Nhiều lợi ích khi gia nhập TPP

15/04/2016 18:49

(Baonghean.vn) - Hội thảo TPP – Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam” do Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương tổ chức sáng nay 15/4 tại TPHCM với sự tham dự của Đại diện lãnh sứ quán Mỹ, lãnh sứ quán Canada, lãnh sứ quán Singapore, Bộ Công Thương và gần 300 trăm doanh nghiệp đã cho thấy nhiều lợi ích khi gia nhập TPP.

Các đại biểu dự hội thảo
Các đại biểu dự hội thảo

TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu thế kỷ 21, gồm 30 chương, đề cập không chỉ các lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng...

Phát biểu tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải cho rằng: Tự do hóa thương mại là một động lực chính của thương mại quốc tế trong nhiều thập niên qua, đặc biệt là các nước khu vực Châu Á. Theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam là quốc gia thành công trong việc tham gia vào quá trình này.

Tính từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO (2007) đến nay, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng 2,94 lần, từ mức 111,3 tỷ USD năm 2007 lên mức 327,8 tỷ USD năm 2015. Trong đó, nhập khẩu tăng 2,6 lần và xuất khẩu tăng 3,3 lần, tương ứng với kim ngạch 165,7 và 162,4 tỷ USD vào năm 2015. Những kết quả trên chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập và tự do hóa thương mại để xuất khẩu hàng hóa.

a
Các doanh nghiệp trao đổi thông tin.

Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải đề nghị tập trung vào một số nội dung chính như: Trao đổi, thảo luận về các biện pháp xúc tiến xuất khẩu, phát triển sản xuất, phát triển thị trường nhằm mục tiêu phát huy năng lực sản xuất, xuất khẩu của Doanh nghiệp Việt Nam; Trao đổi các giải pháp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các Hiệp định thương mại tư do thế hệ mới, trong đó có TPP mà Việt Nam đã và đang đàm phán; Trao đổi giải pháp nhằm nâng vị thế của Việt Nam thành một trong những quốc gia xuất khẩu uy tín, tin cậy, có năng lực bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương - Đỗ Thắng Hải: Tham gia vào FTA có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, cụ thể: thông qua các lộ trình cắt giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan, hàng hóa Việt Nam có thể dễ dàng hơn khi thâm nhập vào các thị trường, các quốc gia đối tác trong các FTA, giúp mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường nào đó; Đối với những ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước tham gia các FTA làm nguyên liệu đầu vào thì chi phí sản xuất sẽ giảm, tạo sức cạnh tranh về giá cho hàng hóa Việt Nam; Đồng thời các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị… nguyên vật liệu phong phú hơn với giá thấp hơn và áp dụng những mô hình, phương trức quản lý mới từ đó nâng cao sức cạnh tranh; Việc hội nhập kinh tế sâu rộng cũng sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với môi trường kinh tế của Việt Nam, từ đó thúc đẩy mở rộng đầu tư, gia tăng năng lực sản xuất, xuất khẩu.

Tuy nhiên, sự tác động của hội nhập cũng sẽ khác nhau ở các ngành khác nhau, như: đối với các ngành có lợi thế so sánh như hàng nội thất, túi xách, da giày, may mặc, một số mặt hàng nông nghiệp… sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Những doanh nghiệp có đủ năng lực, sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có các biện pháp xúc tiến xuất khầu mạnh mẽ, hiệu quả sẽ đạt được thành công. Ngược lại sẽ có những doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Theo đó, ngoài một số thuận lợi các ngành sản xuất của Việt Nam sẽ gặp một số tồn tại, yếu kém cần phải cải thiện cũng như đang phải đối diện với nhiều thách thức khó khăn như: Các doanh nghiệp quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý kinh doanh còn hạn chế, sức cạnh tranh kém so với đối thủ quốc tế, chưa tạo dựng được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Ngoài một số doanh nghiệp tiên phong vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực sự chủ động nắm bắt, tìm hiểu, nghiên cứu thị trường thế giới.

Đồng thời cạnh tranh trong nước sẽ diễn ra gay gắt hơn do nguồn hàng nhập khẩu, cạnh tranh cả về giá và chất lượng do gỡ bỏ mức thuế suất nhập khẩu, hiện nay một số mức thuế suất giảm trung bình trên 10%. Đặc biệt, phải đáp ứng các yêu cầu khắc nghiệt về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ nội đạ hóa nguyên phụ liệu để đảm bảo điều kiện thụ hưởng thuế suất ưu đãi… Đây là rào cản chính mà doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua để đạt được thành công trong xuất khẩu.

Bên cạnh những con số hấp dẫn từ thị trường Mỹ, DN dệt may trong nước cũng kỳ vọng không kém vào các thị trường mới như: Canada, Autralia, Peru… Riêng với Canada, ngay từ năm đầu tiên TPP có hiệu lực, 42% thuế xuất khẩu vào thị trường này sẽ về 0%, đến năm thứ 4 là 57,1%. Trong khi đó, hàng dệt may của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 2% thị phần tại Canada. Vì vậy, cơ hội mở rộng thị trường rất lớn.

Nguyễn Hữu Thống

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhiều lợi ích khi gia nhập TPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO