Nhiều lựa chọn cho học sinh không đậu lớp 10 công lập
Ngoài học lên lớp 10 công lập, nhiều thí sinh không may “lỡ hẹn” với kỳ thi này vẫn còn nhiều hướng đi khác với nhiều chính sách phù hợp để phát triển năng lực bản thân.
Giáo viên đến nhà tuyển sinh
Ngay sau khi hoàn thành Kỳ thi vào lớp 10 và không đủ điểm vào công lập, học sinh Phùng Ngọc P. (phường Cửa Lò) đã quyết định viết đơn xét tuyển vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2. Trước đó, giáo viên của trung tâm cũng đã đến gia đình để tư vấn và giải đáp một số thắc mắc về chương trình giáo dục thường xuyên. Dù chương trình học có thay đổi nhưng điều bố mẹ học sinh này yên tâm đó là con vẫn được học văn hóa như các trường công lập, được thi tốt nghiệp như học sinh THPT. Nếu có nguyện vọng, các con có thể được học nghề trung cấp miễn phí với nhiều ngành nghề khác nhau.

Từ giữa tháng 6 đến nay, ngay sau khi các trường THPT công lập công bố kết quả tuyển sinh, cán bộ, giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2 đã chủ động rà soát danh sách học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 và kết nối với phụ huynh để kịp thời tư vấn, hỗ trợ. Nhiều trường hợp, giáo viên đã trực tiếp đến từng gia đình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh và học sinh, từ đó cùng tìm ra hướng đi phù hợp nhất cho từng em.
Chia sẻ về quá trình này, chị Nguyễn Thị Kim Thúy - Trưởng phòng Đào tạo của trung tâm cho biết: “Tôi đã đến rất nhiều gia đình ở phường Cửa Lò, phường Vinh Lộc và các khu vực lân cận để tư vấn trực tiếp. Thực tế, ban đầu nhiều phụ huynh còn e ngại khi nhắc đến việc con học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và mong muốn tìm phương án khác. Tuy nhiên, chúng tôi đã thẳng thắn chia sẻ và giúp họ hiểu rõ những lợi thế của mô hình học này”.
Khi theo học hệ Giáo dục thường xuyên, học sinh được hưởng mọi quyền lợi như học sinh trường công lập. Quan trọng hơn, sau khi tốt nghiệp, các em sẽ nhận song bằng, gồm Bằng tốt nghiệp phổ thông và Bằng Trung cấp nghề. Điều quan trọng là các em vẫn có thể thi lên đại học bình đẳng như tất cả các học sinh khác. Những năm gần đây, nhiều học sinh sau khi hoàn thành Chương trình Giáo dục thường xuyên tại trung tâm vẫn thi tốt nghiệp đạt điểm cao và trúng tuyển vào các trường đại học.
Ông Nguyễn Thượng Hải - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 2

Năm học này, Trường THPT Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn cũ) được giao chỉ tiêu tuyển sinh 5 lớp, với tổng số 225 học sinh. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã tuyển được gần 200 em, tương đương hơn 4 lớp. Trong đó, có 159 học sinh đăng ký theo nguyện vọng 1 và không phải tham gia Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Số còn lại là học sinh dự thi nhưng không đậu vào công lập. Dù số lượng hồ sơ đăng ký chưa nhiều, nhưng qua thống kê từ nhà trường, chất lượng học sinh đăng ký NV2 bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan, với nhiều em đạt gần 14 điểm.

Em Trà Giang - một học sinh đăng ký xét tuyển vào học Trung tâm Giáo dục thường xuyên chia sẻ: Em đạt 13,25 điểm, mức điểm có thể giúp em xét tuyển vào một số trường công lập nếu các trường gọi bổ sung. Tuy nhiên, do điều kiện đi lại quá xa và nhận thấy lực học của bản thân còn hạn chế, em đã quyết định chọn học tại trường ngoài công lập.
Chia sẻ về công tác tuyển sinh năm nay, cô Nguyễn Thị Ngọc - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Vùng tuyển sinh của trường khá rộng, bao gồm các xã Vạn An, Đại Huệ, Nam Đàn và Kim Liên. Để thu hút học sinh, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền thông qua cổng thông tin điện tử, tổ chức tư vấn trực tiếp tại các trường THCS trên địa bàn. Bên cạnh đó, trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Chúng tôi áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực như: Miễn học phí và trao học bổng cho học sinh đạt điểm cao nhưng vẫn lựa chọn theo học tại trường; Miễn, giảm học phí cho học sinh là con em hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập…
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mai Hắc Đế
Chọn học nghề phù hợp với trình độ
Thực hiện chủ trương phân luồng, mỗi năm Nghệ An có khoảng 20 - 25% học sinh lớp 9 không vào học trường công lập. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, số học sinh lựa chọn học nghề, vào các Trung tâm Giáo dục thường xuyên chưa nhiều.
Báo cáo 3 năm thực hiện Đề án số 14/ĐA-TU ngày 25/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cả 2 số liệu phân luồng cho học sinh THCS và THPT đều chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề năm 2024 đạt 37% (đạt 97% mục tiêu Đề án) và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề đạt 37,5% (đạt 89,29% mục tiêu Đề án).

Một thực tế trong năm học này cũng cho thấy, dù rất nhiều học sinh đạt điểm thấp những các em vẫn chọn đi học văn hóa, thay vì đi học nghề. Gần đây 1 học sinh thi vào lớp 10 chỉ đạt 2,5 điểm nhưng vẫn trúng tuyển hoặc nhiều trường tuyển học sinh dưới điểm trung bình khiến nhiều người lo ngại về chất lượng giáo dục.
Liên quan đến nội dung này, tại Kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An tháng 7 vừa qua, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Việc một học sinh chỉ đạt 2,5 điểm nhưng vẫn trúng tuyển vào Trường THPT Nam Đàn 2 là điều “chưa hợp lý”. Giữa cái lý và cái tình, cái lý cần phải đặt lên hàng đầu. Đáng lẽ, trước khi tuyển sinh, các trường cần cân nhắc, có sự định hướng rõ ràng để những học sinh có điểm quá thấp chuyển sang học nghề, phù hợp hơn với năng lực.

Để tìm hướng ra cho học sinh phân luồng, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, theo quy định hiện hành, học trường nghề, các em vẫn được cấp bằng tốt nghiệp cấp 3. Ngoài ra, sắp tới khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được sửa đổi, chuyển trường trung cấp nghề thành trường trung học nghề, tại đây học sinh được dạy chương trình văn hóa THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các trường nghề trong công tác tuyển sinh./.