Nhờ bộ đội, người Đan Lai đã biết trồng rừng, làm lúa nước

09/01/2012 14:57

(Baonghean.vn) - Bản Bu ở xã Châu Khê - Con Cuông được ví chốn "sơn cùng thuỷ tận". Nhờ những chiến sỹ ở Đồn Biên phòng Châu Khê "cắm bản", mà người Đan Lai ở đây đã biết làm lúa nước, trồng rừng, cuộc sống ngày càng đổi thay...


Đường vào bản Bu quanh co núi cao, suối sâu, đường lầy lội, tới bản Bu trời đã xế chiều. Bản Bu chủ yếu là những ngôi nhà tranh tre, tạm bợ, chỉ lác đác có dăm nhà lợp prô xi măng. Trời trở lạnh, gió hun hút, nhưng đám trẻ vẫn phong phanh áo mỏng nô đùa.


Trưởng bản Vi Thanh Ban cho biết: Bản Bu có 149 hộ (740 nhân khẩu), cuộc sống của bà con còn đặc biệt khó khăn, thiếu ăn từ 6-7 tháng trong năm. Cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng, săn o­ng, đốt nương làm rẫy. Vì thế, nhiều hộ dân đã du cư tiến sâu vào rừng phòng hộ và rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Pù Mát. Ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh biên giới thì Đồn Biên phòng Châu Khê còn có nhiệm vụ quan trọng là phải giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Không để bà con tiến vào rừng sâu "đốt nương làm rẫy" lâm tặc dễ lợi dụng.


Buổi sáng, các chiến sỹ "cắm bản" dậy
sớm, cùng với dân bản chặt tre nứa, rào vườn, bày cho bà con dân bản cách trồng rau, nuôi gà để cải thiện lương thực. Trung tá Vũ Viết Lương - Phó Đồn Biên phòng Châu Khê kể: "Đồn được thành lập từ năm 2008, những ngày đầu đến với bản Bu, chúng tôi không tưởng tượng nổi bản nghèo nàn, lạc hậu đến thế. Ngoài nhiệm vụ quản lý 24 km đường biên giới giáp Lào, anh em chiến sỹ đã tích cực giúp dân bản cách làm ăn".


Ven khe Choăng, chúng tôi thấy có bãi đất bằng phẳng nhưng cỏ cây tốt um tùm. Vận động bà con trồng ngô nhưng không ai nghe, anh em chiến sỹ đã tự tay cuốc xới, khai hoang trồng ngô làm mô hình. Đến vụ thu hoạch thấy ngô cho bắp to, chắc nịch bà con mới chịu tin. Từ chỗ chỉ có 3 hộ làm ngô nay đã có trên 30 hộ dân làm được 6 ha ngô. Trung tá Vũ Viết Lương mắt ánh lên niềm vui: "Anh xem giờ cả bãi bồi là màu xanh của ngô".


Các chiến sỹ biên phòng cùng với trưởng bản, phó bản vào tận ngọn Pu Hiêng, Pu Má... men theo những dòng khe để tìm đất bằng làm ruộng nước. Bước đầu khảo sát thành công các chiến sỹ đã vận động bà con làm lúa nước. Được bộ đội biên phòng hướng dẫn, gia đình Trưởng bản Vi Thanh Ban làm hơn 1 sào đất, mùa thu hoạch lúa chín vàng ươm, hạt chắc, bà con theo trưởng bản vào khai hoang làm ruộng nước.


Trưởng bản Ban cho hay: "Đến thời điểm này cả bản Bu có trên 6 ha ruộng nước, diện tích ít nhưng đã làm một mùa thành công rồi, đây sẽ là nền tảng để người Đan Lai ta tiếp tục khai hoang làm ruộng nước, ổn định lương thực. Nếu khai hoang cho hết thì cũng được khoảng trên 17 ha ruộng nước".


Trung tá Hoàng Thanh Quyền - Chính trị viên dẫn tôi theo con đường gập ghềnh vào giữa bản Bu thăm các hộ dân đặc biệt khó khăn. Trong năm qua, Đồn Biên phòng Châu Khê đã xây dựng được Đề án Phát triển kinh tế bản Bu. Xin được nguồn vốn hỗ trợ cho 5 gia đình phát triển kinh tế, chủ yếu chăn nuôi lợn thịt. Mỗi hộ được hỗ trợ 5 triệu đồng, các chiến sỹ biên phòng đã xắn tay hướng dẫn cho bà con cách làm chuồng lợn, bày cách chăn nuôi lợn nhốt. Chị Vi Thị Hoa đang cho đàn lợn ăn, cho hay: Trước đây gia đình cũng nuôi lợn nhưng thả rông, bị bệnh chết hết. Được hỗ trợ tiền, gia đình đã làm chuồng, mua 5 con lợn giống, nuôi 4 tháng trừ chi phí lãi trên 5 triệu đồng. Đồn Biên phòng Châu Khê hy vọng đây sẽ là những mô hình chăn nuôi cần được nhân rộng.


Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch xã Châu Khê cho biết: Có lẽ đây là lần đầu tiên UBND xã phối hợp với Đồn Biên phòng Châu Khê vận động được bà con 2 bản người Đan Lai là bản Bu và bản Châu Khê trồng được diện tích rừng keo lai khá lớn. Tổng diện tích trồng rừng năm 2011 cả 2 bản là 150 ha, trong đó riêng bản Bu trồng được 80 ha. Ông Bình kể tiếp: Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy được ưu tiên ở 2 bản trên, thời gian đầu vận động cũng rất khó khăn. Dự án này được cấp gạo để hỗ trợ bà con ổn định lương thực yên tâm trồng và chăm sóc rừng. Tuy nhiên, do khó khăn nên dự án vẫn chưa có gạo, trong khi bà con đòi hỏi là phải có gạo mới trồng.


Trước thực trạng trên UBND xã đã phối hợp với Đồn Biên phòng Châu Khê đến từng nhà để vận động bà con, nói về vai trò của trồng rừng trong phát triển kinh tế. "Mưa dầm thấm lâu" nghe theo cán bộ, bà con đã ưng cái bụng để trồng rừng. Công ty Lâm nghiệp Con Cuông đã cung ứng giống, phân bón kịp thời đến tận nơi cho bà con. Chiến sỹ Lê Văn Tạo hồ hởi: Năm nay mưa nhiều rất khó khăn cho công tác trồng rừng, từ bản Bu đi đến nơi trồng rừng gần là 3 km, xa đến 7 km, vận chuyển cây giống và phân bón vào hố trồng không đơn giản chút nào. Cán bộ xã, huyện cùng với bộ đội và bà con dân bản gánh cây giống vào tận nơi trồng rừng cùng với bà con.


Ông La Văn Lực ở bản Bu tâm sự: "Thấy được sự quan tâm của các ngành, đặc biệt là bộ đội Biên phòng Đồn Châu Khê, bà con chúng tôi cảm động lắm, quyết tâm trồng hết diện tích rừng được giao. Riêng gia đình tôi trồng được trên 1 ha keo lai. Kế tiếp còn có nhiều hộ dân trồng rừng tốt như ông Vi Quang Vinh, ông La Văn Thành...


Ông Nguyễn Thanh Bình-Chủ tịch UBND xã Châu Khê có kiến nghị rằng: Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy năm nay khó khăn nhưng ở xã Châu Khê đã trồng rừng đảm bảo chỉ tiêu được giao. Đã trồng được 205 ha rừng keo lai, bà con rất cần được dự án hỗ trợ gạo như cam kết để trồng rừng đạt hiệu quả. Hiện tại Hạt Kiểm lâm đang tiến hành nghiệm thu, ước tính số gạo hỗ trợ đợt một dự án trồng rừng thay thế nương rẫy là trên 60 tấn gạo cho 2 bản. Bà con rất mong được nhận gạo để đón Tết Nguyên đán.


Rời bản Bu trong chiều mưa, tôi vẫn thấy màu xanh của rừng hoà cùng màu xanh áo lính của các chiến sỹ Đồn Biên phòng Châu Khê. Màu xanh của ấm no và hy vọng!


Văn Trường

Mới nhất

x
Nhờ bộ đội, người Đan Lai đã biết trồng rừng, làm lúa nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO