Nhìn lại quy định về ngưỡng vi phạm nồng độ cồn trong luật
Ngày 24/11, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những điểm gây nhiều tranh cãi trong dự thảo luật là quy định ngưỡng vi phạm nồng độ cồn.
Tại dự thảo luật đưa ra bàn luận lần này, ngưỡng vi phạm nồng độ cồn được quy định tại Khoản 1, Điều 8. Theo đó, dự thảo quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Luật sư Nguyễn Thu Trang (Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long) cho biết, theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ngưỡng vi phạm nồng độ cồn của người tham gia giao thông (xe máy, ôtô) ở mức 0.
Trong khi đó, Khoản 8, Điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định hành vi nghiêm cấm gồm:
Điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe môtô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Như vậy, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, ngưỡng lái xe ôtô vi phạm nồng độ cồn cũng ở mức 0. Còn ngưỡng vi phạm nồng độ cồn người lái xe máy là vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Một vấn đề khác cần quan tâm là hiện nay, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm cả người lái xe đạp có nồng độ cồn. Nhiều ý kiến cho rằng lái xe đạp tốc độ chậm không quá nguy hiểm. Việc quy định này có thể không phù hợp với phong tục tập quán của nhiều nơi nông thôn, miền núi.