũng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Cụ thể, ông Sơn trước khi mất vẫn luôn khẳng định chữ ký mình đã bị giả mạo một cách cẩu thả. Ngoài ra, theo văn bản tại phần I bên chuyển nhượng là Chu Sơn, bên nhận là Lê Văn Thọ nhưng cuối văn bản thì bên chuyển nhượng là Lê Thọ, bên nhận chuyển nhượng là Chu Sơn. Trong hợp đồng, xác nhận của UBND xã không có thời gian. Văn bản này cũng không có giá trị chuyển nhượng, không có phương thức thanh toán tiền, không có giấy giao và nhận. “Chồng tôi không hề ký tên. Và nếu chồng tôi có ký tên cũng không thể bán được. Bởi thửa đất này là tài sản hợp pháp của tôi và chồng tôi, nên chồng tôi không thể đơn phương bán được nếu không có sự thống nhất của tôi”, bà Liên nói và cho biết, hiện tại giấy chứng nhận QSD đất của gia đình bà với thửa đất 104, tờ bản đồ 3 (BĐ 299) đang có giá trị pháp lý vì cơ quan có thẩm quyền chưa xác nhận có sự thay đổi sau thời điểm cấp bìa ngày 5/10/1995. Như vậy thửa đất số 104, tờ bản đồ số 3 (BĐ 299) đang có 2 bìa đất.
Gần 2 năm nay, gia đình bà Liên sống trong cảnh bất an vì nguy cơ phải khăn gói "ra đường" bất cứ lúc nào. Ảnh: Tiến Hùng |
Thửa đất gia đình bà Liên đang ở để thờ cúng tổ tiên và mẹ chồng vẫn đang là tài sản hợp pháp của bố chồng là ông Chu Tấn Lực và em trai chồng là Chu Thanh Nam được thể hiện trên 2 giấy CNQSD đất. “Như vậy, nếu như thửa đất số 104, tờ bản đồ số 3 (BĐ 299), thuộc quyền sở hữu của vợ chồng Lê Văn Thọ - Chu Thị Thu thì gia đình tôi trắng tay, không hề còn mảnh đất ở nào nữa để ở và một ngày không xa gia đình tôi sẽ phải sống ở gầm cầu xó chợ”, bà Liên nói và cho hay, để giữ gìn tình cảm gia đình, bà đã nhân nhượng bằng cách chấp nhận cho em gái chồng thửa đất số 104 nhưng đổi lại, bà Liên được quyền thừa hưởng thửa đất bà đang ở. Mặc dù thửa đất số 104 của vợ chồng bà có giá trị cao hơn nhiều so với thửa đất đứng tên bố chồng mà bà và các con đang ở. Tuy nhiên, những người em chồng, đặc biệt là bà Chu Thị Thu vẫn nhất định không đồng ý. Trong khi đó, chủ mảnh đất là ông Chu Tấn Lực đã 95 tuổi, không còn đủ minh mẫn.
Trao đổi về vụ việc này, ông Lê Xuân Hảo (60 tuổi, xóm trưởng xóm 2, xã Quỳnh Giang), cho biết không chỉ có nhiều năm làm xóm trưởng, gia đình ông còn sinh sống đối diện với thửa đất số 104 của vợ chồng bà Liên nên ông nắm rất rõ nguồn gốc đất, cũng như quá trình xảy ra vụ việc.
“Đất đó là của vợ chồng bà Liên, đã được chính quyền cấp bìa đỏ từ năm 1995. Tôi sống ở đây tròn 60 năm rồi tôi biết hết. Chưa bàn về mặt pháp lý với những tờ giấy chuyển nhượng có dấu hiệu bất minh, mới chỉ nói về cái tình thì vợ chồng bà Thu sai, quá sai. Ai lại đi lấy đất của anh trai mình rồi đẩy cả gia đình anh ra đường như thế. Tôi không bênh vực ai cả, thậm chí gia đình bà Thu với tôi còn bà con. Tôi chỉ bênh vực cái đúng. Khi còn sống, ông Chu Sơn vẫn luôn khẳng định không ký vào tờ giấy chuyển nhượng. Tôi cũng có xem qua hồ sơ, và thấy cũng không giống với chữ ký ông Sơn”, ông Hảo nói và cho hay, ở địa phương gia đình bà Liên do đông con, chồng lại đau yếu nên có gia cảnh rất khó khăn. Trong khi các em của ông, đặc biệt là bà Thu lại rất thành đạt, giàu có tiếng trong vùng.
Bà Liên cho rằng, việc chuyển nhượng đất là không có giá trị pháp lý. Ảnh: Tiến Hùng |
Liên quan đến vụ việc này, sau khi nhận đơn của vợ chồng bà Liên, tháng 3/2021, UBND xã Quỳnh Giang đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Tại biên bản hòa giải, vị cán bộ tư pháp cũng đã có ý kiến “về thủ tục pháp lý chuyển nhượng, nếu đưa ra tòa có thể phải hủy bìa đất”.