Nhiều nhà hàng triển khai dịch vụ chở khách hàng uống rượu, bia về nhà
(Baonghean.vn) - Sau khi Nghị định 100/2019-NĐ/CP về tăng mức phạt đối với người uống rượu, bia khi lái xe; để hỗ trợ khách hàng, nhiều nhà hàng ở thành phố Vinh đã triển khai dịch vụ hỗ trợ khách hàng về nhà với nhiều hình thức khá đa dạng.
Giúp khách lái xe về nhà
Tại một nhà hàng kinh doanh các món hải sản khá rộng rãi trên đường Lê Nin (TP. Vinh), thời điểm 21 giờ tối đã khá vãn khách. Chỉ còn một tốp khách đang ăn uống. Chủ nhà hàng này cho biết, nắm bắt các thông tin về quy định tăng mức xử phạt đối với người uống rượu, bia khi lái xe, anh đã cho triển khai dịch vụ hỗ trợ khách lái xe về nhà.
Nếu khách hàng uống rượu, bia và có nhu cầu thì nhà hàng sẽ cử nhân viên lái hộ xe và chở khách hàng về tận nhà. “Chúng tôi cử 2 nhân viên, 1 người lái xe cho khách hàng, chở khách hàng về tận nhà, 1 người nữa thì điều khiển xe máy đi cùng để chở nhân viên về sau khi đã đưa khách về nhà an toàn” - chủ nhà hàng cho biết.
Một số nhà hàng bố trí nhân viên chở khách về nhà. Ảnh minh họa: H.T |
Được biết, tại nhà hàng này, sau ngày 1/1/2020 khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, khách hàng đến ăn uống tại đây tuy không giảm nhiều so với trước, nhưng số lượng bia, rượu tiêu thụ giảm hẳn. “Khách đến quán giờ ăn các món nhiều hơn, nhiều người không gọi bia, rượu. Nếu có gọi thì họ cũng uống hạn chế hơn” - chủ nhà hàng khẳng định.
Bố trí xe chở khách về tận nhà
Tham gia quản lý một nhà hàng có vị trí bên bờ sông Lam ở phường Trung Đô (TP. Vinh), anh Trần Văn An cho biết: “Vì nhà hàng cách khá xa so với trung tâm thành phố Vinh, thường thì khách hàng đến đây đều đã có sự chuẩn bị về phương tiện cũng như các “phương án” để về nhà nếu uống rượu, bia. Vì vậy, chính tôi triển khai dịch vụ chở khách về nhà nếu họ có nhu cầu, và chúng tôi có thu một ít phí xăng xe”.
Nói thêm về dịch vụ của nhà hàng này, anh An cho hay: việc luật quy định tăng mức xử phạt người điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông có uống rượu, bia tuy mới có hiệu lực vài ngày nhưng có tác động khá lớn đến tâm lý, ý thức người dân. Nhiều khách hàng đến các quán xa, nhà hàng đều đã hạn chế uống rượu, bia tràn lan như trước.
Nhiều khách hàng yêu cầu dịch vụ chở khách về nhà sau khi uống rượu, bia. Ảnh minh họa |
Nói thêm về điều này, anh Nguyễn Quang Tùng, một khách hàng đến từ huyện Diễn Châu cho biết: công tác trong lĩnh vực thi công các công trình giao thông, thường xuyên phải tiếp khách, trước đây 1 tuần thì có tới năm, ba bữa say xỉn, mệt mỏi. Nhưng nay người tôi khỏe hẳn vì cả tuần nay không mấy khi phải uống rượu. Các cuộc mời bạn bè hay khách hàng đi ăn quán, ăn ở các nhà hàng hoặc là ngày nghỉ tụ tập bạn bè thì ai cũng “ngại” gọi rượu, bia. Luật đã trở thành lý do để từ chối, hoặc hạn chế uống rượu, bia.
Một đoạn quảng cáo trên mạng xã hội về dịch vụ của các nhà hàng. Ảnh minh họa It |
Khách hàng có thể gửi xe qua đêm tại nhà hàng
Khi được hỏi về tình hình khách hàng đến với quán sau khi các quy định về tăng mức xử phạt đối với người uống rượu, bia khi lái xe, chị Thu Trần - một chủ nhà hàng cho hay, cũng tùy từng thời điểm có khi khách khá đông. Để hỗ trợ khách hàng không vi phạm luật, đảm bảo an toàn sau khi có uống rượu, bia, chị Trần cho biết, khách hàng có thể gửi xe qua đêm và nhà hàng cử người trông coi cẩn thận, thêm vào đó là hỗ trợ khách hàng gọi dịch vụ xe đưa, đón khách để đưa khách hàng về nhà nếu họ có nhu cầu.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.
Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm ở mức cao nhất (mức 3), phạt tiền từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22- 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000 - 600.000 đồng.