‘Nhịp cầu’ kết nối yêu thương

Vượt qua cung đường lầy lội sau cơn mưa lớn, chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Vân ở xóm 2, xã Nam Sơn (Đô Lương) – hộ đầu tiên được nhận me giống từ dự án trao sinh kế, vật nuôi cho các hộ đặc biệt khó khăn của nhóm thiện nguyện “Đô Lương – chia sẻ yêu thương”. Căn nhà đơn sơ của người phụ nữ đơn thân nằm lọt thỏm trong vườn cây trên một quả đồi nhỏ. Phải đợi một lúc lâu, mới thấy bà Vân tất tả từ đồng trở về,”tôi tranh thủ dậy sớm ra đồng cắt cỏ cho me, con me bây giờ đã béo tròn rồi”, vừa nói bà Vân vừa cúi xuống thoăn thoắt lấy từng búi cỏ cho me ăn. Bà Vân là con liệt sỹ, bố hy sinh khi bà mới 8 tuổi, gia đình có 2 chị em nhưng người em hiện cũng đã mất vì tai nạn.

Hiện, bà sống một mình trên mảnh vườn cha mẹ để lại, thuộc hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cuộc sống phụ thuộc vào thửa ruộng nhỏ, hàng ngày chăm sóc đàn gà, mấy con dê, nuôi thêm chim bồ câu để cho “vui cửa, vui nhà””, những khi rảnh rỗi bà đi cấy hái giúp hàng xóm. Người phụ nữ có khuôn mặt hiền từ, hoàn cảnh nhiều éo le ấy chia sẻ: “Nhận được me giống trị giá 10 triệu đồng do nhóm thiện nguyện trao tặng, là sự động viên, chia sẻ mang nhiều ý nghĩa. Bởi vậy tôi cố gắng chăm sóc tốt để không phụ lòng những người đã quan tâm đến mình…”.

Nhóm “Đô Lương chia sẻ yêu thương” thăm hỏi, trao cho gia đình hộ nghèo đặc biệt khó khăn Nguyễn Thị Vân ở xóm 2, xã Nam Sơn con me giống sinh sản trị giá 10.000.0000 đồng.
Nhóm “Đô Lương chia sẻ yêu thương” thăm hỏi, trao cho gia đình hộ nghèo đặc biệt khó khăn Nguyễn Thị Vân ở xóm 2, xã Nam Sơn con me giống sinh sản trị giá 10.000.0000 đồng.

Đó cũng là suy nghĩ của gia đình bà Nguyễn Thị Vinh ở xóm Khánh Thế, xã Yên Sơn khi được nhận cặp lợn giống hỗ trợ để phát triển sinh kế. “Cặp lợn đã được tiêm phòng và lựa chọn cẩn thận nên phát triển tốt, béo tròn nhìn rất ưng mắt, tôi nỗ lực chăm sóc thật tốt để có thể nhân giống, gầy đàn”, bà Vinh phấn khởi cho hay.

Hoàn cảnh gia đình bà Vinh cũng thuộc diện đặc biệt khó khăn, chồng ốm nằm một chỗ đã nhiều năm, bà Vinh là lao động chính trong nhà nuôi 2 đứa con ăn học, nhà cửa xuống cấp, dột nát, nắng soi, gió lùa, nhiều góc sập tung ngói nhìn thấy cả khoảng trời. Chia sẻ gánh nặng của người phụ nữ chịu nhiều vất vả, ngoài hỗ trợ lợn giống để phát triển sinh kế, nhóm thiện nguyện “Đô Lương – chia sẻ yêu thương đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần kinh phí giúp gia đình bà Vinh cất một căn nhà nhỏ thay cho ngôi nhà xập xệ trước đây.

Ngày 13/6/2021, đại diện nhóm thiện nguyện cùng với chính quyền địa phương đã làm lễ khởi công xây dựng nhà cho gia đình bà Vinh. Số tiền 50 triệu đồng cùng toàn bộ sơn nhà, ngói lợp nhà cộng với nội lực của gia đình và hỗ trợ của người thân sẽ giúp gia đình bà Vinh có một căn nhà vững chãi để yên tâm hơn khi mùa mưa bão về.

Ngôi nhà xuống cấp của bà Nguyễn Thị Vinh ở xóm Khánh Thế, xã Yên Sơn; Lễ khởi công xây Ngôi nhà nhân ái năm 2021 cho gia đình chị Nguyễn Thị Vinh.
Ngôi nhà xuống cấp của bà Nguyễn Thị Vinh ở xóm Khánh Thế, xã Yên Sơn; Lễ khởi công xây Ngôi nhà nhân ái năm 2021 cho gia đình chị Nguyễn Thị Vinh.

Bên cạnh hộ nghèo, đối tượng mà dự án trao vật nuôi, sinh kế của nhóm “Đô Lương – chia sẻ yêu thương” hướng đến khá đa dạng, có cả người lầm lỡ. Việc hỗ trợ vật nuôi ngoài giúp người lầm lỡ phát triển kinh tế còn giúp họ thay đổi suy nghĩ, xóa bỏ mặc cảm, tự ti để tái hòa nhập vào cộng đồng. Anh Phạm Văn Thanh – công dân mãn hạn tù, trú tại xóm 3, xã Nam Sơn cho hay: “Đàn gà 50 con, mỗi con 7 – 8 lượng giá trị vật chất không nhiều nhưng là sự động viên tinh thần lớn đối với người từng lầm lỗi như tôi”. Đặc biệt, đến trao tặng gà cho anh Thanh không chỉ có đại diện của nhóm “Đô Lương – chia sẻ yêu thương” mà còn có các đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, cùng đại diện BTV Đảng ủy xã Nam Sơn”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Thanh không giấu diếm quá khứ lầm lỗi, từng đi tù 15 năm vì vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng nhờ ý thức cải tạo tốt nên sau 10 năm thụ án anh Thanh được đặc xá ra tù trước thời hạn. Hiện tại sức khỏe không còn tốt sau một lần tai biến nên anh chủ yếu làm ruộng, trồng sắn, lúc khỏe thì ai thuê gì làm nấy. “Mình cứ hòa nhập tốt, chấp hành pháp luật và quy định của địa phương thì không ai bỏ rơi mình. Nay đã có trứng gà cho cậu con trai út ăn rồi, tôi nói với vợ sẽ cố gắng chăm chút cho đàn gà sinh sôi nảy nở để không phụ lòng những người quan tâm mình”, anh Thanh vừa cười vừa chỉ tay vào đàn gà trong vườn khoe.

Nhóm “Đô Lương - Chia sẻ yêu thương” tổ chức trao tặng đàn gà để phát triển kinh tế với số lượng 50 con cho anh Phạm Văn Thanh, trú tại xóm 3 - xã Nam Sơn.
Nhóm “Đô Lương - Chia sẻ yêu thương” tổ chức trao tặng đàn gà để phát triển kinh tế với số lượng 50 con cho anh Phạm Văn Thanh, trú tại xóm 3 - xã Nam Sơn.

“Đô Lương – chia sẻ yêu thương” là nhóm thiện nguyện được thành lập từ tháng 5 năm 2017 và hoạt động hiệu quả với nhiều chương trình ủng hộ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chủ yếu là hỗ trợ tiền mặt, sổ tiết kiệm… thông qua những đêm nhạc thiện nguyện và kêu gọi, vận động trên hệ thống zalo, facebook. Tuy nhiên từ đầu năm 2021, nhóm chuyển hướng sang hoạt động chuyên sâu hơn với dự án trao sinh kế, con giống cho các hộ gia đình, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu nuôi để phát triển kinh tế bền vững.

Anh Nguyễn Tất Hùng – Trưởng nhóm “Đô Lương – chia sẻ yêu thương” cho biết: “Sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo. Vì vậy, nhóm chúng tôi quyết định thực hiện dự án chuyên sâu với nhiều đổi mới trong phương thức hỗ trợ sinh kế, vật nuôi cho hộ nghèo. Để đảm bảo đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, nhóm chủ động phối hợp với BCH Đoàn các xã, chính quyền địa phương đi tận nơi khảo sát về nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo. Từ đó, hàng tháng nhóm sẽ trao me giống, lợn giống, dê giống hoặc gà giống cho các gia đình tùy theo nguyện vọng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân trong và ngoài huyện. Mỗi tháng nhóm sẽ trao 1 con me giống hoặc 2 cặp lợn giống trị giá khoảng 10 triệu đồng cho các hộ nghèo”.

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay, nhóm đã trao 2 con me giống trị giá 23 triệu đồng, 2 cặp dê giống trị giá 10 triệu đồng, 5 cặp lợn giống, trị giá hơn 18 triệu đồng; 35 đàn gà (400 con) trị giá 22 triệu đồng, cho các hoàn cảnh khó khăn ở các xã trên địa bàn…

Điều đáng mừng là, thấy cách thức hoạt động của dự án phát huy hiệu quả và mang ý nghĩa nhân văn cao, nhóm thiện nguyện “Đô Lương – chia sẻ yêu thương” đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của những tấm lòng nhân ái và người dân trong và ngoài địa bàn. Người ủng hộ vài trăm, người ủng hộ hàng chục triệu đồng, có những em học sinh còn chia sẻ tiền tiết kiệm để ủng hộ dự án hỗ trợ sinh kế, vật nuôi, cứ thế “góp gió thành bão” tiếp sức cho người nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, đội ngũ con em Đô Lương xa quê ở trong nước và nước ngoài cũng luôn đồng hành với nhóm chung tay hỗ trợ để các hộ nghèo phát triển sinh kế, điển hình như chị Phạm Thị Hồng, sinh sống tại Đà Nẵng, chị Phạm Thị Thu Hương, sinh sống ở Ba Lan…

Bên cạnh hỗ trợ sinh kế, vật nuôi, nhằm chia sẻ sự vất vả của người nông dân khi sản phẩm làm ra gặp khó khăn trong tiêu thụ do dịch bệnh Covid-19, nhóm thiện nguyện “Đô Lương – chia sẻ yêu thương” đã phối hợp với đoàn thanh niên các địa phương và một số đơn vị đứng ra “giải cứu” nông sản giúp bà con. Điển hình như trường hợp của gia đình anh Phùng Văn Dũng ở xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn, nhận khoán từ đất bỏ hoang của xã để làm mô hình trồng bí xanh quy mô 3 héc-ta, bắt đầu trồng từ tháng 9 năm 2020, đến cuối tháng 4 năm 2021 thì thu hoạch. Tuy nhiên, việc tiêu thụ bí mùa đầu tiên của gia đình anh Dũng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Mặc dù các cấp, ban, ngành, đoàn thể xã Lưu Sơn đã vào cuộc, vận động thu mua hỗ trợ, tuy nhiên số lượng bí quá lớn khoảng 200 tấn không thể giải quyết hết được, phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ.

Nhận được thông tin, nhóm thiện nguyện “Đô Lương – chia sẻ yêu thương” phối hợp với Hội LHTN huyện đứng ra mua hỗ trợ 3 tấn bí xanh với số tiền gần 15 triệu đồng “giải cứu” cho gia đình anh Dũng. Càng ý nghĩa và xúc động hơn khi toàn bộ số bí xanh thu mua từ nhà anh Dũng được nhóm trao tặng cho một số đơn vị trên địa bàn huyện đang nuôi dưỡng học sinh người dân tộc thiểu số ăn cơm bán trú, trẻ em mồ côi, các đối tượng yếu thế. Trong đó, tặng Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An ở xã Giang Sơn Đông (đang chăm sóc, nuôi dưỡng 158 bệnh nhân) 6 tạ; Trung tâm Công tác xã hội ở xã Lưu Sơn (đang chăm sóc, nuôi dưỡng 85 trẻ mồ côi) 3 tạ; Trường Trung cấp KT – KT Tây Nam Nghệ An (có hơn 100 học sinh ăn bán trú người dân tộc thiểu số) 4 tạ và phát miễn phí cho các hộ nghèo tại xã Ngọc Sơn 7 tạ. Theo như lời chia sẻ của anh Phùng Văn Dũng: “Ngay sau đó, có nhiều xã trên địa bàn cũng đã tham gia giải cứu bí cho gia đình với số lượng khoảng 16 tấn, đó là động lực để gia đình tôi không bỏ cuộc, tiếp tục gieo trồng vụ mới…”.

Nhóm thiện nguyện “Đô Lương - chia sẻ yêu thương tặng bí xanh thu mua giải cứu cho người nghèo ở xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn.
Nhóm thiện nguyện “Đô Lương - chia sẻ yêu thương tặng bí xanh thu mua giải cứu cho người nghèo ở xóm Lưu Quang, xã Lưu Sơn.

Những hoạt động thiết thực trong hỗ trợ người nông dân, hộ nghèo của nhóm thiện nguyện “Đô Lương – chia sẻ yêu thương” đã được cộng đồng, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn ghi nhận.

Anh Nguyễn Tất Hùng – Trưởng nhóm thiện nguyện cho biết: Với mục tiêu kết nối nhiều nguồn lực để đi vào những hoạt động chuyên sâu hơn, bên cạnh các chương trình như xây dựng nhà nhân ái; tổ chức những bữa cơm yêu thương cho trẻ em mồ côi, đối tượng yếu thế; trao kinh phí hỗ trợ những trường hợp bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro… nhóm sẽ tập trung vào dự án trao sinh kế, vật nuôi “tiếp sức” cho người nghèo, tạo động lực để họ vươn lên trong cuộc sống và lan tỏa thông điệp “lá lành đùm lá rách” trong cộng đồng. Hoạt động ý nghĩa này cũng góp phần tích cực trong thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Đại diện nhóm thiện nguyện thăm, trao quà cho các gia đình ở các xã trên địa bàn huyện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đại diện nhóm thiện nguyện thăm, trao quà cho các gia đình ở các xã trên địa bàn huyện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.