Nhiều rào cản trong phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao

09/09/2017 11:12

(Baonghean) - Hiện nay trên địa bàn Nghệ An đã có một số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tuy nhiên chưa có các loại hình doanh nghiệp, dự án và sản phẩm công nghệ cao như kỳ vọng.

Nỗ lực bước đầu

Theo đánh giá của các chuyên gia, trên địa bàn Nghệ An có một số lĩnh vực được cải tiến, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất xi măng, đồ uống, khai khoáng, chế biến khoáng sản, đường tinh luyện, sản xuất và cung cấp điện, sản xuất ván ép MDF...

Điển hình, trong sản xuất đồ uống, các doanh nghiệp đã chú trọng đến ứng dụng thiết bị, công nghệ cao để sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy định của pháp luật. Như: nhà máy chế biến sữa TH truemilk của tập đoàn TH sử dụng công nghệ chế biến sữa tiệt trùng hàng đầu của châu Âu (Tetra Pak ); sữa Vinamilk của Tập đoàn Vinamilk được trang bị dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng với thiết bị hiện đại và công nghệ sản xuất tiên tiến hàng đầu hiện nay nhập khẩu từ các nước châu Âu.

Trong tháng 8 năm 2017, Tập đoàn TH tổ chức Lễ động thổ xây dựng Nhà máy sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn có mức đầu tư là 1.177 tỷ đồng trên diện tích 11,75 ha với các công nghệ hiện đại.

Dây chuyền sản xuất ván ép của nhà máy MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền sản xuất ván ép sử dụng công nghệ và thiết bị hiện đại của nhà máy MDF Nghĩa Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Cùng đó, dự án sản xuất ván nhân tạo MDF tại huyện Nghĩa Đàn có công suất 40.000 m3 sản phẩm/năm, sử dụng dây chuyền công nghệ và thiết bị hiện đại của Thuỵ Điển đạt tiêu chuẩn Châu Âu và được quản lý theo hệ thống chất lượng ISO 9001-2000.

Công nghệ sản xuất ván sợi ép cường độ trung bình của nhà máy là công nghệ khô, hai mặt ván như nhau. Đây là dây chuyền công nghệ đã được tiêu chuẩn hoá, tự động hoá cao và toàn bộ dây chuyền sản xuất được điều khiển bằng hệ thống PLC.

Nhà máy sản xuất Tôn Hoa Sen sử dụng máy móc hiện đại. Ảnh: Thu Huyền
Nhà máy sản xuất Tôn Hoa Sen sử dụng máy móc hiện đại. Ảnh: Thu Huyền

Còn Nhà máy Tôn Hoa Sen do Công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen Nghệ An đầu tư gần 3.700 tỷ đồng sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến của các nước phát triển có ứng dụng công nghệ cao.

Ông Mai Thế Anh Minh - Phó Giám đốc điều hành Hoa Sen Nghệ An cho biết: “Ngay từ khi nhà máy đi vào hoạt động, Tập đoàn Hoa Sen đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và điều đó giúp sản phẩm của doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nước ngoài. Hiện tại nhà máy đang triển khai đơn hàng xuất khẩu thường xuyên.

Bình quân mỗi tháng, xuất từ 10 đến 16 ngàn tấn, đi các thị trường trọng tâm như châu Âu, châu Mỹ. Sắp tới nhà máy tiếp tục khai phá các thị trường tiềm năng trên thế giới, như Trung Đông, Nam Á,...

Để “đón đầu” các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Nghệ An quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Theo Sở Công Thương: Ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật về giao thông, sân bay, cảng biển... thì nhiều KCN, KKT được quy hoạch, xây dựng hạ tầng nội bộ khá hoàn chỉnh. Cùng với Khu kinh tế Đông Nam, VSIP, Tập đoàn Hemaraj (Thái Lan) vừa ký kết thoả thuận đầu tư và xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN- đô thị Hemaraj. Từ nay đến năm 2020 toàn tỉnh quy hoạch và xây dựng 6 KCN tập trung, tạo động lực để thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như sản xuất điện tử và linh kiện, cơ khí chính xác và các thiết bị tự động hoá, vật liệu mới...

Cần sự đồng bộ trong công tác đầu tư

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu vẫn đang được sử dụng trong sản xuất công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng như: khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng và hoá chất... gây nên lãng phí về nguyên nhiên liệu và ảnh hưởng đến môi trường. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết từ khâu thu hút, chấp thuận đầu tư và thực hành sản xuất...

Đối với công nghiệp chế biến chè, mặc dù Nghệ An có vùng chè rộng lớn nhưng hiện nay trên địa bàn, hầu hết các cơ sở chế biến chè nhỏ lẻ, có công nghệ lạc hậu, chắp vá, sản phẩm đạt chất lượng thấp, không đồng đều. Ngoại trừ có 8 dây chuyền chế biến chè đen hiện đại (7 dây chuyền chế biến chè đen CTC và 1 dây chuyền chế biến chè đen OTD) và 12 dây chuyền chế biến chè xanh công nghiệp chủ yếu của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, Công ty chè Trường Thịnh, Công ty CP Rồng Phương Đông. Việc nở rộ các cơ sở chế biến nhỏ lẻ theo hộ gia đình với thiết bị thủ công và không đảm bảo an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng đến uy tín và giảm giá trị xuất khẩu chung cho ngành chè Nghệ An.

Nghệ An có nhiều cơ sở chế biến chè sử dụng công nghệ lạc hậu. Ảnh: Thu Huyền
Nghệ An có nhiều cơ sở chế biến chè sử dụng công nghệ lạc hậu. Ảnh: Thu Huyền

Còn với công nghiệp chế biến thuỷ sản, ngoài 2 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp quy mô là chế biến cá hộp của Tập đoàn Royal Food và Nhà máy chế biến bột cá Suri thì hầu hết là sơ chế, đông lạnh xuất khẩu và chế biến nước mắm theo công nghệ truyền thống. Hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước trở thành một trong những động lực chủ yếu góp phần ổn định kinh tế, xã hội, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế. Giá trị sản xuất công nghiệp có chiều hướng tăng dần theo từng năm.

Tuy nhiên, so với tiềm năng lợi thế của tỉnh và xu hướng phát triển sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững thì công nghiệp Nghệ An chưa phát triển đúng tầm, tính đột phá chưa mạnh mẽ. Trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp công nghệ cao, chưa tạo động lực phát triển đồng bộ...

Để Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt 40% đến năm 2020 như Nghị quyết đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra, đòi hỏi các ngành công nghiệp trên địa bàn phải tập trung phát triển theo chiều sâu, phát triển các sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Việc ứng dụng công nghệ cao trên quan điểm lựa chọn một số ngành công nghiệp theo danh mục nhà nước ưu tiên và tỉnh Nghệ An có lợi thế để phát triển trên cơ sở tập trung chuyển giao, thu hút đầu tư công nghệ cao từ nước ngoài là hướng đi tích cực.

Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để tiếp thu, đổi mới và từng bước tạo ra được một số sản phẩm có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế... Tất cả những mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của nhiều bên liên quan, từ công tác thu hút đầu tư, cấp phép, quản lý đầu tư của chính quyền các cấp đến ý thức của chính các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư vào địa bàn.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Nhiều rào cản trong phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO