Nhiều tấn sản phẩm từ lò cà phê trộn pin đã ra thị trường
Bà Loan thừa nhận từ đầu năm đến nay, cơ sở của bà đã xuất ra thị trường hơn 3 tấn "cà phê bẩn". Sản phẩm được đóng gói từ cơ sở bà Loan được xuất bán đi nhiều nơi nhưng không gắn nhãn hiệu.
Công an làm việc với chủ cơ sở sản xuất cà phê rang từ vỏ cà phê, bột đá và... pin Con ó |
Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông, cho biết hiện nay các mẫu vật thu giữ tại cơ sở của bà Nguyễn Thị Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã được gửi đi kiểm định để làm cơ sở xử lý
Chưa tìm ra địa chỉ tiêu thụ
Theo thượng tá Phạm Thanh Bình, trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông, cơ quan chức năng đã niêm phong, thu giữ 15 tấn cà phê đã nhuộm đen bằng than pin, đóng gói chuẩn bị tung ra thị trường.
Ngoài ra, công an cũng thu giữ 500kg vỏ cà phê, 35kg than pin và 10kg dung dịch màu đen gồm nước và than pin…
"Hiện trong kho bà Loan còn rất nhiều cà phê phế phẩm đã được trộn dung dịch màu đen" - ông Bình thông tin và cho hay sản phẩm đóng gói của cơ sở bà Loan chỉ là phế phẩm cà phê trộn bột pin... chứ chưa phải là sản phẩm bột cà phê để bán đi.
à phê "bẩn" từ vỏ, phế phẩm cà phê được nhuộm đen bằng pin tại cơ sở bà Loan. |
Cũng theo thượng tá Bình, bà Loan thừa nhận từ đầu năm đến nay, cơ sở của bà đã xuất ra thị trường hơn 3 tấn "cà phê bẩn".
Các sản phẩm được đóng gói từ cơ sở bà Loan được xuất bán đi nhiều nơi nhưng không gắn nhãn hiệu.
"Bà Loan chưa khai bán sản phẩm đi đâu, sử dụng vào mục đích gì. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh" - ông Bình nói và cho hay do đang trong quá trình điều tra nên chưa thể khẳng định các sai phạm của bà Loan sẽ xử lý hành chính hay hình sự.
"Nhưng việc bà Loan nhuộm đen vỏ, phế phẩm cà phê bằng pin Con Ó là có thật" - ông Bình nói.
Xưởng chứa toàn bột đá, than pin
Trước đó, chiều 16/4, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Sở NN&PTNT Đắk Nông đã ập vào.
Hàng trăm bao tải đựng bột đá, đất bột và phế phẩm, vỏ cà phê chất thành từng đống cao đã được phát hiện.
Trong đó, nhiều phế phẩm cà phê đã được trộn chung với đất, bột đá đổ ra sàn nhà. Nhiều thùng đựng nước đen mà bà Loan khai là hòa với than pin Con Ó đã được đổ lên bề mặt...
Sau đó công nhân xúc đổ vào guồng trộn bêtông để trộn đều.
Bà Loan khai nhận cơ sở của bà đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Cứ khoảng 2 tuần sẽ có một xe tải chở hàng chục tấn "cà phê phế phẩm" về.
Sau đó, bà Loan công nhận đã mua pin nhãn hiệu Con Ó về đập bể, lấy lõi pin. Than pin này được hòa với nước rồi tưới lên, trộn đều với vỏ, phế phẩm cà phê…
"Ban đầu, bà Loan quanh co rằng mình chỉ mua đá vụn, phế phẩm, vỏ cà phê đóng bao, chất cao lên để qua mắt cán bộ ngân hàng đi thẩm định tài sản... Tuy nhiên qua đấu tranh bước đầu, bà Loan khai nhuộm đen phế phẩm cà phê để bán kiếm lời" - một cán bộ điều tra cho biết.
Luật sư Nguyễn Thanh Huy (Đoàn luật sư Đắk Nông):
Có thể xử lý hình sự…
Việc bà Loan thu mua vỏ, phế phẩm cà phê rồi nhuộm đen bằng than pin Con Ó có thể xử lý theo hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả"... Theo quy định, nếu giá trị hàng hóa bị làm giả, kém chất lượng có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, khung hình phạt từ 5 đến 10 năm. Theo lời khai của bà Loan, từ đầu năm 2018 đến nay bà đã xuất bán hơn 3 tấn "cà phê bẩn", giá trị đã trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi của bà Loan còn vi phạm điều 137 Bộ luật hình sự năm 2015 "tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm".