Nhiều trường hợp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng

anninhthudo/baohaiduong 04/12/2019 10:40

Theo Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông, từ 15/1/2020 sẽ có thêm nhiều trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng.

Theo đó, Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT bổ sung thêm trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ so với trước đây. Cụ thể, có 6 trường hợp văn bằng, chứng chỉ sẽ bị thu hồi, hủy bỏ gồm:

Do hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; Cấp cho người không đủ điều kiện; Do người không có thẩm quyền cấp; Bị tẩy xóa, sửa chữa; Để cho người khác sử dụng; Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.

Trong trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ thì cơ quan này có trách nhiệm cấp lại bản chính văn bằng, chứng chỉ theo thủ tục:

văn bằng chứng chỉ
văn bằng chứng chỉ

- Bước 1: Người có yêu cầu chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cấp lại văn bằng, chứng chỉ; Văn bằng, chứng chỉ đề nghị cấp lại; giấy tờ chứng minh cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ viết sai văn bằng, chứng chỉ…

- Bước 2: Nộp hồ sơ bằng cách gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 1 bộ hồ sơ;

- Bước 3: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ phải xem xét quyết định việc cấp lại văn bằng, chứng chỉ; Nếu không cấp lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tư cũng nêu rõ, nếu mẫu văn bằng, chứng chỉ đã thay đổi thì sử dụng mẫu hiện hành để cấp cho người được cấp lại văn bằng, chứng chỉ…

Ngoài ra, theo Thông tư trên, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm ban hành quy chế bảo quản, lưu giữ, sử dụng, cấp phát văn bằng, chứng chỉ của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ (quy chế phải quy định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân và chế tài xử lý khi để xảy ra vi phạm); Xác minh tính xác thực của văn bằng, chứng chỉ khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Chịu trách nhiệm cá nhân trước cơ quan quản lý cấp trên và trước pháp luật về việc quản lý và cấp phát văn bằng, chứng chỉ.

Còn theo Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT liên quan đến việc kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên, cũng từ 15/1/2020 sẽ bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, các quy định về đối tượng, phạm vi điều chỉnh; hồ sơ, thủ tục đăng ký dự kiểm tra; nội dung kiểm tra, thời lượng, yêu cầu của đề kiểm tra; điều kiện, thẩm quyền cấp chứng chỉ cũng như xếp loại kết quả kiểm tra… nêu tại Quyết định 30 sẽ không còn được áp dụng.

Tuy nhiên, các chứng chỉ ngoại ngữ đã được cấp theo Quyết định này vẫn có giá trị sử dụng. Đối với các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên đang triển khai thực hiện trước ngày 15/1/2020 thì tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc.

Mới nhất

x
Nhiều trường hợp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ văn bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO