Nhiều vướng mắc trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở Nghệ An

Mỹ Hà 29/10/2020 15:29

(Baonghean.vn) - Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc xây dựng trường chuẩn thì việc công nhận lại trường chuẩn và giữ chuẩn còn rất nhiều khó khăn vì các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chật vật giữ chuẩn

Từ năm 2009, Trường THCS Hạnh Thiết là một trong những trường sớm được công nhận trường chuẩn Quốc gia của huyện Quỳ Châu. Năm 2018, trường đã được công nhận lại trường chuẩn, nhưng sau hơn 10 năm, cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp khá nhiều, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy và học.

Trong đó, vì quy mô trường lớp có nhiều thay đổi nên hiện nay số phòng học hiện có của nhà trường không đủ để bố trí lớp học. Hiện nhà trường đang phải chuyển một số phòng học chức năng sang để làm phòng học cho học sinh và trường vẫn đang thiếu các phòng đa chức năng, phòng tiếng Anh và một số phòng bộ môn khác.

Học sinh Trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu). Ảnh: MH
Học sinh Trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu). Ảnh: M.H

Ngoài ra, trường hiện có 1 dãy phòng học 2 tầng trước được xây dựng để học sinh học theo chương trình trường học mới (VNEN) và diện tích mỗi lớp chỉ có 35 m2.

Tuy nhiên, diện tích này hiện nay quá nhỏ không đủ để bố trí cho học sinh ngồi và cũng không đảm bảo theo quy định trường chuẩn mới (cần khoảng 67 m2/phòng học).

Từ năm học tới, chương trình phổ thông tổng thể sẽ được triển khai cho bậc THCS nhưng với điều kiện hiện nay thì nhà trường rất khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động trong dạy và học.

Nếu theo khảo sát để xây dựng lại trường thì trường cần đầu tư khoảng 10 tỷ đồng nhưng ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn và việc huy động xã hội hóa từ học sinh còn nhiều hạn chế”.

Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường THCS Hạnh Thiết (Quỳ Châu)

Năm học này, Trường Tiểu học Nghi Quang (Nghi Lộc) cũng vừa được công nhận trường chuẩn sau nhiều nỗ lực cố gắng của chính quyền địa phương.

Đến trường thời điểm này rõ ràng thấy sự thay đổi vượt bậc khi trường được đầu tư khang trang, khuôn viên nhà trường được chăm chút đẹp đẽ, học sinh được học đầy đủ các môn học bộ môn theo quy định.

Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Nghi Quang (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà
Giờ ra chơi của học sinh Trường Tiểu học Nghi Quang (Nghi Lộc). Ảnh: Mỹ Hà

Tuy nhiên, cô giáo Võ Thị Đông Xuân – Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: “Chúng tôi may mắn được công nhận trường chuẩn trước thời điểm Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT Ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT được ban hành.

Còn nếu áp theo các quy định hiện nay thì rất khó khăn vì cơ sở vật chất của trường đã được xây dựng nhiều năm trước và mới được nâng cấp trong giai đoạn sau này. Trong khi đó, các quy định mới về diện tích phòng học rất khó khăn và chắc chắn các trường khó đáp ứng được. Ngoài ra, trường vẫn đang thiếu giáo viên theo quy định”.

Khó khăn với quy định mới

Từ nhiều năm nay, huyện Quỳ Châu là một trong những điểm sáng của tỉnh trong việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia và đứng đầu các huyện miền núi với tỷ lệ gần 90%. Nhưng hiện nay, tỷ lệ này có thể thay đổi khi trong năm học này huyện có 8 trường phải công nhận lại trường chuẩn nhưng đều đang gặp khó vì cơ sở vật chất không đảm bảo.

Sân chơi của học sinh Trường Tiểu học CHâu Hội 1 (Quỳ Châu). Ảnh: Mỹ Hà
Sân chơi của học sinh Trường Tiểu học Châu Hội 1 (Quỳ Châu). Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Nguyễn Thị Bình – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu chia sẻ: “Tất cả các trường phải thẩm định lại, cơ sở vật chất đều đã xuống cấp, thiếu phòng học, thiếu phòng bộ môn và diện tích của các phòng học cũng không đảm bảo theo quy định. Như Trường THCS Châu Bình, năm 2019, trường bị lốc cuốn tan hoang dãy nhà làm phòng học và phòng học bộ môn. Nhưng hiện địa phương chưa có vốn để bố trí lại”.

Liên quan đến việc công nhận trường chuẩn, hiện các tiêu chí về cơ sở vật chất sẽ được áp dụng theo Thông tư 13/2020/TT-BGDDT của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới được ban hành vào cuối tháng 5/2020. Tuy nhiên, chiếu theo các quy định này rất khó khả thi và số trường đạt được tiêu chí đề ra chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Những phòng học cũ của Trường THCS Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) khó đạt theo tiêu chí mới. Ảnh: Mỹ Hà
Những phòng học cũ của Trường THCS Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) khó đạt theo tiêu chí mới. Ảnh: Mỹ Hà

Qua nghiên cứu quy định mới, thầy giáo Phạm Anh Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) cho rằng: “Tất cả các tiêu chí nếu áp dụng vào trường chúng tôi đều không khả thi. Chẳng hạn quy định hiện nay, diện tích mỗi phòng học phải đạt 1,5 m2/học sinh/lớp, nhưng tất cả các phòng học của trường đều xây dựng đã lâu và nay không thể cơi nới, sửa chữa được. Hay quy định các phòng chức năng như phòng đa chức năng, phòng học Tin học, phòng đọc bộ môn và diện tích phải gần 80 m2 thì chúng tôi không có, ngoại trừ việc phải gộp 2 phòng thành 1. Trong khi đó, việc huy động ngân sách để xây mới là rất khó”.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 1.100 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ trên 73%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng trường chuẩn và công nhận lại trường chuẩn vẫn còn nhiều khó khăn.

Qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong năm học này, toàn tỉnh còn khoảng hơn 100 trường phải thẩm định lại và từ nay đến cuối năm việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, bố trí đủ giáo viên sẽ còn là một bài toán khó của các nhà trường.

Trước đó, liên quan đến việc xây dựng trường chuẩn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cũng cho biết: “Việc triển khai có nhiều khó khăn do các thông tư, hướng dẫn gặp một số vướng mắc, bất cập. Ví như theo Thông tư 17/2018/TT-BGDDT, các đơn vị tiểu học có từ 30 lớp trở lên sẽ không đạt được trường chuẩn quốc gia, trong khi đó, hiện nay có rất nhiều đơn vị tiểu học đã có số lớp vượt quá 30 lớp. Hay trường mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 thì số lượng nhóm, lớp không quá 20 nhóm, lớp/trường, nhưng thực tế có nhiều đơn vị trên 20 nhóm lớp.

Quy định trường chuẩn cũng yêu cầu đối với trường tiểu học, quy định phải có phòng Tin học đáp ứng các yêu cầu dạy và học. Yêu cầu này khó thực hiện đối với các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn và đặc biệt là những trường chưa có điện lưới.

Ngoài ra, hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang thiếu giáo viên Tin học trầm trọng nên việc tổ chức dạy và học vẫn chưa khả thi. Ngoài ra, do ngành Giáo dục đang thực hiện tinh giản biên chế nên hiện nay các trường học không có tổ văn phòng; giáo viên, nhân viên còn thiếu so với điều lệ các bậc học nên nhiều trường không đạt tiêu chí theo quy định.

Một tiết sinh hoạt ngoài giờ của học sinh Trường Tiểu học Châu Hội 1(Quỳ Châu). Ảnh: MH
Việc đầu tư xây dựng trường chuẩn sẽ tạo điều kiện để các trường nâng cao chất lượng dạy học và triển khai các tiết học về kỹ năng. Ảnh: M.H

Bên cạnh đó, quy định của Nhà nước về việc không thu tiền xây dựng mà chỉ có nguồn tài trợ nên các trường không có kinh phí để xây dựng, mua sắm trang thiết bị, duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất để đạt và duy trì trường chuẩn Quốc gia”.

Những khó khăn trên cũng chính là thách thức của ngành Giáo dục Nghệ An trong giai đoạn tới và để đạt được mục tiêu đề ra cần phải có giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và của cả Nhân dân.

Mới nhất
x
Nhiều vướng mắc trong xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO