Nhiều người Việt giành cái lợi về mình, không nghĩ đến ai!
Xung quanh việc gây ra tiếng ồn "hành hạ" người khác, một số người nước ngoài sống ở Việt Nam nhận định rằng: "Nhiều người Việt chỉ làm những gì mình thích, giành cái lợi về mình mà không hề nghĩ ảnh hưởng đối với cộng đồng”.
Một cửa hàng đặt cặp loa trước quán để phát nhạc trên đường Trần Não, Q.2, TP.HCM - Ảnh: Xuân Hưng |
* Chị Olivia Taylor (người Anh): Sống trong đô thị như ở nơi không người
Lúc mới sang Việt Nam, tôi sống trong một căn phòng thuê ở Q.4 (TP.HCM). Hằng ngày, từ sáng sớm tinh mơ tôi đã bị làm phiền bởi những tiếng còi xe inh ỏi. Buổi chiều tối sau khi đi làm về, tôi lại tiếp tục bị "hành hạ" bởi các quán nhậu, quán karaoke gần đó đến tận nửa đêm, có lúc đến 1h-2h sáng.
Đó là chưa kể những ngày quán nhậu xảy ra cãi vã, ẩu đả, tôi ngồi trong nhà nghe tiếng la hét, chửi bới, đập phá đồ đạc và cảm thấy rất sợ hãi.
Một đất nước phát triển không chỉ cần mạnh về kinh tế mà ở nơi đó, người dân cần phải hành xử đúng mực, văn minh, tôn trọng luật pháp nhằm xây dựng một cộng đồng có văn hóa Chị Olivia Taylor |
Một lần nọ, chịu hết nổi, tôi nhờ người bạn sang quán karaoke nhắc nhở khéo thì nhận được thái độ hết sức khó chịu từ chủ quán. Người này nói rằng cả khu phố không ai phàn nàn, vì sao một người nước ngoài mới đến như tôi lại có ý kiến và đề nghị nếu tôi thấy phiền thì hãy... dọn đi nơi khác.
Người chủ quán còn nói ở Việt Nam, chuyện hát karaoke ồn ào là điều hết sức bình thường (?!). Không thể tiếp tục chịu đựng nên hai tháng sau tôi đành phải chuyển nhà sang Q.7, ở một khu vực yên tĩnh hơn hẳn.
Tôi cho rằng chính quyền nên nghiêm khắc hơn trong việc xử phạt các hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến cộng đồng, hoặc quy hoạch những khu vực dành riêng cho buôn bán. Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển rất nhanh nên thu hút nhiều người nước ngoài sang sinh sống và làm việc trong thời gian gần đây.
Song song với việc phát triển kinh tế, du lịch, Chính phủ nên có kế hoạch cải thiện và giữ gìn môi trường sống lành mạnh, văn minh. Những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt như tiếng ồn, vệ sinh công cộng, ý thức tham gia giao thông... đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.
* Anh Paul Smith (người Anh): Sao lại bóp còi xe vô tội vạ thế nhỉ?
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Việt Nam là tình hình giao thông quá hỗn loạn, mà biểu hiện rõ nhất chính là cách bóp còi xe vô tội vạ của người dân. Tại Anh, chúng tôi chỉ bóp còi khi muốn cảnh báo nguy hiểm cho các tài xế khác, hoặc xin đường trong một số trường hợp thực sự cấp thiết.
Bóp còi ở các khu vực dân cư, bệnh viện hoặc trong khoảng từ nửa đêm đến 7 giờ sáng bị xem là hành vi thiếu văn hóa và có thể khiến bạn bị phạt nặng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tôi nhận thấy người dân có xu hướng bóp còi để... giành đường và làm điều này bất cứ khi nào họ muốn, gây ra khung cảnh giao thông rất hỗn loạn, đặc biệt là trong giờ cao điểm.
Ngoài ra, nhiều cửa hàng tại Việt Nam, đặc biệt là cửa hàng quần áo, thường xuyên dùng loa phát nhạc để thu hút sự chú ý của người đi đường. Thậm chí một số cửa hàng nằm gần nhau đã cạnh tranh bằng cách thi xem bên nào mở nhạc to hơn.
Điều này cực kỳ gây khó chịu vì tiếng nhạc rất chát chúa. Có lần, tôi mắc kẹt trong đám kẹt xe, trong khi ngay gần đó là một cửa hàng bán quần áo đang mở nhạc inh ỏi. Ngay cả trong khung cảnh hỗn loạn với đầy tiếng còi, chủ cửa hàng cũng không tắt nhạc.
Ở Anh, ngay từ nhỏ trẻ em đã được dạy dỗ rất kỹ về việc không gây ra các tiếng ồn khi không cần thiết.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng có quy định rất rõ ràng về các mức phạt dành cho tài xế bóp còi không đúng mục đích, cho những người gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là trong khoảng từ nửa đêm đến sáng. Đồng thời quy hoạch những khu phố dành riêng cho cửa hàng, nhà hàng, quán bar...
* Anh Andrew James Carmichael (người Úc): Lái xe theo kiểu "Tôi đi ngay - tôi đi trước"
Tôi đã sống ở Việt Nam 10 năm và hiện đang sống tại Nha Trang. Từ những gì chứng kiến, tôi rút ra bài học ngắn gọn là cần lòng khoan dung và thấu hiểu về văn hóa để chấp nhận và tránh những cảm giác tiêu cực mà sự ồn ào của những người hàng xóm có thể mang lại.
Rất nhiều người Việt thường hay tụm năm tụm bảy gây ồn ào hàng xóm láng giềng. Người nước ngoài ở Việt Nam biết khoan dung sẽ không chấp nhất những người hàng xóm của mình.
Tuy nhiên, điều mà tôi trăn trở nhất là đa số người cầm lái ở Việt Nam tư duy theo kiểu: "Tôi đi ngay - Tôi đi trước". Tư duy này có thể không nguy hiểm khi đi xe đạp, nhưng với xe máy thì lại khác. Nếu bạn muốn giúp người thân của mình tránh xa bệnh viện, hãy bắt đầu bằng việc giúp họ lái xe có trách nhiệm.
Cái thiếu đầu tiên trong giao thông ở Việt Nam là thiếu lịch sự. Hãy học về luật giao thông - bạn sẽ biết ai có quyền được đi trước và ai phải nhường đường. Hãy để dòng xe cộ chuyển động trong trật tự và như thế sẽ giúp việc lưu thông nhanh hơn.
Tư duy "Tôi đi ngay - Tôi đi trước" rồi bất chấp đi vào đường cấm, rẽ tạt đầu xe người khác mà không thèm xinhan hoặc vừa bật xinhan là một kiểu tự khoác lên mình hậu quả nguy hiểm, chưa kể là gây họa cho người khác.
Đối với tôi - người thường xuyên đi xe máy ở Việt Nam - điều tệ nhất là việc dùng đèn pha mà người lái xe còn không thèm biết mình đang dùng chế độ đèn này. Đèn pha không chỉ đơn giản là tín hiệu đèn màu xanh mờ mờ ở đầu xe máy của bạn. Đèn pha sẽ khóa tầm nhìn của người chạy xe chiều ngược lại, khiến họ không thấy được rõ ai, cái gì ở phía trước.
Ngoài ra, còn kể đến nỗi phiền toái khi chạy xe máy ở Việt Nam là học sinh chạy hàng hai hàng ba, những người vừa chạy xe vừa nghe điện thoại, hay hai xe máy chạy song song và hai người lái xe thì vô tư tám chuyện với nhau.
* Ông Wayne Jordan (người Anh): Ở Anh, gây ồn có thể bị phạt tù
Tôi đã sống ở Việt Nam được hơn 2 năm. Dường như ngày nào tôi cũng thấy phiền vì tiếng ồn ở đây. Tôi không hiểu vì sao người ta lại có thể nghĩ là mình muốn mở loa to cỡ nào cũng được? Có lẽ là vì họ không quan tâm hay tôn trọng những người xung quanh.
Tôi thấy người ta cũng không sợ công an, chẳng ai bị bỏ tù vì tiếng ồn cả, nên dù có bị chính quyền địa phương nhắc nhở thì ngay sau khi lực lượng chức năng đi khỏi là họ lại tiếp tục mở loa to.
Tôi nghĩ nếu người ta bị bỏ tù khi tái phạm sẽ có sự thay đổi. Chúng ta nên nâng cao nhận thức của mọi người trong chuyện này, cụ thể là tăng cường giáo dục về tác hại của tiếng ồn lên người khác.
Một điều khác khiến tôi khá bực mình ở Việt Nam là có nhiều người hay... tiểu bậy ngoài đường. Hành vi đó cực kỳ bất lịch sự. Ở nước tôi, mọi người đều hiểu rằng phải tôn trọng những người xung quanh mình.
Tất nhiên là cũng có trường hợp người ta tiệc tùng ồn ào quá đà, nhưng thường là cảnh sát và lực lượng chức năng địa phương sẽ nhắc nhở. Nếu sau ba lần nhắc nhở mà vẫn tái phạm thì người vi phạm có khả năng sẽ bị bỏ tù hoặc bị buộc phải dọn đi nơi khác nếu đó là nhà họ thuê.
Theo TTO
TIN LIÊN QUAN |
---|