Nhiều thách thức với già hóa dân số

Mỹ Hà 27/09/2023 08:28

(Baonghean.vn) - Già hóa dân số tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, cộng đồng, quốc gia. Điều này đòi hỏi hoạt động an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần được thực hiện toàn diện.

Tại Nghệ An, việc chăm sóc người cao tuổi là một trong những hoạt động thường niên được ngành Dân số triển khai trong nhiều năm qua, dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn.

Áp lực tuổi già

Dù chỉ mới sinh năm 1953, nhưng nhìn vợ chồng ông Phan Xuân Cường và bà Nguyễn Thị Minh (xóm 7, xã Liên Thành, huyện Yên Thành) già hơn rất nhiều so với tuổi. Riêng bà Minh, vì đau cột sống kéo dài, làm việc chân tay liên tục trong nhiều năm nên nay lưng bà đã gù xuống, đi lại hết sức khó khăn. Tuổi càng ngày càng cao, sức càng ngày càng yếu nhưng hằng ngày hai ông bà vẫn cần mẫn làm việc, chăm sóc mảnh vườn nhỏ, trồng ngô, trồng đậu và chăn nuôi lợn, gà...

Ở xã Liên Thành, những trường hợp như vợ chồng ông Cường bà Minh không hiếm. Bởi lẽ, dù ông bà có 3 con đều đã trưởng thành, có gia đình riêng nhưng cuộc sống còn nhiều vất vả, phải đi làm ăn xa. Vì không muốn phụ thuộc con cháu, hai ông bà lại không có lương, đành cố gắng làm lụng để có tiền tự lo được cho bản thân và cũng đỡ đần được phần nào cho con cháu.

bna_Dù tuổi đã cao nhưng nhiều người già ở huyện Yên Thành vẫn phải tiếp tục lao động.jpg
Dù tuổi đã cao nhưng nhiều người già ở huyện Yên Thành vẫn phải tiếp tục lao động để ổn định cuộc sống. Ảnh: Mỹ Hà

Nói về điều kiện hiện nay của gia đình, bà Minh tâm sự: “Vợ chồng chúng tôi làm nông, chắt bóp bấy nhiêu năm cũng chỉ đủ xây được ngôi nhà tươm tất cho các con có nơi về. Còn lại, bây giờ tuổi cao rồi nhưng chúng tôi không có tích lũy. Nay làm được đồng nào thì tiêu đồng ấy, cũng rất vất vả”.

Xã Liên Thành hiện có 1.385 hội viên hội người cao tuổi. Trong số này, có khoảng 60 người thuộc đối tượng người già neo đơn, khó khăn, bệnh tật. Số còn lại, chỉ 20% hội người cao tuổi là có lương. Không ít người cao tuổi, nay dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn phải lo lắng đến việc chi phí sinh hoạt hàng ngày vì không muốn phụ thuộc vào con cháu.

bna_Nhiều hộ cao tuổi ở huyện Yên Thành mong muốn được vay vốn để phát triển kinh tế.jpg
Chi cục Dân số - KHHGĐ và Hội Người cao tuổi xã Liên Thành thăm gia đình người cao tuổi trên địa bàn xã. Ảnh: Mỹ Hà

Ông Phạm Công Thúy – Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Liên Thành cho biết: “Hầu hết người cao tuổi ở xã chúng tôi đều phải sống phụ thuộc vào con cháu. Nếu con cháu có việc làm, có kinh tế thì cuộc sống đỡ vất vả. Còn lại nhiều người vẫn phải mưu sinh hàng ngày. Những năm qua, ở xã cũng đã thành lập câu lạc bộ liên thế hệ, mô hình bà nội, bà ngoại với mục đích tập hợp hội viên để chăm lo giúp đỡ nhất là trong phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, hội viên tham gia các câu lạc bộ chưa nhiều, kinh phí cũng hạn hữu nên số người được vay vốn phát triển kinh tế còn rất khiêm tốn, với mỗi lần vay chỉ từ 10 – 20 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định, người cao tuổi nếu trên 60 tuổi là không được vay vốn phát triển kinh tế của các chương trình dự án, của Ngân hàng Chính sách xã hội, nên họ rất khó khăn để mở rộng sản xuất, làm chủ cuộc sống”.

Tại huyện Tân Kỳ, qua trao đổi, ông Hồ Minh Hà – Trưởng phòng Truyền thông Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ già hóa dân số ở Tân Kỳ là 12,6%, vượt mức dân số già (10%). Điều này, là thách thức không nhỏ cho công tác chăm sóc người cao tuổi, nhất là áp lực về xã hội (hệ thống y tế chăm sóc người cao tuổi), về gia đình (khó khăn nhất là về kinh tế). Hầu như người cao tuổi hiện nay đều phụ thuộc vào con cái và chưa có điều kiện được chăm sóc đầy đủ.

Do đó, người cao tuổi có sức khỏe, còn có thể tham gia lao động chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại là sức khỏe không đảm bảo. Một điều chúng tôi cũng rất băn khoăn là hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi trên địa bàn huyện có lương hưu rất thấp, chỉ chiếm 1%”.

Khó khăn, thách thức

Thế kỷ XXI được gọi là thế kỷ già hóa dân số. Theo đó, tính toán trên thế giới từ năm 2000 đến năm 2050, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ tăng gấp đôi từ 11% đến 22%. Những năm qua, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế già hóa dân số.

bna_Người cao tuổi thị xã Cửa Lò chào mừng Ngày Quốc tế người cao tuổi.jpg
Người cao tuổi thị xã Cửa Lò chào mừng ngày Quốc tế người cao tuổi. Ảnh: Mỹ Hà

Cụ thể, chỉ tính từ năm 2011, tỷ trọng dân số trên 60 tuổi đã chiếm 9,9% và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Hơn 10 năm sau đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, Việt Nam có khoảng 11,86 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm tỷ lệ 12% dân số. Với đà tăng này, dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2038 với tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1% và đến năm 2049 chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có 1 người cao tuổi.

Về vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Trường – Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho rằng: Cùng với già hóa nhanh, việc già hóa dân số ở Việt Nam mang đặc thù riêng. Đó là xu hướng nữ hoá ở người cao tuổi với sự gia tăng tỷ lệ góa và tình trạng người cao tuổi sống một mình.

bna_Chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi do Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức. Ảnh - Mỹ Hà.jpeg
Chương trình truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi do Chi cục Dân số - KHHGĐ tổ chức. Ảnh: PV

Đáng lo ngại khi hiện nay, đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều khó khăn, khi 68% người cao tuổi sinh sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Sức khỏe của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế với gánh nặng bệnh tật kép, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi.

Trước tình trạng già hóa dân số gia tăng, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng. Riêng với ngành Dân số, thực hiện Kế hoạch số 427/KH-UBND ngày 30/7/2021 về "Thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tỉnh Nghệ An đến năm 2030", đã có nhiều chương trình được triển khai. Theo đó, hằng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã tổ chức cuộc thi “Người cao tuổi sống vui - sống khỏe” và đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, thu hút được đông đảo người cao tuổi tham gia và hưởng ứng.

bna_Tư vân và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi ở huyện Nghi Lộc. Ảnh - PV.jpeg
Tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi ở huyện Nghi Lộc. Ảnh: PV

Ngành cũng đã tổ chức hàng chục cuộc truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn, truyền thông về già hóa dân số và phát huy vai trò của người cao tuổi. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Cung cấp thông tin, tư vấn về chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý cho người cao tuổi; hướng dẫn giữ gìn vệ sinh sức khỏe người cao tuổi; những bệnh thường gặp ở người cao tuổi và cách phòng tránh… Trong các chương trình người cao tuổi còn được trực tiếp tư vấn, trả lời các câu hỏi liên quan về sức khỏe, về tuổi già... cấp phát thuốc miễn phí.

Tuy vậy, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng nhanh, các tiềm lực để triển khai còn nhiều hạn chế, thì đây vẫn còn là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Tân - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ nói thêm: “Tại Nghệ An, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng còn hạn chế, chưa mang tính chất thường xuyên. Công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi vẫn chưa được chú trọng. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa phát triển đồng bộ. Việc cung cấp các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khoẻ, vật chất, tinh thần cho người cao tuổi chưa được quan tâm đúng mức cả trong công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng và trong hoạt động chăm sóc trực tiếp. Do vậy, quyền lợi của người cao tuổi chưa được đảm bảo như quy định. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi cho các hoạt động còn hết sức hạn hẹp, chủ yếu để triển khai tuyên truyền, vận động đủ để tập trung vào các hoạt động hỗ trợ trang thiết bị y tế chuyên dùng cho người cao tuổi”.

Những thách thức này cũng đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Để qua đó, nêu cao trách nhiệm của chính quyền và của các ban, ngành liên quan trong thực hiện chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi và để người cao tuổi được chăm sóc toàn diện, cả về mặt sức khỏe, xã hội, đời sống, văn hóa...

Mới nhất

x
Nhiều thách thức với già hóa dân số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO