Nhìn vào trách nhiệm của người lớn

a
a

Mỗi khi có một chuyện không vui nào đó dấy lên trong dư luận mà liên quan đến việc trẻ sử dụng mạng xã hội, tôi lại tự hỏi: Các bậc cha mẹ chúng ta đã làm gì để dạy con biết tự bảo vệ bản thân trong thế giới ảo?

Một trong những câu chuyện đang gây ra nhiều tranh luận trái chiều nhất những ngày gần đây là việc em N.H.M.Q bị Trường THCS Ngô Quyền (TP. Hồ Chí Minh) kỷ luật bằng việc cảnh cáo trước toàn trường, đình chỉ học tập trong 4 buổi, hạ bậc hạnh kiểm xuống loại trung bình trong học kỳ 1, năm học 2019 – 2020. Lý do để M.Q. bị kỷ luật nặng như vậy là vì M.Q. đã lập một fanpage có tên “Anti BTS in VietNam”, sau đó đăng một loạt bài có nhiều lời lẽ, hình ảnh rất thô tục và bậy bạ, xúc phạm, lăng mạ nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, cộng đồng fan của BTS (ARMY).

Sau sự việc đó, những người xưng là fan của BTS còn nhắn tin đe dọa cả phụ huynh của Q… Không những thế, họ còn gây sức ép với người quản lý trang fanpage Trường THCS Ngô Quyền, yêu cầu Q. phải xin lỗi… Vì vậy mà nhà trường đã “Trao đổi với em Q. và phụ huynh của em Q. và công bố hình thức kỷ luật trước học sinh toàn trường”, ông Nguyễn Ngọc Thụ – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Ông Thụ phân tích thêm: “Nhà trường kỷ luật em N.H.M.Q. không phải vì nhóm nhạc BTS nổi tiếng mà kỷ luật em để răn đe, giáo dục và bảo vệ em”.

Có thể thấy trên mạng xã hội, trên các trang báo điện tử có 2 luồng ý kiến trái ngược rất rõ rệt. Một bên cho rằng kỷ luật em Q. như thế là hoàn toàn xứng đáng. Nếu không kỷ luật nặng như thế thì rất có thể sẽ không làm thỏa mãn sự hung hãn của cộng đồng fan và nguy hại tới Q. và gia đình, cả nhà trường nữa. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng Q. đủ hư để phải gánh chịu hình phạt ấy. Và bên còn lại cho rằng kỷ luật Q. theo mức độ đó là không có trong quy định, không có văn bản hướng dẫn nào nói rằng với sự việc như thế thì phải xử lý như thế. Rằng kỷ luật mức ấy là quá nặng. Rằng kỷ luật ngoài tính răn đe thì với học sinh phải thiên về giáo dục. Giáo dục để em nhận thức được rằng mình đã sai ở đâu để tự rút ra bài học, chứ không phải chỉ vì sợ mà nhận lỗi. Nếu chỉ vì sợ mà nhận lỗi thì rất có thể em sẽ lại phạm một lỗi khác trong tương lai…

Nhưng có một điều đặc biệt quan trọng mà chúng ta cần nhìn thẳng vào phía sau sự việc này, đó là những đứa trẻ của chúng ta đã được quan tâm như thế nào để có thể tự tạo những bức tường bảo vệ mình trước sự bủa vây của Internet?

Có lẽ chính cha mẹ Q. khi đọc những gì em viết trên facebook cũng phải giật mình, không thể tin nổi con trai mình có thể viết ra những câu, chữ bậy bạ, thiếu văn hoá đến như vậy. Sự ngạc nhiên này chắc chắn sẽ có ở rất nhiều bậc cha mẹ. Trong một kỳ họp phụ huynh cho con, cô giáo chủ nhiệm lớp của con gái tôi đã từng chia sẻ rằng, khi cô vào xem trộm facebook của học sinh, cô đã “chết đứng” vì đọc những dòng comment mà các em viết cho nhau, bậy bạ, tục tĩu tới mức cô không thể nào nhắc lại được. Và cô khiến cho tất cả các bậc cha mẹ dự buổi họp hôm đó lập tức nghĩ rằng mình phải tìm cách xem trộm các thông tin cá nhân, nội bộ của lũ trẻ.

Không ai hình dung được rằng cái xấu nó lây lan nhanh đến mức nào. Một từ, cụm từ lóng, bậy bạ có thể trở thành từ “hot”, thành “trend” trên mạng xã hội chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Không có môi trường lây lan nào nhanh hơn mạng xã hội, vì nó hoàn toàn không có ranh giới, không có kiểm soát, không có luật pháp cấm đoán. Nhất là đối với trẻ ở lứa tuổi dậy thì, ưa khám phá cái mới, ưa tiếp nhận những thứ lạ lẫm, và tuyệt đối không muốn mình “tụt hậu”.

Không ai lý giải nổi rằng, vì sao đứa con mà mình luôn dạy dỗ cẩn thận, chăm chút từng ly, từng tí, luôn có những tấm gương sáng là bố mẹ, mà chúng lại không buồn soi vào để trưởng thành. Chúng tự lớn lên theo cách của chúng, bất chấp những cái mầm xấu xí một ngày nào đó dễ dàng đâm chồi trong tâm hồn.

Tôi đoán rằng, nếu như chúng ta hỏi bố mẹ Q. có bao giờ anh chị nghe thấy con mình nói ra những lời tục tĩu, bậy bạ như trên facebook lúc em ở nhà không, thì bố mẹ Q. sẽ lắc đầu.

Vậy thì người lớn chúng ta phải làm gì? Cấm đoán ư? Vô nghĩa. Không cho dùng điện thoại, cắt dịch vụ internet, không cho tiền, không cho chơi với bạn A bạn B… cũng vô nghĩa nốt. Trẻ chỉ có thể tránh những tiêu cực khi chính chúng nhận thức được đâu là tiêu cực. Ai cũng có tuổi thơ, tuổi dậy thì rồi mới trưởng thành. Ai cũng có lúc làm những điều ngốc nghếch mà phải đủ lớn mới nhận ra đấy là ngốc nghếch, rất có thể khi nhận ra thì đã muộn. Không có thuốc kháng sinh nào hiệu quả bằng một cơ thể khoẻ mạnh, có sức đề kháng tốt. Quyết định kỷ luật của nhà trường đối với Q. xét cho cùng chỉ là kháng sinh thôi. Có thể hiệu quả lúc ấy, cũng có thể sẽ có tình trạng kháng thuốc. Đáng nói nhất là hàng ngày, hàng giờ, các em đã được trang bị những gì từ gia đình, nhà trường – hai môi trường giáo dục quan trọng nhất để có thể có một tâm hồn khoẻ mạnh.

Mưa dầm thấm lâu, bé không vin cả gẫy cành, không thể nào trang bị cho trẻ một tâm hồn khỏe mạnh nếu như không gần gũi, tin cậy, thân thiết với trẻ, để đi sâu vào trong đời sống tinh thần của trẻ, cùng lớn lên và kịp ngăn chặn những hành vi dại dột của trẻ.

Quyết định của nhà trường đang tạo ra một áp lực với chính nhà trường, nhiều ý kiến cho rằng nên hủy, rút lại quyết định ấy. Nhưng thiết nghĩ, việc rút, hủy không quan trọng bằng việc trường nhìn nhận thế nào về bản chất của hành vi ấy, và phía sau là điều gì khó khăn hơn, lớn lao hơn mà trường phải phối hợp với gia đình để thực hiện.